Theo như chia sẻ trên một số diễn đàn về bất động sản, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự bức xúc, chán nản về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là với condotel. Từng là loại hình được nhiều người săn đón đầu tư vì giá phải chăng, hứa hẹn khả năng sinh lời tốt, có thể gửi chủ đầu tư kinh doanh hộ và còn được nhận về số ngày nghỉ cụ thể trong năm.
Vào thời điểm năm 2019, mức cam kết lợi nhuận tại một số dự án condotel được cho là phù hợp nằm mức 6% với những dự án thuê quản lý nước ngoài và 10% ở dự án do chủ đầu tư tự vận hành.
Nhưng trên thực tế, hiện tại phần lớn các nhà đầu tư condotel đều rơi vào các hoàn cảnh éo le khi mắc kẹt với loại bất động sản này. Nhiều người cho biết, khác với hứa hẹn về lợi nhuận khi mời chào mua condotel vào thời điểm thị trường đang “nóng”, tại một số dự án không thu hút được khách, tỷ suất lợi nhuận ghi nhận chỉ từ 1-2%/năm.
Trong khi đó, các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy còn đang phải “còng lưng” trả nợ lãi ngân hàng khi mà lãi suất vẫn còn khá cao. Một số người không còn khả năng chi trả lãi suất đã phải rao bán cắt lỗ condotel, có những sản phẩm phải cắt đến 50% nhưng vẫn chưa thể tìm được người mua do niềm tin với thị trường này đang ở mức rất thấp.
Đặc biệt theo như chia sẻ của một nhà đầu tư đang sở hữu căn condotel hơn 4 tỷ đồng tại một dự án khu vực miền Bắc, do doanh thu cho thuê thấp hơn chi phí quản lý, dọn phòng… nên trong 6 tháng đầu năm 2023, chủ căn condotel bị âm mất 18 triệu đồng. Số tiền âm mỗi tháng 3 triệu đồng này sẽ được ghi nợ vào cho chủ căn hộ.
Ngoài ra, một số dự án condotel còn phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa chủ sở hữu và chủ đầu tư trong thời gian qua. Nhiều người mua condotel nhưng không thực sự được sở hữu căn hộ, việc tự kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong khâu vận hành, quản lý với chủ đầu tư.
Những vấn đề đó khiến cho loại hình này ngày càng khó lấy lại được niềm tin với nhà đầu tư. Do đó khiến nhiều người càng gặp khó khi rao bán cắt lỗ để giảm bớt áp lực tài chính từ phía ngân hàng hoặc muốn thu lại vốn để đầu tư vào loại hình khác.
Trong hoàn cảnh hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng, các vấn đề mà condotel gặp phải sẽ không dừng lại ở những câu chuyện nói trên. Mặc dù đã được Chính phủ đưa ra nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhưng condotel nói riêng và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung vẫn đang gặp nhiều vấn đề khách quan khác, khiến thị trường này khó có thể phục hồi hơn. Trong đó có cả việc nguồn cung đang vượt cầu quá nhiều, kéo theo tỷ suất lợi nhuận của loại hình này cũng giảm sút.
Theo báo cáo mới đây của DKRA Group thống kê số lượng tồn kho condotel lũy tiến đến tháng 6 đã tăng lên 42.364 căn. Trong đó, tổng lượng tồn kho các tài sản nhà liền thổ ven biển tăng lên xấp xỉ 30.000 sản phẩm. Riêng sản phẩm biệt thự biển, tồn kho lũy tiến đến cuối quý II/2023 lên đến 15.000 căn cả miền Bắc và miền Nam.
Còn theo nghiên cứu của bộ phận Nghiên cứu thị trường thuộc BHS Group, giai đoạn từ năm 2020 đến nay, cả nước có 81 dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã và đang trong quá trình bàn giao, cung cấp ra thị trường hơn 44.000 sản phẩm, bao gồm cả cao tầng và thấp tầng. Trong đó có tới 67/81 dự án đã đi vào khai thác vận hành, tương đương với con số gần 20.000 sản phẩm. Với số lượng dự án còn tồn đọng và các sản phẩm thuộc các dự án đang vận hành còn chưa được đưa ra thị trường, nguồn cung của bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang còn rất lớn.
Bên cạnh đó, ngành du lịch của Việt Nam vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nên tỷ lệ lấp đầy tại các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn còn chưa cao. Đặc biệt với các nhà đầu tư “trót” gửi gắm căn hộ cho chủ đầu tư có chi phí quản lý cao nên việc phải ghi nhận lợi nhuận âm là điều hiển nhiên.