Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, chiều 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Gỡ vướng để Hải Phòng phát triển năng động
Theo Tờ trình Chính phủ gửi Quốc hội, sự cần thiết của việc xây dựng Nghị quyết đó là TP. Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, trọng điểm phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển của khu vực Bắc Bộ và cả nước; trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Sau hơn 5 năm xây dựng và phát triển kể từ thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW, TP. Hải Phòng đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh những kết quả đạt được thì mô hình tổ chức chính quyền địa phương và quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của chính quyền địa phương các cấp tại thành phố hiện nay còn chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa bàn đang phát triển năng động. Cơ chế, chính sách phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và TP. Hải Phòng và giữa các cấp chính quyền địa phương của thành phố còn bất cập, nhất là các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách; quy hoạch; kế hoạch đầu tư; tổ chức bộ máy; xây dựng và quản lý đô thị,…
Từ đó, đặt ra yêu cầu cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai, minh bạch trong quản lý và phục vụ Nhân dân tốt hơn của chính quyền địa phương các cấp của Thành phố.
Áp dụng mô hình thành phố Thủ Đức đối với thành phố Thủy Nguyên
Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Để hoàn thiện dự thảo, đại biểu cho biết, nghị quyết hiện nay đưa ra quy chế phối hợp của các cấp chính quyền với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp nhưng mới chỉ đề cập tới việc trong bầu cử, chưa đề cập đến chức năng về giám sát, kiểm tra.
Theo đại biểu, khi bỏ Hội đồng nhân dân ở cấp chính quyền địa phương, để thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo nghị quyết cần bổ sung quy định phải có cơ chế phối hợp, vì lúc đó chức năng kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân có thể sẽ được chuyển một phần qua các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, như thế có thể duy trì được hoạt động ở cơ sở một cách dân chủ hơn như luật đã quy định.
Nêu quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Quốc hội đã cho phép thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM và Đà Nẵng. Vì vậy, việc thực hiện chính quyền đô thị của thành phố Hải Phòng rất phù hợp và hợp lý.
Tán thành với mô hình của chính quyền đô thị Hải Phòng như tại dự thảo, đại biểu cho biết, giống như TP.HCM và Đà Nẵng, chính quyền đô thị chỉ có cấp thành phố, trong đó, cấp thành phố gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận và Hội đồng nhân dân cấp phường mà chỉ có Ủy ban nhân dân cấp quận và Ủy ban nhân dân cấp phường.
Liên quan tới trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân các thành phố, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề xuất nên thực hiện thí điểm đối để đảm bảo phù hợp với nội dung đang thực hiện thí điểm tại TP.HCM. “Đề nghị chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định của Điều 3 phải giống như của Ủy ban nhân dân 2 đô thị TP.HCM và Đà Nẵng. Cho nên việc cho phép Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố được ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn trong trường hợp cần thiết tại điểm c khoản 2 Điều 3 nên thực hiện thí điểm, vì khác với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và rất phù hợp với thực hiện chính quyền đô thị của TP.HCM và Đà Nẵng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu đề xuất.
Ngoài ra, cho rằng đối với mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Thủy Nguyên là mô hình không mới, đại biểu đề nghị nên áp dụng giống như mô hình của thành phố Thủ Đức đối với thành phố Thủy Nguyên. Tuy nhiên, không cứng nhắc mà cần căn cứ vào đặc thù riêng để vận dụng mô hình này một cách linh hoạt.
Tạo động lực cho Hải Phòng có bước tiến mới
Tham gia thảo luận, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng nhấn mạnh, mô hình chính quyền đô thị có tác động mạnh mẽ, tạo động lực cho Hải Phòng có bước tiến mới trên con đường xây dựng phát triển thành phố. Đại biểu cũng bày tỏ hi vọng trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ được Chính phủ trình ra Quốc hội nghị quyết để thay thế Nghị quyết số 35 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Trong đó, nội dung nghị quyết sẽ tập trung xuất nhiều cơ chế, chính sách mới để tiếp tục tạo sự đột phá cho thành phố Hải Phòng.
Thể hiện sự tán thành cao, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà bày tỏ băn khoăn đối với Điều 10 của quy định chuyển tiếp tại dự thảo Nghị quyết. Đại biểu cho biết, theo quy định của luật, nhiệm kỳ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là 5 năm. Như vậy, năm 2026 Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp sẽ hết nhiệm kỳ và toàn dân tiến hành bỏ phiếu để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tiếp đó, tại Điều 10 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng nhân dân là 5 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau. Chậm nhất 45 ngày trước khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân khóa mới phải được bầu xong. Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ do Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Về nhiệm kỳ của đại biểu Hội đồng nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu bổ sung bắt đầu làm nhiệm vụ đại biểu kể từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo…
Từ phân tích nêu trên, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, nếu đưa vào trong dự thảo nghị quyết quy định cứng là Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, phường của Hải Phòng nhiệm kỳ hiện nay kết thúc vào ngày 30/6/2026 sẽ khó trong triển khai thực hiện. Vì vậy, đề nghị nên quy định theo hướng, việc thực hiện nhiệm vụ này theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, không khác biệt so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tăng cường phân cấp, phân quyền để đảm bảo chính quyền đô thị tinh gọn
Tiếp thu giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc thành lập chính quyền đô thị của Hải Phòng thực hiện thể chế hóa nghị quyết của Đảng, cũng như kết luận của Bộ Chính trị. Đồng thời, trong quá trình thực hiện đã đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ với TP.HCM, Đà Nẵng và có lựa chọn bổ sung một số vấn đề phù hợp với thực tiễn trong quá trình vận chính quyền đô thị của TP.HCM để phù hợp với Hải Phòng.
Bộ trưởng cho biết, để thu gọn cấp chính quyền với Hải Phòng, TP.HCM và Đà Nẵng chỉ có 1 cấp chính quyền và thống nhất một chế độ công vụ, tăng cường phân cấp, phân quyền để đảm bảo chính quyền đô thị tinh gọn, hoạt động năng động, tự chủ, thích ứng linh hoạt, phù hợp với vai trò, tính chất đặc thù, đặc trưng của đô thị.
Về tên gọi, Bộ trưởng cho biết thực chất tên thành phố trong thành phố cũng nằm trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. “Chúng ta cứ nói như vậy nhưng thực ra để cho rõ và dễ hiểu, còn về bản chất Thủ Đức vẫn gọi là thành phố Thủ Đức, còn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ Đức khác với các thành phố khác nếu có của TP.HCM sau này. Bởi vì, đó là thành phố thuộc thành phố thì quy mô, tính chất, đặc thù của thành phố Thủ Đức cũng phải khác để sau này sẽ đánh giá được theo căn cứ trên cơ sở phân loại”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Về tổ chức bộ máy của thành phố Thủy Nguyên, Bộ trưởng cho biết, Thủy Nguyên trong thời gian tới sẽ là trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội của thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, không thể tăng được số lượng cán bộ, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cũng như các ban của Hội đồng nhân dân Thủy Nguyên.
“Lúc đầu phương án cũng định tăng thêm số lượng các ban của Hội đồng nhân dân, tăng thêm 1 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, tăng thêm 1 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân để cho tương đồng với Thủ Đức. Nhưng theo một tinh thần chung của Tổng Bí thư chỉ đạo là tinh gọn, cho nên buộc phải sắp xếp lại chỉ có hai ban, đó là Ban Kinh tế – xã hội và Ban Pháp chế đô thị”, Bộ trưởng giải thích và cho biết tinh thần chung là phải sắp xếp lại bộ máy Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.
Dự thảo Nghị quyết có 10 điều, gồm: Tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng (Điều 1); HĐND TP. Hải Phòng (Điều 2); Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng (Điều 3); Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận (Điều 4); HĐND TP. Thuỷ Nguyên thuộc TP. Hải Phòng (Điều 5); UBND, Chủ tịch UBND TP. Thuỷ Nguyên thuộc TP. Hải Phòng (Điều 6); Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường; quản lý cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (Điều 7); Tổ chức thực hiện (Điều 8); Điều khoản thi hành (Điều 9) và Quy định chuyển tiếp (Điều 10).
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/to-chuc-bo-may-chinh-quyen-do-thi-hai-phong-tinh-gon-hoat-dong-hieu-qua-383497.html