Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, bắt đầu từ ngày 1/11/2024, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt chính thức đi vào hoạt động với số vốn điều lệ là 1.303 tỷ đồng.
Chính thức hợp nhất 2 công ty vận tải đường sắt, xóa cảnh cạnh tranh nội bộ
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, bắt đầu từ ngày 1/11/2024, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt chính thức đi vào hoạt động với số vốn điều lệ là 1.303 tỷ đồng.
Các cổ đông của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Sài Gòn trước đây sẽ trở thành cổ đông của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt. |
Đây là pháp nhân được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn theo phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về cơ cấu tổ chức, Công ty Vận tải đường sắt sẽ gồm có 8 phòng, 17 chi nhánh trực thuộc và cơ sở tại TP.HCM, trong đó có 4 chi nhánh toa xe, 2 chi nhánh đoàn tiếp viên đường sắt và 11 chi nhánh vận tải đường sắt.
Trụ sở Công ty cổ phần Vận tải đường sắt được đặt tại địa chỉ 130 đường Lê Duẩn, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP.HCM. Công ty do ông Đỗ Văn Hoan làm Chủ tịch HĐQT; ban điều hành có 5 thành viên do ông Đào Anh Tuấn làm Tổng Giám đốc.
Việc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt chính thức đi vào hoạt động đánh dấu sự thay đổi lớn đối với vận tải đường sắt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuât kinh doanh vận tải đường sắt, giảm chi phí, giảm giá thành vận tải.
Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt cũng tập trung nguồn lực, tài chính, phương tiện vận tải để tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng khả năng huy động vốn cho các kế hoạch phát triển vận tải đường sắt.
Trước mắt, Công ty sẽ nỗ lực thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông giao, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước; từng bước nâng cao việc làm, đời sống cho người lao động; tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu từng bước mở rộng thị phần vận tải đường sắt cả về hành khách, hàng hoá.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt sẽ tập trung phát triển kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ để gia tăng giá trị sản phẩm, tăng doanh thu tạo thêm việc làm cho người lao động. Công ty cũng sẽ nỗ lực trong việc bảo toàn vốn và tài sản của doanh nghiệp, đảm bảo lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn của doanh nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Công ty.
Đối với các cổ đông của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Sài Gòn trước đây sẽ trở thành cổ đông của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt, ngoài việc được hưởng những lợi ích gia tăng từ việc hợp nhất mang lại, các cổ đông sẽ thuận lợi trong việc tìm hiểu, đánh giá chuyên sâu đối với hiệu quả hoạt động của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt và thị trường vận tải đường sắt.
Trước đó, vào tháng 5/2017, trong Đề xuất tổ chức lại hoạt động vận tải gửi Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thừa nhận thất bại trong việc chuyển hai công ty vận tải đường sắt thành các công ty cổ phần.
Sau khi chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào đầu tháng 1/2016, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn đều lao dốc cả về sản lượng, doanh thu và lợi nhuận.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn kinh doanh cả dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách trên cùng một tuyến đường sắt đơn, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa hai đơn vị.
Có thời điểm, tại cùng 1 ga, 1 địa điểm kinh doanh, cả hai đơn vị đều bố trí lao động, thuê trụ sở, kho bãi… làm tăng chi phí, phân tán nguồn lực, năng suất lao động thấp.
Nguồn: https://baodautu.vn/chinh-thuc-hop-nhat-2-cong-ty-van-tai-duong-sat-xoa-canh-canh-tranh-noi-bo-d228992.html