Chính quyền quân sự của Niger chuẩn bị cho phản ứng từ khối khu vực Tây Phi sau khi phớt lờ thời hạn khôi phục chức vụ cho tổng thống bị lật đổ hoặc đối mặt với mối đe dọa can thiệp quân sự.
Theo kênh CNN của Mỹ ngày 7-8, các lực lượng vũ trang của Niger đã đưa quân chi viện đến thủ đô để chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự tiềm tàng, chỉ vài giờ sau khi chính quyền quân sự ở nước này từ chối tuân thủ thời hạn chót về việc khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum do Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đặt ra, nếu không sẽ đối mặt với sự can thiệp quân sự.
CNN dẫn một nguồn tin trong quân đội Niger cho biết, một đoàn xe khoảng 40 chiếc đã đến vào lúc chập tối 6-8, chở theo binh sĩ từ các vùng khác nhau của nước này đến để trấn an công chúng đang lo lắng và chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng.
Trước đó cùng ngày, chính quyền quân sự Niger tuyên bố: “Phải đối mặt với mối đe dọa về sự can thiệp, vốn đang ngày càng trở nên hiện hữu thông qua sự chuẩn bị của các quốc gia láng giềng, không phận của Niger đóng cửa kể từ ngày 6-8 đối với tất cả các máy bay cho đến khi có thông báo mới”.
Niger chìm trong hỗn loạn chính trị kể từ cuối tháng trước, khi Tổng thống Mohamed Bazoum bị lực lượng bảo vệ tổng thống lật đổ trong một cuộc đảo chính. ECOWAS đã phản ứng vài ngày sau đó bằng cách ban hành các biện pháp trừng phạt và đưa ra tối hậu thư cho chính quyền quân sự mới ở Niger: từ chức trong vòng một tuần hoặc đối mặt với nguy cơ can thiệp quân sự.
Thời hạn đó đến và trôi qua vào ngày 6-8 mà không có bất kỳ thay đổi nào về tình hình chính trị. Tổng thống Bazoum vẫn bị phế truất và công chúng vẫn chưa biết tung tích của ông này.
Điều gì đến tiếp theo ở Niger là không rõ ràng. Các nhà lãnh đạo ECOWAS cho biết ưu tiên của họ là tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng nhưng vẫn khẳng định rằng họ sẵn sàng sử dụng vũ lực như một phương án cuối cùng để đưa chính phủ được bầu của Niger trở lại nắm quyền.
Sự không chắc chắn đã làm náo loạn cư dân ở thủ đô Niamey. Một số người đổ xô đến các siêu thị để mua các mặt hàng thiết yếu như gạo và dầu ăn với số lượng lớn, trong khi những người khác tìm cách rời khỏi đất nước. Nhân viên của các công ty xe buýt địa phương cho biết hầu hết các tuyến ra khỏi thủ đô đều đã kín chỗ.
Trong khi đó, những người biểu tình ủng hộ chính quyền quân sự đã tập trung tại một sân vận động có 30.000 chỗ ngồi ở Niamey để bày tỏ sự ủng hộ của họ và phản đối các lệnh trừng phạt của ECOWAS.
Mặc dù giàu tài nguyên, Niger vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nhiều người Niger, đặc biệt là thế hệ trẻ, vẫn coi Pháp là một cường quốc chịu trách nhiệm về tình trạng nghèo đói phổ biến ở đất nước họ. Những người ủng hộ chính phủ quân sự mới thậm chí coi cuộc đảo chính là một cơ hội để Niger tách khỏi ảnh hưởng của Pháp về mặt ngoại giao.
Tương lai của chính phủ ở Niger có tầm quan trọng đặc biệt đối với các nước láng giềng và các đối tác phương Tây của Niger. Mỹ và Pháp có lực lượng đồn trú lên đến hàng trăm binh sĩ, nhiều người trong số họ hỗ trợ các nhiệm vụ chống khủng bố, trong một khu vực đầy biến động chính trị, khủng bố và các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo.