(GLO)- Ngày 19-5, 2 dự án thành phần đoạn Nha Trang-Cam Lâm và Vĩnh Hảo-Phan Thiết chính thức đưa vào khai thác, vận hành.
Đối với phương án tổ chức giao thông trên hai tuyến cao tốc, Bộ Giao thông-Vận tải cho biết cao tốc chỉ phục vụ cho ô tô. Người đi bộ, xe thô sơ, xe máy, mô tô, máy kéo và xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/giờ không được đi vào đường cao tốc (ngoại trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc). Các xe được phép lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ tối đa 80 km/giờ và tốc độ tối thiểu 60 km/giờ.
Điểm cuối cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết. Ảnh nguồn PLO |
Tuyến cao tốc có mặt cắt ngang bốn làn xe lưu thông hai chiều, trên tuyến bố trí các vị trí (dải) dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5 km/điểm trên cùng một chiều xe chạy.
Đối với dự án thành phần đoạn Nha Trang-Cam Lâm, các xe được khai thác tuyến đường từ đầu dự án Km5+783 đến nút giao cuối dự án Km52+892.
Tuy nhiên, trong điều kiện các đoạn cao tốc kế tiếp hai đầu dự án là Vân Phong-Nha Trang và Cam Lâm-Vĩnh Hảo chưa thông xe, trước mắt phương án tổ chức phân luồng từ xa trên tuyến cao tốc như sau: Theo hướng Bắc-Nam, các xe được lưu thông từ Quốc lộ (QL) 1 vào QL27C, nhập vào cao tốc tại nút giao QL27C (đầu tuyến tại Km5+783) đến nút giao Cam Ranh tại Km52+892 kết nối với QL1 thông qua QL27B.
Được biết, cao tốc Nha Trang-Cam Lâm dài hơn 49 km qua tỉnh Khánh Hòa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với hơn 7.600 tỷ đồng. Còn cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết dài hơn 100 km qua tỉnh Bình Thuận. Ở giữa 2 tuyến này là cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo đang được thi công.