PA được thành lập khi nào và mục đích là gì?
Được thành lập vào giữa những năm 1990 với tư cách là một cơ quan lâm thời trên con đường trở thành nhà nước độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô, Chính quyền Palestine (PA) là cơ quan quản lý giám sát các khu vực Bờ Tây do Israel chiếm đóng.
PA là kết quả của Hiệp định Oslo giữa Chính phủ Israel và phong trào PLO – lúc đó do Cố Chủ tịch Yasser Arafat lãnh đạo. Ngày nay, những hiệp định đó đã tan vỡ khi Israel mở rộng các khu định cư và bỏ qua các con đường ở Bờ Tây và Đông Jerusalem trong một sự sáp nhập trên thực tế lãnh thổ mà đáng lẽ phải là một phần của Nhà nước giả định Palestine. Vòng đàm phán cuối cùng đã thất bại vào năm 2014.
PA được điều hành bởi Fatah, một đảng chính trị thế tục được thành lập bởi cộng đồng người Palestine sau thảm họa Nakba năm 1948. Fatah cũng là động lực của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), một liên minh bao gồm một số đảng chính trị, tuyên bố đại diện cho người Palestine trên toàn thế giới.
Các thành viên PA có được bầu không?
PA có một tổng thống được bầu và hội đồng lập pháp đơn viện (quốc hội) được gọi là Hội đồng Lập pháp Palestine (PLC). Tuy nhiên, chưa có cuộc bầu cử tổng thống nào kể từ khi nhà lãnh đạo đương nhiệm, Mahmoud Abbas được bầu vào năm 2005, và không có cuộc bầu cử quốc hội nào kể từ năm 2006.
PLC đã không được triệu tập kể từ năm 2007, khi đảng Fatah của Tổng thống Abbas đối đầu với một tổ chức chính trị khác của người Palestine là Hamas dẫn tới một cuộc nội chiến ngắn giữa hai bên. Tổng thống Abbas đã lãnh đạo PA bằng sắc lệnh kể từ đó.
Khi nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Abbas kết thúc vào năm 2009, Hamas đã phản đối sự tại vị của ông. Abbas lập luận rằng ông nên tại vị thêm một năm nữa để cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội có thể được tổ chức cùng lúc. Cho đến ngày nay, ông vẫn giữ chức vụ Tổng thống Nhà nước Palestine.
Tổng thống Abbas là ai?
Ông Mahmoud Abbas, hiện 87 tuổi, đã kế nhiệm cố lãnh tụ Yasser Arafat làm Tổng thống PA. Theo báo Al Jazeera, nhiều người Palestine tin rằng rằng Abbas, còn được gọi là Abu Mazen, là một nhà cải cách sẽ mang lại hòa bình.
Sự xuất hiện của Tổng thống Abbas cũng được Israel và phương Tây hoan nghênh, những nước coi ông là người bảo đảm tốt nhất cho sự ổn định trong khu vực. Nhà lãnh đạo này có xu hướng ôn hòa và không ủng hộ bạo lực.
Mối quan hệ giữa PA và Hamas là gì?
Ngày nay, sự chia rẽ chính trị và lãnh thổ giữa đảng Fatah của ông Abbas và Hamas, lần lượt nằm ở Bờ Tây và Gaza, đã trở nên sâu sắc hơn.
Hai vùng lãnh thổ đã phát triển thành những thực thể khác nhau rõ rệt, PA của Fatah được quốc tế công nhận và ủng hộ, trong khi Gaza dưới sự lãnh đạo của Hamas, bị phương Tây coi là khủng bố, ngày càng bị cô lập. Ai Cập đã giúp Israel thực thi lệnh phong tỏa trên bộ, trên biển và trên không đối với Dải Gaza trong 17 năm qua.
Nỗ lực thành lập Chính phủ Hiệp định Quốc gia nhằm thống nhất hai nhóm vào năm 2014 đã thất bại. Ba năm sau, một thỏa thuận hòa giải có thể giúp Hamas chuyển giao quyền kiểm soát hành chính ở Gaza đã bị cản trở bởi những tranh chấp về giải trừ vũ khí.
Năm 2022, các đại biểu từ 14 phe phái Palestine đã cùng nhau đến Algiers (thủ đô Algeria) để ký một thỏa thuận hòa giải mới, với kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội vào cuối năm 2023 – đây sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên sau 17 năm.
PA có ảnh hưởng gì đến cuộc chiến tại Dải Gaza?
Dù cả PA và Hamas đều cùng chấp nhận một nhà nước Israel theo biên giới được xác lập năm 1967 song PA lựa chọn giải pháp đàm phán hòa bình với Israel để giải quyết những tranh chấp về lãnh thổ. Còn Hamas lựa chọn đấu tranh vũ trang để buộc Israel phải rút khỏi tất cả những vùng đất chiếm đóng.
Bởi những khác biệt đến đối lập về quan điểm và đường lối, PA không tác động được bất cứ điều gì tới các diễn biến chiến sự tại Dải Gaza lúc này. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Hamas bị tấn công dữ dội đến mức phải rút khỏi Dải Gaza? Liệu PA, hay chính xác hơn là các thành viên Đảng Fatah chiếm ưu thế trong chính phủ này, có đưa người trở lại Gaza để gây dựng lại ảnh hưởng?
Những câu hỏi ấy còn phải chờ thời gian trả lời. Nhưng theo giới quan sát, chỉ có sự đoàn kết giữa các phe phái mới có thể tạo nên sức mạnh đấu tranh cho người Palestine. Bởi nhìn lại hành trình bền bỉ bao thập kỷ qua của người Palestine có thể thấy, chính những chia rẽ trong nội bộ có thể xem như một nguyên nhân lớn khiến họ càng lúc càng gặp nhiều khó khăn trước áp lực của Israel cũng như trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Ngoài ra, PA còn đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo dư chấn từ các cuộc tấn công không lan sang Bờ Tây. Các quan chức Mỹ và Israel đánh giá rằng khả năng xảy ra bạo lực ở Bờ Tây là thách thức cần kiểm soát nhất trong nhiều thách thức phía trước.
Nguyễn Khánh