Hồi tháng Bảy, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo “kỷ nguyên ấm lên trên toàn cầu đã kết thúc, kỷ nguyên sôi sục của Trái đất bắt đầu”.
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề cấp bách nhất trên thế giới. |
Điều đáng khích lệ là quá trình chuyển đổi nhằm mục tiêu trung hòa khí thải ròng vào năm 2050 đã trở thành ưu tiên chính sách trên toàn cầu, khi các chính phủ thực thi các chính sách tham vọng nhằm thúc đẩy tiêu thụ năng lượng sạch.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi trở nên phức tạp và mang tính chính trị nhiều hơn. Chính sách tăng lãi suất trong thời gian dài hơn trên toàn cầu nhằm kiểm soát lạm phát tác động tiêu cực đến quá trình chuyển đổi xanh, khi quá trình này cần nguồn vốn đầu tư tư nhân lớn.
Bên cạnh đó, tiến triển khó đạt được hơn do làn sóng thụt lùi các sáng kiến xanh, đáng chú ý nhất là tại châu Âu, khu vực vốn đi đầu trong việc thực hiện các chính sách chống biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như, Reuters đưa tin, chính phủ cánh hữu của Italy đẩy lùi một loạt sáng kiến của EU nhằm xanh hóa nền kinh tế vì cho rằng doanh nghiệp địa phương không đủ khả năng đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi đã thỏa thuận. Có những dấu hiệu cho thấy sự chậm tiến triển trong việc phi carbon hóa của châu Âu.
Bên kia Đại Tây Dương, cuộc đình công của công nhân ngành ô tô Mỹ đã cho thấy những xung đột giữa việc cam kết chuyển đổi xanh và bảo vệ việc làm trong những lĩnh vực có thể chịu ảnh hưởng lớn nhất trong quá trình này.
Trước sự thụt lùi đang gia tăng trong các sáng kiến xanh, một số quốc gia phát triển đã bớt quyết tâm hơn trong các cam kết không phát thải ròng. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia tiếp tục đầu tư cho các dự án sử dụng than, gây nghi ngại về cam kết phi carbon hóa hệ thống năng lượng.
Sự thụt lùi trong chính sách chống biến đổi khí hậu là khó tránh khi các chính phủ ban đầu có thể quá kỳ vọng trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế phi carbon hóa mà không chú trọng đến những tác động có thể gây ra trước mắt đối với một số bộ phận dân số.
Trở lại năm 1991, Giáo sư của Đại học Harvard Michael Porter đã viết tương lai carbon thấp sẽ cắt giảm chi phí và cải thiện phúc lợi xã hội theo thời gian khi khuyến khích đổi mới công nghệ năng lượng sạch và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, đó là những gì sẽ đạt được trong dài hạn.