NDO – Ngày 17/1, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank).
Chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp nhằm góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Vấn đề này được các cấp có thẩm quyền quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để chỉ đạo các ngân hàng xây dựng Phương án chuyển giao bắt buộc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật.
Sau khi được chuyển giao bắt buộc, GPBank và DongA Bank sẽ là các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do VPBank và HDBank sở hữu 100% vốn điều lệ.
Dưới sự quản lý của VPBank, HDBank trong vai trò chủ sở hữu, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, của khách hàng tại GPBank, DongA Bank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật. VPBank, HDBank là những ngân hàng thương mại cổ phần có đủ năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc để tổ chức thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, với cơ chế được áp dụng theo các quy định của pháp luật, việc nhận chuyển giao bắt buộc cũng là cơ hội để VPBank, HDBank mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới, hiện đại.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng công bố các Quyết định chuyển giao bắt buộc. |
Nhấn mạnh mục đích của việc chuyển giao bắt buộc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng cho biết: Mục tiêu của việc chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng GPBank và DongA Bank cho các ngân hàng VPBank và HDBank là nhằm giúp các ngân hàng GPBank và DongA Bank (vốn là các tổ chức tín dụng yếu kém) khắc phục hết lỗ lũy kế, tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động, chấm dứt kiểm soát đặc biệt,và trở lại hoạt động bình thường. Từ đó, góp phần bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.
“Tương tự như hai trường hợp chuyển giao bắt buộc trước đây, trên cơ sở các quy định của pháp luật và mục tiêu của chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp hỗ trợ toàn diện – bao gồm cả hỗ trợ về tài chính và các cơ chế khác – đối với các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc và được chuyển giao bắt buộc nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan”, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPBank Ngô Chí Dũng chia sẻ: Tái cơ cấu, lành mạnh hóa và củng cố hệ thống các tổ chức tín dụng là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Việc VPBank được phê duyệt nhận chuyển giao bắt buộc theo quyết định vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố trong buổi lễ ngày hôm nay thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước vào uy tín, năng lực, kinh nghiệm của VPBank trong việc tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, đồng thời cũng khẳng định vai trò của VPBank trong hệ thống ngân hàng.
“VPBank xác định việc nhận chuyển giao bắt buộc và thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc là nhiệm vụ quan trọng và có rất nhiều thách thức, khó khăn nhưng VPBank sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực, nhân sự của cả hệ thống với nỗ lực và quyết tâm cao nhất để thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, giúp ổn định thị trường tài chính, tiền tệ và tăng cường lòng tin của nhà đầu tư và công chúng với hệ thống ngân hàng”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPBank khẳng định. Đồng thời, ông Ngô Chí Dũng cũng nêu rõ cam kết đưa ngân hàng được chuyển giao từ vị trí một ngân hàng yếu kém, đang bị kiểm soát đặc biệt trở thành ngân hàng thương mại hoạt động bình thường và phát triển lành mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Bên cạnh trách nhiệm trong việc phục hồi hoạt động cho ngân hàng được chuyển giao, VPBank cũng xác định đây là cơ hội để có thể tạo ra những động lực kinh doanh mới trong thời gian tới.
Sau khi được VPBank nhận chuyển giao bắt buộc, ngân hàng được chuyển giao sẽ được VPBank hỗ trợ trong việc định hướng mô hình kinh doanh, phát triển khách hàng mới, xử lý thu hồi các khoản nợ, tài sản tồn đọng nhằm từng bước giúp ngân hàng được chuyển giao khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt. Mọi nghĩa vụ, quyền lợi hợp pháp của khách hàng của ngân hàng được chuyển giao được bảo đảm.
Ông Phạm Quốc Thanh – Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc HDBank phát biểu tại buổi lễ. |
Cũng tại lễ chuyển giao, ông Phạm Quốc Thanh – Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc HDBank nhấn mạnh: Việc HDBank chính thức nhận chuyển giao DongA Bank không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của HDBank mà còn đóng góp vào tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. “Chúng tôi xác định rõ đây là một nhiệm vụ chiến lược, thể hiện trách nhiệm tiên phong của HDBank trong việc đồng hành cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm bảo đảm sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống tài chính – ngân hàng quốc gia”, ông Phạm Quốc Thanh khẳng định.
Đồng thời, ông Phạm Quốc Thanh cũng nêu rõ cam kết bảo đảm hoạt động ổn định của DongA Bank. Theo đó, HDBank sẽ tập trung các nguồn lực cần thiết để đồng hành và hỗ trợ DongA Bank triển khai thực hiện ba giai đoạn của phương án CGBB đã được duyệt, hướng tới mục tiêu từng bước củng cố, khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, tồn tại, đưa DAB dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, bảo đảm khả năng hoạt động liên tục và an toàn, phục vụ khách hàng và đối tác tốt nhất.
Trước đó, từ khi DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt (tháng 8/2015), HDBank đã là ngân hàng tiên phong tham gia xây dựng Phương án tái cơ cấu DongA Bank theo Luật Các Tổ chức Tín dụng sửa đổi năm 2017. Phương án này đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sau đó được trình Bộ Chính trị để bảo đảm quá trình đánh giá, phê duyệt tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật.
Nguồn: https://nhandan.vn/chinh-thuc-chuyen-giao-bat-buoc-gpbank-cho-vpbank-va-donga-bank-cho-hdbank-post856472.html