Vấn đề được nhiều người quan tâm là mức độ khả thi và hiệu quả của các chính sách thu hút nhân lực.
TỪ ƯU ĐÃI TIỀN ĐẾN ƯU ĐÃI NHÀ
Từ năm 2019, HĐND tỉnh Bình Dương có Nghị quyết 05 quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, nghị quyết góp phần duy trì sự ổn định đội ngũ công chức – viên chức và đảm bảo nguồn nhân lực trên địa bàn. Mới đây, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương phối hợp Sở Nội vụ điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách kèm theo Nghị quyết số 05 nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên (GV).
Đáng chú ý, Bình Dương dự kiến bổ sung GV vào đối tượng thu hút. Đồng thời, Sở GD-ĐT đề nghị Sở Nội vụ xem xét, bổ sung chế độ hỗ trợ thuê nhà đối với GV về công tác trong ngành GD-ĐT tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng dự kiến tăng chế độ thu hút 1 lần với lực lượng lao động có trình độ đến làm việc tại địa phương, với tiến sĩ ở mức 200 triệu đồng, thạc sĩ 150 triệu đồng, ĐH 100 triệu đồng, trung cấp và cao đẳng cùng mức 50 triệu đồng.
Tỉnh Lâm Đồng hồi tháng 12.2023 cũng có chính sách thu hút, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Chẳng hạn giáo sư (GS) (không quá 50 tuổi): 500 triệu đồng/người; PGS (không quá 50 tuổi): 400 triệu đồng/người; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II (không quá 50 tuổi): 250 triệu đồng/người.
Hậu Giang từ năm 2012-2019 cũng ban hành 3 nghị quyết về chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh. Đến đầu năm 2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo sau ĐH, khuyến khích tự đào tạo sau ĐH, thu hút nhân lực, biệt phái và luân chuyển trên địa bàn. Mức thu hút cũng lên tới 300 triệu đồng/GS và PGS, 200 triệu đồng/tiến sĩ và bác sĩ, 250 triệu đồng/tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài, 140 triệu đồng/thạc sĩ… Ngoài ra, người được thu hút đến công tác tại tỉnh còn được hỗ trợ tiền thuê nhà trong năm đầu tiên.
Từ năm 2013, Bạc Liêu cũng ban hành chính sách thu hút nhân lực với những đãi ngộ hấp dẫn. Trong đó, địa phương trợ cấp 500 triệu đồng cho GS, 400 triệu đồng cho PGS và 300 triệu đồng cho tiến sĩ, kèm bố trí chỗ ở khi về công tác ở tỉnh…
Trước đó, TP.HCM áp dụng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt (gọi tắt là người tài) từ năm 2018. Đến cuối năm ngoái, Sở Nội vụ TP.HCM đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị quyết về thu hút người tài. Tại thời điểm đó, TP.HCM dự kiến tăng mức thu nhập đối với người tài lên 30 – 100 triệu đồng/tháng, mức khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ từ 1 – 5% tổng giá trị ngân sách đầu tư cho công trình khoa học, sản phẩm trí tuệ.
Nhiều địa phương khác cũng có những chính sách thu hút theo nhiều mức khác nhau với người có trình độ cao.
GIỮ CHÂN ĐƯỢC NGƯỜI TÀI MỚI LÀ VẤN ĐỀ
Nhận định về việc một số địa phương đưa ra chính sách thu hút nhân lực trình độ cao, PGS-TS Bùi Anh Thủy, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Văn Lang, cho rằng đó là xu hướng tích cực ở nhiều phương diện. Đối với địa phương có chính sách thu hút tốt, sẽ có cơ hội bổ sung nguồn nhân lực trình độ cao, tạo động lực cho những thay đổi lớn, mang tính bước ngoặt trong phát triển KT-XH. Chính sách thu hút có thể tạo nên sự chuyển dịch trong lao động, nhưng đó là một xu hướng tất yếu. Các địa phương khác cũng vì thế cần rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách thích hợp đối với việc sử dụng, giữ chân người tài ở địa phương mình để không bị mất đi nguồn lực quý giá đó.
Cũng theo PGS Thủy: “Ở phạm vi rộng hơn, trên bình diện quốc gia, điều này sẽ như là một cú hích, để nhà nước xem xét, điều chỉnh các chính sách vĩ mô cần thiết trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao, phục vụ mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước. Thực ra, chính sách thu hút nhân lực trình độ cao đã thực hiện từ rất sớm và rất tốt ở khu vực tư và các doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài). Tuy nhiên, cùng với chính sách thu hút còn là vấn đề giữ chân người tài”.
“Việc giữ chân người tài không thuần túy chỉ bằng yếu tố vật chất, các địa phương còn cần phải tạo ra môi trường làm việc tốt để các nhân sự này cảm thấy được tôn trọng, được khai triển năng lực của mình thuận lợi; những nỗ lực của họ được ghi nhận”, PGS Thủy nhấn mạnh.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế-luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), thì cho rằng các chính sách thu hút người có trình độ cao đã được nhiều địa phương triển khai thực hiện từ trước. Tuy nhiên, chính sách này ở một số địa phương chưa mang lại hiệu quả. Nêu ví dụ tại TP.HCM, thạc sĩ Quang cho biết đã áp dụng chính sách thu hút người tài từ năm 2018 nhưng chỉ thu hút được 5 chuyên gia. Theo đánh giá của Sở Nội vụ TP.HCM, chế độ và chính sách thu hút dù cao hơn so với mặt bằng chung nhưng chưa đủ sức hấp dẫn và giữ chân đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học.
Không chỉ TP.HCM, thạc sĩ Quang còn cho rằng kể cả những nơi có chính sách thu hút ở mức cao (có nơi lên tới nửa tỉ đồng), thì vẫn không phải là mức có thể cạnh tranh với mức doanh nghiệp bên ngoài sẵn sàng trả cho các chuyên gia. Do đó, thạc sĩ Quang cho rằng: “Để giữ được người có trình độ cao làm việc trong các cơ quan nhà nước, chế độ đãi ngộ bằng tiền chỉ là một phần. Người lao động còn cần được ghi nhận thông qua môi trường làm việc phù hợp, nơi mà họ có thể phát huy hết sở trường, được cống hiến và cảm thấy có ích”.
PGS-TS Từ Diệp Công Thành, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhìn nhận chính sách thu hút nhân tài hiệu quả sẽ thúc đẩy phát triển nhanh chóng. “Ở các nước trên thế giới, kể cả đất nước hàng đầu về khoa học công nghệ như Mỹ, họ cũng triển khai nhiều chính sách thu hút nhân tài trên quy mô toàn cầu. Các nhà khoa học đoạt các giải thưởng lớn đều được thu hút thông qua các chính sách này”, PGS Thành nói.
Tại VN, theo PGS Thành, việc các địa phương triển khai một số chính sách thu hút nhân tài chính là hướng đi đúng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương về nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, việc thu hút và trọng dụng nhân tài cần nhiều chính sách đồng bộ và không chỉ ở bước thu hút ban đầu, mà còn ở các chính sách hậu thu hút. Muốn vậy, PGS Thành cho rằng cần khảo sát trung thực các ý kiến của cá nhân được thu hút, các nhà quản lý của địa phương nơi thu hút được nhân tài, để từ đó điều chỉnh các chính sách, cơ chế và có được những mô hình tốt hơn, hoàn thiện hơn trong nỗ lực thu hút nhân tài của địa phương.
Tiêu chuẩn được tuyển chọn
Bình Dương: Theo chính sách thu hút nguồn nhân lực được ban hành năm 2019, người được thu hút phải đáp ứng điều kiện văn bằng: ngành y tế phải có trình độ sau ĐH, trước đó phải tốt nghiệp bác sĩ hệ chính quy 6 năm từ các trường ĐH: Y Hà Nội, Y dược TP.HCM, Y dược Huế, Y dược Cần Thơ, Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Các ngành còn lại phải có trình độ sau ĐH, trước đó tốt nghiệp ĐH hệ chính quy các trường ĐH công lập loại khá trở lên, chuyên ngành sau ĐH phải phù hợp ngành tốt nghiệp ĐH…
Hậu Giang: Đối tượng được hưởng chính sách thu hút nhân lực phải đáp ứng tất cả các điều kiện: chuyên ngành đào tạo phù hợp với chuyên ngành cần thu hút; dưới 50 tuổi với nam và dưới 48 tuổi với nữ; cam kết công tác ít nhất 5 năm.