Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình luôn sáng tạo, đổi mới, nỗ lực vượt khó, có đóng góp tích cực, cùng tỉnh trên chặng đường phát triển.
Với sự đồng hành của chính quyền tỉnh Hòa Bình, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng lớn mạnh. Lũy kế đến tháng 7/2024, toàn tỉnh có trên 4.600 doanh nghiệp, với vốn điều lệ đăng ký khoảng 92 nghìn tỷ đồng.
Dù cơ cấu, quy mô doanh nghiệp của Hòa Bình còn tương đối khiêm tốn, với khoảng 98% là doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ nhưng theo Cục Thuế tỉnh Hòa Bình, 9 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.800 tỷ đồng, trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng góp khoảng 70%.
Ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công dự án đường liên kết vùng tại địa phận huyện Kim Bôi ngày 21/11/2024. (Nguồn: Báo Hòa Bình) |
Năm 2023, tỉnh có 28 doanh nghiệp nộp ngân sách trên 10 tỷ đồng với tổng số tiền nộp ngân sách gần 3.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp giải quyết việc làm ổn định cho gần 84 nghìn người lao động, thu nhập bình quân từ 5,5 – 6,2 triệu đồng/người/tháng; các hợp tác xã thu hút 16,3 nghìn thành viên và 28 nghìn lao động tham gia, thu nhập bình quân đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Các doanh nghiệp, doanh nhân rất tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, thiện nguyện, tham gia hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, các doanh nghiệp đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội.
Hợp tác, phát triển có hiệu quả
Hòa Bình thực hiện phương châm: “Theo sát bước chân của nhà đầu tư; hỗ trợ tối đa, nhanh chóng và kịp thời; doanh nghiệp phát triển thì tỉnh mới phát triển; hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy kinh tế – xã hội tiếp tục vững bước trên con đường phát triển”. |
Để cùng hợp tác, phát triển có hiệu quả với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thành công các dự án trên địa bàn tỉnh, Hòa Bình đã thực hiện nhất quán quan điểm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” theo đúng tinh thần Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 31/8/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Cụ thể, thời gian qua, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đe tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại. 2024 cũng là năm có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh trong chỉ đạo các dự án trọng điểm.
Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh đã chỉ đạo Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư các đơn vị liên quan tăng cường trách nhiệm, phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi đất rừng, đất lúa, thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định; xây dựng kế hoạch chi tiết tháo gỡ khó khăn cho từng việc, từng dự án để tập trung chỉ đạo, hoàn thành tiến độ giải ngân…
Lần đầu tiên những vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng, môi trường thuộc thẩm quyền địa phương được Hòa Bình triển khẩn trương đến vậy. Điều này cho thấy sự chuyển động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, triển khai các dự án trọng điểm. Những khó khăn về thủ tục đầu tư xây dựng, đất đắp, chuyển đổi đất lúa, đất rừng từng bước được giải quyết.
Tỉnh cũng đã khởi công dự án: Đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu; đường liên kết vùng cũng đang được tích cực triển khai; dự án cáp treo Hương Bình – Lạc Thủy, dự án Nhà máy sản xuất, chế tạo các loại bảng mạch in điện tử có vốn đầu tư 200 triệu USD của tập đoàn Meiko (Nhật Bản)… Những dự án này sau khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân… Từ đó, nâng cao hơn nữa chất lượng, đời sống cho người dân tại địa phương.
Đồng thời, tiếp tục tập trung phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Tổ chức làm việc, nắm băt tình tình, tháo gỡ khó khăn, vướng măc, thúc đây khởi công dự án đầu tư xây dựng và kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp. Rà soát Kế hoạch đầu tư công đến năm 2025, cắt giảm các dự án đầu tư công chưa cấp bách, ưu tiên tập trung nguồn lực dành cho các công trình, dự án trọng điểm, các công trình cấp bách, phục vụ quốc kế – dân sinh của tỉnh.
Song song với đó, định kỳ 3 tháng một lần, tham mưu, chuẩn bị nội dung giúp Thường trực Tỉnh ủy tố chức gặp mặt, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Rà soát, thu hồi các dự án vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai, dự án có dấu hiệu giữ đất, chờ cơ hội để chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp tục đào tạo, bồi dường phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tăng cường, nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn, đồng hành với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư theo quy định.
Đường Hòa Lạc – Hòa Bình đang khai thác 2 làn xe, sẽ kết nối với cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu. (Ảnh: Giang Huy) |
Theo sát bước chân nhà đầu tư
Với tư duy mới, tầm nhìn mới, quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648 ngày 20/12/2023.
Trong đó, Hòa Bình định hướng phát triển bao trùm, hài hòa; kinh tế phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế liền kề với thành phố Hà Nội, nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, đồng thời là cửa ngõ kết nối Hà Nội với tiểu vùng Tây Bắc; tập trung vào bốn trụ cột gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; du lịch; nhà ở vệ tinh gắn với giữ gìn bản sắc và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Đây chính là cơ hội mới góp phần củng cố, định hình môi trường đầu tư của tỉnh. Từ đó, mở thêm cơ hội và mở đường cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục có những đóng góp, đồng hành cùng địa phương phát triển.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Hòa Bình kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực. Với phương châm: “Theo sát bước chân của nhà đầu tư; hỗ trợ tối đa, nhanh chóng và kịp thời; doanh nghiệp phát triển thì tỉnh mới phát triển; hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy kinh tế – xã hội tiếp tục vững bước trên con đường phát triển”, Hòa Bình cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, giải pháp để tiếp sức cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư theo thẩm quyền; cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Chính quyền tỉnh sẽ là điểm tựa tinh thần quan trọng giúp đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp vững tin, phát triển toàn diện, đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo sức bật đưa Hòa Bình vươn xa hơn trên hành trình hội nhập.
Nguồn: https://baoquocte.vn/chinh-quyen-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-dua-hoa-binh-vuon-xa-296835.html