Ngày 4/6, phe đối lập Syria đã kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ) với chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad.
Tổng thống Syria Bashar Al-Assad tham dự Hội nghị thượng đỉnh Arab ở Jeddah ngày 19/5. (Nguồn: AFP) |
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh quan hệ ngoại giao khu vực có dấu hiệu nồng ấm trở lại, khi tháng 5 vừa qua, Liên đoàn Arab (AL) đã quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria sau hơn một thập kỷ đình chỉ do cuộc xung đột nổ ra ở quốc gia Trung Đông này.
Trong một thông cáo sau cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Geneva (Thụy Sỹ), Ủy ban đàm phán Syria (SNC) – tập hợp các đại diện chính của phe đối lập ở Syria – nhận định, bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình ở Syria “có lợi cho việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp” với chính quyền của Tổng thống Al-Assad.
Tuy nhiên, thông cáo báo chí nêu rõ, các cuộc đàm phán phải “trong khuôn khổ của một chương trình và thời gian biểu cụ thể”.
SNC kêu gọi “ủng hộ các nỗ lực của LHQ” để thực hiện các biện pháp cần thiết cho một “giải pháp chính trị toàn diện”, phù hợp với nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đã bị đình trệ kể từ khi Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ được thông qua vào năm 2015, trong đó quy định về một hiến pháp mới và các cuộc bầu cử.
Hồi tháng 5, tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại thành phố Jeddah (Saudi Arabia) có sự tham dự của Tổng thống Syria Al-Assad, AL đã nhấn mạnh “sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp hiệu quả để đạt được một giải pháp” cho cuộc xung đột ở Syria.
Trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an vào cuối tháng 5, Đặc phái viên của LHQ về Syria Geir Pedersen đã đánh giá, “những hoạt động ngoại giao mới” trong khu vực kể từ tháng 4 có thể là một cơ hội để mang lại hòa bình và ổn định nếu được tận dụng tốt.