Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, 2023 là một năm khối lượng công việc khổng lồ, tần suất hoạt động của QH có lẽ lớn nhất nhiệm kỳ khóa XV. Theo Hiến pháp, mỗi năm QH sẽ họp 2 kỳ; nhưng riêng năm 2023 thì có tới 5 kỳ họp, gồm 2 thường kỳ và 3 bất thường. Ủy ban Thường vụ QH cũng họp khoảng 20 phiên, cả thường kỳ, các phiên chuyên đề pháp luật và ngày giữa 2 đợt của kỳ họp. Chưa kể 2 hội nghị đại biểu QH chuyên trách và rất nhiều phiên họp chuyên đề toàn quốc, trong đó hội nghị triển khai các luật, nghị quyết của QH lần đầu tiên được tổ chức. Tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XV tới nay, QH có 6 kỳ họp thường kỳ và 5 kỳ họp bất thường. Tổng số kỳ họp của 3 năm đầu nhiệm kỳ gần bằng số kỳ họp của một khóa Quốc hội trước đây.
“Nhiều người hỏi chúng tôi: vì sao ngày lễ, tết mà QH vẫn làm việc, đêm khuya vẫn sáng đèn? Với khối lượng công việc như vậy, không làm thì không thể đáp ứng được. Việc trình các dự án luật, nghị quyết vào nửa đêm, rạng sáng là chuyện bình thường. Chúng tôi không muốn vất vả, càng không muốn đại biểu QH và trong cơ quan, anh em vất vả nhưng vì khối lượng công việc lớn, con người vẫn vậy thì phải cố gắng mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn. QH không chỉ phấn đấu ngày càng dân chủ, chuyên nghiệp, tăng tính pháp quyền mà còn phải rất linh hoạt, năng động, đổi mới, mang theo hơi thở cuộc sống, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước”, Chủ tịch QH chia sẻ.
*Tinh thần năng động, đổi mới, mang theo hơi thở cuộc sống mà Chủ tịch QH vừa nhắc tới thể hiện qua những nỗ lực của QH, các cơ quan của QH suốt năm 2023 vừa qua?
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: Trong năm qua, QH tiếp tục tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo phát triển và tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó là việc tháo gỡ khó khăn trước mắt bằng nghị quyết, thí điểm một số vấn đề cấp bách. Đơn cử như việc QH chưa thông qua 2 dự án luật Đất đai sửa đổi và luật Tổ chức tín dụng sửa đổi tại kỳ họp 6 cuối năm 2023, để có thời gian rà soát, hoàn thiện kỹ lưỡng để trình QH thông qua tại kỳ họp bất thường thứ 5 vừa qua. Chúng ta không chạy theo số lượng, dù cấp bách nhưng chất lượng luôn là yêu cầu quan trọng nhất, không hấp tấp, không vội vàng. Bởi lẽ cả luật Đất đai sửa đổi cũng như luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đều rất quan trọng, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống KT-XH và người dân. Việc lùi thời gian thông qua 2 đạo luật này đã giúp các cơ quan rà soát, hoàn thiện kỹ lưỡng trước khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường thứ 5 vừa qua.
Hay như việc QH thông qua Nghị quyết về thuế DN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thường gọi là thuế tối thiểu toàn cầu – PV) tại kỳ họp 6 (cuối năm 2023). Đồng thời, QH cũng quyết định, bổ sung vào nghị quyết chung kỳ họp về việc thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư nguồn từ thuế tối thiểu toàn cầu thu được và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ đầu tư cho những tập đoàn, dự án mang tính chiến lược, không chỉ cho DN, tập đoàn nước ngoài mà cho cả DN VN.
Trước đó, Chính phủ đã trình 2 dự thảo nghị quyết: một là nghị quyết thuế tối thiểu toàn cầu; hai là nghị quyết áp dụng chính sách khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, nghị quyết thứ 2 Ủy ban Thường vụ QH họp 2 lần nhưng không thông qua để trình QH được. Vì việc lập dự toán ngân sách hàng năm chi cho tập đoàn này, tập đoàn kia bao nhiêu tiền mặt để hỗ trợ thu hút đầu tư là chưa có tiền lệ. Rất khó, mà chưa nước nào làm cả.
Ngay ngày đầu tiên giữa hai đợt họp kỳ họp thứ 6, tôi ngồi làm việc với các cơ quan, gợi ý rằng vẫn trình nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu; đồng thời đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp giao Chính phủ thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho cả DN trong nước và nước ngoài chính bằng nguồn này. Vì nếu chi từ quỹ rất khả thi, dễ thực hiện thay vì chi bằng dự toán ngân sách như Chính phủ dự kiến và còn có thêm thời gian để Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH chuẩn bị chi tiết. Tất cả cơ quan đồng ý cả, khi được báo cáo, Thủ tướng Chính phủ rất phấn khởi, nửa đêm còn gọi điện cho tôi… Đây là một trong những ví dụ điển hình của “kéo pháo vào và kéo pháo ra” trong xây dựng pháp luật để ứng xử với các tình huống phát sinh, đáp ứng yêu cầu cuộc sống, yêu cầu kiến tạo phát triển…
*Những nỗ lực của QH, cơ quan QH trong xây dựng pháp luật đã góp phần tháo gỡ khó khăn, đồng hành, chia sẻ với Chính phủ, DN, người dân như thế nào?
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: Xây dựng pháp luật luôn gắn với tổ chức triển khai, thi hành. Trước đây, chúng ta thường nói khâu thực hiện bao giờ cũng là khâu yếu. Trong năm vừa qua, lần đầu tiên QH tổ chức hội nghị triển khai các luật, nghị quyết của QH, sau này sẽ thành nề nếp để thúc đẩy việc tổ chức thực hiện. Vừa qua, có tình trạng một bộ phận cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, làm không đến nơi đến chốn; bất cứ cái gì cũng đổ cho chính sách pháp luật, chồng chéo, mâu thuẫn. Để tường minh việc này, QH đã yêu cầu tổng rà soát hệ thống pháp luật. Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ đều thành lập 2 tổ công tác, hoạt động song song và độc lập, tổng rà soát hơn 600 văn bản luật nghị định, thông tư ở tất cả các lĩnh vực đời sống.
Kết luận từ 2 tổ công tác hoàn toàn trùng khớp, cho thấy hệ thống pháp luật của chúng ta cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, minh bạch; tuân thủ Hiến pháp và các quy định, cam kết cũng như điều ước quốc tế. Đương nhiên, thực tiễn bao giờ cũng đi trước pháp luật, đòi hỏi sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng thực tiễn là điều hết sức bình thường. Nhưng rõ ràng vấn đề chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện, không có chuyện vì chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở đến mức làm cho cán bộ không thể làm được.
Còn năm tới đây, nghị quyết của QH yêu cầu tổng rà soát về hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Bây giờ cứ nói rằng đẻ ra “giấy phép con”, có thật thế không, mức độ thế nào, sẽ phải làm cho rõ. Nhiều người hỏi bây giờ cứ nói lấy người dân và DN làm trung tâm, lấy ở đâu, lấy thế nào? Xin thưa, tất cả những quyết sách nói trên đều lấy người dân, DN làm trung tâm. Đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
*Cũng liên quan hoàn thiện hệ thống pháp luật, tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị thay vì mãi loay hoay tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt thì đã tới lúc cần một “chiếc áo cơ chế mới”. Với vai trò người đứng đầu cơ quan lập pháp, hình dung của ông về “chiếc áo cơ chế mới” này như thế nào?
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: Phải nhìn nhận vấn đề ở cả hai mặt. Một mặt tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trước mắt nhưng mặt khác cũng phải luôn nghĩ vấn đề căn cơ, lâu dài. Chủ trương của Đảng là vấn đề nào cấp bách, đã chín, đã đủ rõ và nhận được sự đồng thuận cao thì luật hóa để tổ chức thực hiện. Những gì cấp bách mà chưa đủ chín, chưa đủ rõ và chưa đồng thuận thì tiếp tục nghiên cứu. Cái nào được cơ quan có thẩm quyền cho phép thí điểm thì làm thí điểm.
Chính sách, thể chế không phải làm cho vui, làm không được thì bỏ. Do đó cần phải hết sức thận trọng. Mong muốn thì vô cùng, nhưng luật không thể hài lòng tất cả mọi người, nhất là những lợi ích cục bộ, lợi ích không phù hợp lợi ích quốc gia dân tộc. Nghị quyết 27 về xây dựng nhà nước pháp quyền đã nêu rõ, vấn đề nào chưa rõ, chưa chín thì nghiên cứu thí điểm. Nhưng thí điểm thì phải có phạm vi, địa chỉ, có kiểm soát, chứ không phải là một luật mới song hành với luật đang có. “Áo mới” gì cũng phải theo nguyên tắc đó. Đó phải là cái phổ quát, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Nhiều người cũng nói nhiệm kỳ này là “cuộc thử nghiệm”, “nhiệm kỳ của thí điểm”. Tăng cường thí điểm cũng đúng thôi, nhưng không phải cái gì cũng cho thí điểm. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, cải cách chính sách, xé rào, đột phá ở tầm quản trị quốc gia không đơn thuần như với quản trị DN. Cho nên, tháo gỡ trước mắt, nhưng luôn phải nghĩ căn cơ, lâu dài. Không vì cái trước mắt mà làm hỏng cái căn cơ, lâu dài, nhưng cũng không thể chỉ nhìn lâu dài, mà không quan tâm cái trước mắt.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I – năm 2023
*Ngoài lập pháp thì chức năng rất quan trọng của QH là giám sát. Tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn”. QH đã và sẽ có những đổi mới nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư?
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: QH, Ủy ban Thường vụ QH luôn chú trọng định hướng công tác theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, đó là lấy giám sát, đổi mới giám sát làm khâu trọng tâm, then chốt để đổi mới hoạt động tổ chức của QH. Chúng tôi đã dành rất nhiều tâm huyết và quyết tâm để sớm sửa luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024; phải làm sao cho sát thực tế, khả thi, thực chất, hiệu lực, hiệu quả.
Năm 2022, nghị quyết hướng dẫn công tác giám sát của HĐND được ban hành, đây được coi như một cẩm nang, giải tỏa được biết bao vướng mắc của HĐN cấp tỉnh. Đến năm 2023, Ủy ban Thường vụ QH tiếp tục xây dựng nghị quyết hướng dẫn thực hiện các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của QH. Thực tế, nhiều cuộc giám sát, giải trình xong không có kết luận, cũng không có nghị quyết, như vậy chẳng có hiệu lực gì. Lần này, Ủy ban Thường vụ QH quyết tâm làm; phải tạo ra một sức mạnh cho Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của QH, vừa là quyền hạn nhưng cũng vừa là trách nhiệm.
Về giám sát chuyên đề, triết lý của Ủy ban Thường vụ QH, của Chủ tịch QH là giám sát nhưng cũng phải kiến tạo phát triển. Công tác giám sát đều chú trọng vào giám sát hoạt động, tức là giám sát những gì đang diễn ra, chứ không phải chỉ kết thúc rồi mới ngồi hậu kiểm.
Với tinh thần trên, năm 2024, QH sẽ làm giám sát chuyên đề về thị trường bất động sản, nhà ở. Có ý kiến nói luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa được QH ban hành thì giám sát làm gì. Nhưng như thế sẽ rất hay, bởi vì khi xây dựng luật thì những vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách đã được tổng kết; còn tới đây sẽ tập trung vào khâu thực thi, giải quyết vướng mắc nếu phát sinh trên thực tế. Đóng băng như thế này thì mới phải giám sát, chứ đang vận hành trơn tru thì chẳng cần phải làm. Tinh thần là giám sát cũng để kiến tạo phát triển; chất lượng giám sát ngày càng phải nâng cao, như dân gian vẫn thường nói: “giám là phải sát, sát là phải dám”.
*Xin cảm ơn Chủ tịch Quốc hội!