Sáng 27/11, với 431/468 (87,25%) đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Căn cước. Luật gồm 7 chương, 46 điều.
Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người.
Điều 18 của Luật Căn cước nêu các trường thông tin thể hiện trên thẻ căn cước. Trong đó có ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng. Như vậy so với Luật Căn cước công dân 2014, trường thông tin về quê quán, vân tay đã được bỏ không cần thể hiện trên thẻ căn cước.
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp…
Người được cấp thẻ căn cước bao gồm: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến cho rằng thời gian qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước, vì vậy, đề nghị cân nhắc về tên gọi của Luật; đề nghị không đổi tên luật và tên thẻ thành thẻ căn cước.
Tuy nhiên, ông Tới thông tin, qua thảo luận hầu hết ý kiến ĐBQH và ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng ý với tên gọi của dự thảo luật và tên thẻ căn cước đã được giải trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.
Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, thì việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng cho biết nội dung này Đảng đoàn Quốc hội đã xin ý kiến Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng thuận, thống nhất cao về việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước, thẻ căn cước như Chính phủ trình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc điều chỉnh tên gọi là Luật Căn cước và thẻ căn cước phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ nhân dân.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian.
Công nghệ nhận diện mống mắt (hay còn gọi là công nghệ cảm biến mống mắt) là phương pháp sử dụng thuật toán, hình ảnh để nhận dạng một người dựa vào cấu trúc các đường vân của mống mắt (nơi xác định màu mắt của con người), đã được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực.
Hiện nay, nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ này để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website… Đồng thời công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp.
Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, dự thảo luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (với các trường hợp khuyết tật hoặc vân tay bị biến dạng do các nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan…).
Bộ trưởng Tô Lâm: Không tổ chức nào theo dõi được người dùng căn cước gắn chip
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip hoặc QR code thì không theo dõi và không thể theo dõi được.
Bộ trưởng Công an: Không được giữ thẻ căn cước của dân, kể cả khách sạn
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ có quy định để không ai có quyền giữ thẻ căn cước công dân, trường hợp có khách lưu trú thì khách sạn cũng không có quyền giữ thẻ này.
Đổi tên gọi thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số
Việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số, với nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong thẻ căn cước và hình thức, phương thức quản lý số tính khoa học, đại chúng.