Chính quyền quân sự bổ nhiệm thủ tướng, ECOWAS nhóm họp sau thời hạn “tối hậu thư là một số diễn biến đáng chú ý về tình hình ở Niger.
Ông Ali Mahaman Lamine Zeine được chính quyền quân sự Niger bổ nhiệm làm Thủ tướng. (Nguồn: AFP) |
Ngày 7/8 trên truyền hình quốc gia, chính quyền quân sự ở Niger thông báo bổ nhiệm ông Ali Mahaman Lamine Zeine làm Thủ tướng.
Ông Ali Mahaman Lamine Zeine từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ năm 2002 đến năm 2010 dưới thời cựu Tổng thống Mamadou Tandja để khắc phục tình hình kinh tế và tài chính hỗn loạn khi đó.
Trước khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng mới, ông Lamine Zeine, một nhà kinh tế được đào tạo bài bản, là đại diện thường trú của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) tại Chad, Bờ biển Ngà và Gabon.
Sinh năm 1965 tại Zinder, thành phố đông dân thứ hai của Niger, ông làm việc ở Bộ Kinh tế và Tài chính từ năm 1991 sau khi học tại Trường Hành chính quốc gia (ENA) ở Niamey. Ông cũng tốt nghiệp Trung tâm Nghiên cứu rài chính, kinh tế và ngân hàng Marseille và Trường đại học Paris-I của Pháp.
Động thái mới nhất này diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tìm cách khôi phục tình hình tại đây. Hiện thời hạn của tối hậu thư do Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đưa ra cho chính quyền quân sự ở Niger để phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum đã trôi qua.
Tuy nhiên, các đối tác phương Tây và châu Phi của Niger vẫn đang chia rẽ về vấn đề có can thiệp quân sự hay không. Hiện ông Bazoum vẫn bị giam lỏng tại dinh thự riêng kể từ ngày đảo chính diễn ra.
Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn ECOWAS Emos Lungu cho biết, khối này sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Abuja của Nigeria vào ngày 10/8 để tiếp tục thảo luận về cuộc đảo chính ở Niger.
Trước đó, ngày 7/8, một chỉ huy giấu tên của ECOWAS cho biết, khối này “cần thêm thời gian chuẩn bị” nếu muốn can thiệp quân sự vào Niger. Hiện chính quyền quân sự ở Niger đã từ chối “tối hậu thư”, đóng cửa không phận và sẵn sàng “đáp trả mạnh mẽ và ngay lập tức”. Láng giềng Mali và Burkina Faso khẳng định sẽ ủng hộ lực lượng này.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ cho biết đang liên hệ với công dân ở Niger. Hiện nước này chưa có kế hoạch sơ tán người còn mắc kẹt ở quốc gia châu Phi.
Tuy nhiên, cơ quan đại diện vẫn sẽ cung cấp các thông tin hỗ trợ cần thiết để bảo đảm an toàn. Hiện còn khoảng 20 người Thụy Sỹ đang ở Niger. Trước đó, 13 công dân nước này đã rời Niger trong ngày 6/8.
Trong một diễn biến liên quan, các hãng hàng không của Thụy Sỹ thông báo điều chỉnh lộ trình bay do Niger đóng cửa không phận. Các hành khách bị ảnh hưởng có thể đặt vé lại để tìm các tuyến đường bay phù hợp.