Với quan điểm nhất quán, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định văn hóa nói chung, văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng là một bộ phận quan trọng, là động lực của sự phát triển bởi: “Văn hóa… là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn”(1). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội; nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục khẳng định quan điểm xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Nghị quyết cũng nhấn mạnh nhiệm vụ giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh quan điểm phát triển: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc… lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”(2), “Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số… Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số”(3).
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành các chính sách nhằm phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, tập trung vào một số lĩnh vực cơ bản sau:
Một là, chính sách bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác giáo dục ngôn ngữ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số(4)… Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số, 27/53 dân tộc thiểu số có bộ chữ viết riêng của dân tộc mình, như Tày, Thái, Hoa, Khmer, Nùng, Mông, Gia-rai, Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, Chăm, Cơ-ho, Mnông… được bảo tồn. Một số ngôn ngữ được sử dụng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các đài phát thanh và truyền hình địa phương, và được sử dụng để in các tác phẩm văn nghệ truyền thống, các sáng tác mới… Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy, học ngôn ngữ dân tộc thiểu số cũng được triển khai ở các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Hiện nay, cả nước đã có 30 tỉnh triển khai với 700 trường học tiếng dân tộc thiểu số; phát hành 8 chương trình tiếng dân tộc (Chăm, Khmer, Gia-rai, Ba-na, Ê-đê, Mông, Mnông, Thái) và 6 bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số (Chăm, Khmer, Gia-rai, Ba-na, Ê-đê, Mông). Nhiều địa phương đã khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc; biên soạn, xuất bản sách tiếng dân tộc thiểu số.
Hai là, chính sách bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg, ngày 27-7-2011, “Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”” nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội phát triển văn hóa dân tộc, góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, hướng tới bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế…; Quyết định số 2493/QĐ-TTg, ngày 22-12-2016, “Phê duyệt Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020”, hướng tới mục tiêu huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan. Quyết định số 936/QĐ-TTg, ngày 30-6-2017, “Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 – 2020”, trong đó có mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; phát triển các công trình văn hóa hiện đại, có ý nghĩa biểu tượng quốc gia, ý nghĩa chính trị, lịch sử, truyền thống đặc sắc hướng tới mục tiêu chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4686/QĐ-BVHTTDL, ngày 31-12-2013, “Phê duyệt Đề án tổ chức định kỳ “Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số” theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013 – 2020”; Quyết định số 3965/QĐ-BVHTTDL, ngày 16-11-2015, “Về việc phê duyệt Dự án “Chương trình hoạt động, lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia giai đoạn 2015 – 2020” (thuộc Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)”… Qua đó, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa được diễn ra trên phạm vi cả nước, từng vùng, từng địa phương, từng dân tộc, như Giao lưu văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam hằng năm; ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung và miền Đông Nam Bộ, ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Chăm, Khmer, Mường, Dao, Hoa, Thái…; liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái…. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam được nâng cao. Các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được lập hồ sơ khoa học, xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Việt Nam đã có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2008); Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (năm 2019); Nghệ thuật Xòe Thái (năm 2022)…
Tiếng khèn của đồng bào dân tộc Mông_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL, ngày 18-1-2019, về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” với mục tiêu bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, khơi dậy lòng tự hào đối với văn hóa và trang phục truyền thống các dân tộc, hình thành ý thức, động lực để chính các chủ thể văn hóa, các cấp chính quyền địa phương có ý thức bảo tồn, phát huy và sử dụng trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống.
Cùng với việc ban hành các văn bản trên, xác định những người có uy tín, già làng, trưởng bản, các nghệ nhân có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, hằng năm, Đảng và Nhà nước tổ chức gặp mặt già làng, trưởng bản, những người có uy tín là người dân tộc thiểu số, trao tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, như nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; tri thức dân gian; ngữ văn dân gian; tiếng nói, chữ viết; lễ hội truyền thống…
Ba là, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã khai thác các giá trị văn hóa địa phương, tạo nên những sản phẩm du lịch khá hấp dẫn. Một số mô hình phát triển du lịch đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả, như du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), du lịch cộng đồng của người Lự ở bản Thẳm (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu)… Vấn đề liên kết vùng, hợp tác giữa các đơn vị, tổ chức và việc ứng dụng khoa học – công nghệ, truyền thông trong hoạt động du lịch ngày càng được chú trọng trong các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, trong đó phải kể đến tuyến du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”; “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên”; “Du lịch cội nguồn”, “Cội nguồn Tây Bắc”, “Sắc màu vùng cao”; “Du lịch vòng cung Tây Bắc”… Việc triển khai chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch khá hiệu quả, góp phần vừa phục hồi, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của các vùng, miền trên cả nước, vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập; qua đó, thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bốn là, chính sách truyền thông đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số chính sách liên quan đến công tác truyền thông đã được ban hành, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung và chính sách bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng đến với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như các quyết định của Thủ tướng Chính phủ(5). Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các đài phát thanh, truyền hình địa phương, các cơ quan báo chí và truyền thông trên cả nước cũng tích cực phủ sóng và nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Năm là, chính sách về công tác thông tin, thư viện nhằm lưu trữ các văn bản cổ, về hoạt động nghe nhìn, sáng tác văn học, nghệ thuật về chủ đề dân tộc thiểu số.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1558/QĐ-TTg, ngày 5-8-2016, “Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam””. Đề án đã khảo sát, điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, sáng tạo, xuất bản, phát hành, quảng bá các công trình văn học, nghệ thuật về các dân tộc thiểu số Việt Nam dưới dạng sách in, sách điện tử (Ebook), sách 3D, các phim tài liệu, phim chuyên đề và hệ thống thư viện số.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống chính sách văn hóa đối với các dân tộc thiểu số còn ít và chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội. Việc tổ chức thực hiện chính sách còn chậm, chưa thực sự đi vào cuộc sống… Nguồn lực đầu tư hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số còn hạn chế, sử dụng thiếu hiệu quả. Nhận thức một bộ phận không nhỏ các ngành, các cấp về văn hóa dân tộc thiểu số còn hạn chế. Chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng nên chưa phát huy được hiệu quả tài năng, tâm huyết của đội ngũ trí thức, nghệ nhân dân gian dân tộc thiểu số. Chính sách bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc theo các lĩnh vực cụ thể, chính sách tái tạo môi trường, khôi phục cảnh quan, không gian sinh tồn của đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm định hướng và thể hiện một cách rõ ràng.
Thời gian tới, để tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức trong công tác hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số phải gắn với chính sách phát triển quốc gia – dân tộc, chính sách phát triển của vùng, chú ý đến tính toàn diện, tính đặc thù. Quá trình hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, tính đặc thù của từng vùng, từng địa phương, từng tộc người và phải đặt trong tổng thể sự phát triển quốc gia, dân tộc. Cần có thái độ tôn trọng đối với di sản văn hóa các dân tộc thiểu số. Tăng cường các hoạt động bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc trưng và phù hợp với điều kiện mới; bảo đảm hài hòa giữa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy, bảo tồn và phát triển, nhất là phát triển bền vững về văn hóa, đặt trong mối quan hệ với kinh tế – xã hội. Cụ thể hóa các nội dung chính sách bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người (có số dân dưới 10.000 người), các dân tộc thiểu số tại các khu vực tái định cư dự án thủy điện liên thông, tại vùng biên giới, kết nối toàn diện với các chương trình, dự án có liên quan.
Hai là, đổi mới công tác tuyên truyền.
Bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, công tác quản lý nhà nước về văn hóa phải có sự thay đổi trong tư duy và hành động. Bên cạnh việc tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa các dân tộc thiểu số, cần tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý văn hóa. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn văn hóa, về công tác quản lý văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với thế hệ trẻ, củng cố niềm tự hào, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động bảo tồn văn hóa và quản lý văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với cơ sở. Nhiệm vụ tuyên truyền có thể được lồng ghép với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa mới, bài trừ những tập tục cổ hủ; chống âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm gây chia rẽ dân tộc, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Ba là, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và quản lý văn hóa dân tộc thiểu số, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số.
Chú trọng công tác tuyển dụng công chức, viên chức được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức trong tình hình mới đối với đội ngũ làm công tác dân tộc và quản lý văn hóa dân tộc thiểu số. Có cơ chế phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Tiếp thu thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý văn hóa, như số hóa những dữ liệu cốt lõi gắn với bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số; từ đó, có thể lựa chọn đăng tải trên các phương tiện thông tin và truyền thông để đông đảo người dân có điều kiện tiếp cận, tương tác, tìm hiểu thuận lợi hơn.
Gắn kết công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và hoạt động du lịch với sự tham gia của các bên liên quan, trong đó vai trò nòng cốt thuộc về các chủ thể văn hóa… để vừa tạo ra sinh kế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, vừa tạo ý thức cho chính cộng đồng trong việc lựa chọn, phát huy, trao truyền và thực hành các giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu trong đời sống. Đó cũng là cơ sở để văn hóa các dân tộc thiểu số phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần gắn kết giữa xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với sản phẩm và dịch vụ văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trình diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên tại thác Pa Sỹ, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum)_Nguồn: nhandan.vn
Bốn là, nhân rộng các mô hình bảo tồn văn hóa; xây dựng các mô hình mới về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với thực tiễn của các địa phương.
Xác định làng, bản, buôn, sóc, ấp… là địa bàn cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa mới, trong đó chú trọng phát huy vai trò người dân – chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa – những người có khả năng nuôi dưỡng và phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa truyền thống với nòng cốt là các già làng, các nghệ nhân và trí thức là người dân tộc thiểu số. Thực hiện các mô hình bảo tồn văn hóa có hiệu quả, phổ biến và nhân rộng các mô hình bảo tồn văn hóa được triển khai tốt, đồng thời đổi mới, bổ sung các mô hình bảo tồn các giá trị văn hóa phù hợp với thực tiễn của địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số theo vùng, ngày hội đại đoàn kết dân tộc tại các địa phương; xây dựng mô hình bảo tàng văn hóa tư nhân; đưa mô hình truyền dạy văn hóa dân tộc vào các trường học; gắn tổ chức truyền dạy, phát triển nghề thủ công truyền thống, điêu khắc dân gian với các cơ quan, tổ chức phát triển du lịch, các trung tâm xúc tiến việc làm và tiêu thụ sản phẩm.
Năm là, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm ổn định đời sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với phát triển kinh tế, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thiểu số và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có chính sách hỗ trợ, phục dựng các lễ hội truyền thống, các sản phẩm văn hóa truyền thống. Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ có công tạo dựng các công trình, sản phẩm văn hóa; phổ biến, truyền dạy nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ các mô hình văn hóa đặc sắc, mô hình điểm ở các bản, làng; hỗ trợ việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết. Để tăng cường nguồn lực cho phát triển văn hóa, chú trọng đến vấn đề xã hội hóa các hoạt động văn hóa với sự tham gia và giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, cần chú ý đến môi trường, không gian phù hợp để đồng bào các dân tộc thiểu số hoạt động, phát triển và sáng tạo văn hóa. Phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm và tính phản biện trong việc thực hiện chính sách văn hóa. Tăng cường sự tham gia, tư vấn của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa để kịp thời kiến nghị, chỉnh sửa những bất cập của một số chính sách cho phù hợp với thực tiễn./.
PGS, TS NGUYỄN THỊ SONG HÀ
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
———————————-
(1) Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 979 (tháng 12-2021), tr. 3
(2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 215 – 216, 144 – 145
(4) Nghị định số 82/2010/NĐ-CP, ngày 15-7-2010, của Chính phủ “Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên”; Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 2-6-2016, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến 2025””
(5) Quyết định số 59/QĐ-TTg, ngày 16-1-2017, “Về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn”; Quyết định số 1860/QĐ-TTg, ngày 23-11-2017, “Phê duyệt đề án “Thí điểm cấp ra-đi-ô cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới””; Quyết định số 45/QĐ-TTg, ngày 9-1-2019, “Về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019 – 2021”