Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 28/11, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Tại phiên thảo luận này các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có chính sách thuế ưu đãi để thúc đẩy doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đồng thời đề xuất ưu đãi mức thuế để khuyến khích cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhằm phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Chính sách thuế – tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp Đầu tư cho văn hóa bằng chính sách thuế |
Thúc đẩy doanh nghiệp và tinh thần khởi nghiệp
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) và nhiều đại biểu khác đánh giá, việc áp dụng thuế suất 15% cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 17% cho doanh thu từ 3 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng là bước đi tích cực, giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, mức doanh thu áp dụng thuế suất 15% dưới 3 tỷ đồng là quá thấp và không thực tế đối với nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ. Ông đề xuất tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế suất 15% lên 5 tỷ đồng và thuế suất 17% lên 70 tỷ đồng, đồng thời xem xét thêm các tiêu chí khác như số lao động, vốn đăng ký để phân loại doanh nghiệp. Đại biểu thuộc đoàn Trà Vinh cho rằng, nên áp dụng lộ trình tăng dần thuế suất khi doanh nghiệp vượt ngưỡng doanh thu, tránh tạo áp lực đột ngột.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam qua nền tảng thương mại điện tử phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại Việt Nam là quy định cần thiết, phù hợp với sự phát triển của kinh tế số. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị cần làm rõ các tiêu chí để hạn chế việc thất thu thuế và làm rõ hơn tiêu chí xác định thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam trong trường hợp doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Đồng thời bổ sung, hướng dẫn cụ thể về cách kê khai và nộp thuế, nhất là với các doanh nghiệp xuyên biên giới góp phần tạo môi trường cạnh tranh công bằng.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đồng ý với việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở sản xuất cây trồng, rừng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đối với các hoạt động thương mại liên quan đến sản phẩm này, cần phải đánh thuế thu nhập doanh nghiệp để tránh thất thu thuế.
Về thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Hoà đồng tình với mức thuế phổ thông của dự thảo (20%), nhưng cho rằng cần có chế độ thuế hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có thể phát triển. Ông cũng đề xuất giảm số lượng mức thuế suất để giảm phức tạp trong việc thực hiện, ủng hộ việc tiếp tục áp dụng chính sách thuế ưu đãi đối với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, nhằm thu hút đầu tư và tạo ra nguồn thu thuế bền vững trong tương lai.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận về các chính sách ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, và các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Ưu đãi thuế cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Chỉ những đơn vị sự nghiệp công lập có liên doanh, liên kết để thu lợi nhuận mới cần nộp thuế… Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất cải thiện sự liên thông giữa các cơ quan thuế địa phương để đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp.
Cần có chính sách thuế ưu đãi để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đổi mới sáng tạo |
Ưu đãi mức thuế để báo chí làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị
Đặc biệt phiên thảo luận sôi nổi hơn với các ý kiến đại biểu tập trung đề xuất giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí. Các đại biểu nêu thực tế phần lớn cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phục vụ nhiệm vụ chính trị thay vì mục tiêu kinh doanh. Việc áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông 20% cho các khoản thu nhập ngoài nhiệm vụ chính như: quảng cáo, tổ chức sự kiện… tạo áp lực lớn lên tài chính của cơ quan báo chí. Trong khi đó, nguồn thu từ quảng cáo của báo chí ngày càng giảm, khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Các khoản thu nhập không ổn định như: tài trợ hợp đồng quảng cáo nhỏ vẫn bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp mà không xét đến tính đặc thù, làm suy yếu khả năng tài chính của báo chí.
Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, nhiều cơ quan báo chí hiện nay hoạt động phi lợi nhuận, phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và giáo dục. Tuy nhiên, các thu nhập từ quảng cáo và tổ chức sự kiện của báo chí lại bị áp dụng thuế suất 20%, gây khó khăn tài chính cho các cơ quan báo chí. Từ phân tích trên, ông Bình đề xuất giảm thuế suất đối với thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí xuống 10% hoặc thấp hơn, miễn thuế đối với các khoản tài trợ và viện trợ. Đồng thời, cần tách biệt rõ ràng giữa thu nhập từ hoạt động tuyên truyền và thu nhập từ các hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho báo chí ở vùng sâu, vùng xa và khuyến khích các biện pháp hỗ trợ tài chính từ các nguồn xã hội hóa.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) thì cho rằng, việc giảm thuế chính là cơ hội, điều kiện để hỗ trợ báo chí làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa. Bởi hiện phát hành báo in rất ít, nên khoản giảm thuế cho báo in 10% không nhiều, trong khi đó các cơ quan báo chí đang thực hiện đa nền tảng, đi đầu trong chuyển đổi số. Việc đầu tư không chỉ công nghệ, máy móc mà còn là con người, chứ không chỉ là chi phí về in ấn hay phát sóng.
“Quốc hội cho giảm thuế tất cả các loại hình báo chí xuống còn 10% là rất tốt, giúp động viên báo chí tích cực hơn. Với ngân sách nhà nước, giảm thêm 5% nữa cho báo chí thì ngân sách nhà nước cũng giảm không đáng bao nhiêu. Doanh thu của báo chí hiện nay đang rất khó khăn, rất thấp, nhưng quan trọng là tăng được giá trị của thông tin, tăng giá trị của tinh thần để báo chí làm nghề tốt hơn, say sưa hơn, hào hứng hơn… Điều này chắc chắn là cả xã hội được hưởng lợi, công chúng được hưởng lợi truyền thông chính sách. Việc định hướng thông tin của chúng ta sẽ tác dụng hơn rất nhiều, chống thông tin xấu độc sẽ có hiệu quả hơn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Phát biểu làm rõ thêm các thông tin đại biểu nêu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, đã có doanh thu thì phải nộp thuế. Đối với cơ quan báo chí, ông mong Quốc hội thống nhất đối với báo in và các loại báo khác 10%. “Chúng tôi đã trao đổi với Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất nội dung này để giúp các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí cũng có rất nhiều hình thức hỗ trợ, như đặt hàng cho cơ quan báo chí; hay các hình thức quảng cáo và hình thức khác. Đối với các cơ quan báo chí mà chưa tự chủ thì nhà nước vẫn cấp kinh phí bình thường”, Phó Thủ tướng cho hay.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/chinh-sach-thue-hop-ly-se-giup-doanh-nghiep-phat-trien-158262.html