Phải trải qua những cuộc thi đấu vòng loại Olympic vô cùng cực khổ và khắc nghiệt vì đối đầu với đối thủ tầm cỡ thế giới hay châu lục, hoặc phải kinh qua những giải đấu tích điểm trong nhiều năm liền mà ở mỗi giải ấy cũng toàn ‘thứ dữ’.
Họ – 16 tinh hoa của thể thao Việt Nam (VN) – đã giành vé đến Olympic Paris 2024 trên con đường chông gai, bằng tất cả nghị lực, ý chí phi thường, tình yêu nghề mãnh liệt, trái tim quả cảm, trí tuệ, nước mắt và đôi khi cả bằng máu. Nhưng tất thảy không cô đơn, bởi chúng ta đang ở cạnh họ, và dõi theo hành trình gian khó họ sắp đi qua – ở đấu trường cao nhất, gian truân nhất mà cũng vinh quang nhất…
Có những cú ngã đau điếng, có cú ngã tưởng chừng đánh gục cả sự nghiệp nhưng bản lĩnh, nghị lực và tài năng giúp họ trở lại ngoạn mục. Lực sĩ cử tạ Trịnh Văn Vinh cùng cua rơ Nguyễn Thị Thật đã vượt qua những cú sốc lớn của cuộc đời…
1.680 ngày biến nỗi đau thành trái ngọt
Ngày 2.4.2024, Trịnh Văn Vinh giành vé tham dự Olympic 2024 đầy ngọt ngào. Một thành quả cho 1.680 ngày với 5 năm dài đằng đẵng để chiến đấu, vượt lên nỗi đau mang tên doping.
Ngày 27.8.2019 có thể xem là một trong những ngày đen tối của sự nghiệp đô cử quê Bắc Ninh. VĐV cử tạ sinh năm 1995 bị Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) cấm thi đấu 4 năm, phạt 5.000 USD vì dương tính với chất cấm (doping). Đòn đau giáng xuống hoài bão, tham vọng cho một VĐV mới bước sang tuổi 24.
Trước khi nhận án phạt, Vinh là VĐV trọng điểm của thể thao VN hướng đến tấm HCV ASIAD 19 (năm 2023) và thậm chí là mục tiêu săn huy chương tại đấu trường Olympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021). Bởi lẽ anh có nền tảng từ tấm HCV cử giật hạng 62 kg giải vô địch thế giới năm 2017.
Lúc này, trong đầu Vinh len lỏi suy nghĩ “mình sẽ không thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thể thao được nữa”. Mọi thứ thay đổi quá nhanh. Anh sụp đổ, đau khổ, dằn vặt và tủi thân. Anh càng khép mình để bước tiếp sau ngày tháng đen tối. Anh tự nhủ phải tìm cách đứng dậy khi cử tạ vẫn như huyết quản chảy trong người. May mắn là anh vẫn đam mê, đầy nhiệt huyết và cố suy nghĩ lạc quan.
Vinh về lại Trường ĐH TDTT Bắc Ninh, cùng với HLV của mình bàn bạc, hoạch định lại tương lai. Có thêm gia đình làm chỗ dựa vực dậy tinh thần, anh lao vào tập luyện. Một vòng tuần hoàn lặp lại trong suốt 4 năm khi 6 giờ tập với thầy một buổi rồi chiều xuống Nhổn (tên gọi quen thuộc của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội) tập từ 16 – 18 giờ.
Có lúc, Vinh cảm thấy chán nản, yếu lòng với những lời dị nghị xung quanh. Giữa muôn trùng gian khó cuộc đời, anh đều vượt qua. Và rồi, anh trở lại sau án treo giò dài đằng đẵng đó. Ngày trở lại, đô cử quê Bắc Ninh quyết tâm: “Tôi phải hướng đến sân chơi Olympic 2024. Tôi sẽ phấn đấu hết sức có thể để đoạt huy chương”.
Quyết tâm và làm. Vinh đi từng bước, chậm nhưng chắc. Anh có những toan tính để làm sao đích đến trước mắt là suất dự Olympic. Tháng 5.2023, SEA Games 32 và giải cử tạ châu Á diễn ra trùng thời điểm. Anh không dự SEA Games dù có khả năng cao đoạt huy chương để tập trung vào sân chơi châu lục nhằm đi từng bước đủ điều kiện dự Olympic Paris. Sau đó, anh tham dự giải thế giới với mức tổng cử khiêm tốn 292 kg. Đến tháng 9, anh tham dự ASIAD 19. Hai giải đấu không thành công nhưng tất cả đều nằm trong dự tính của chàng trai này. Anh cần thi đấu để tìm lại cảm giác lên sàn.
Thêm một giải đấu không như mong muốn, song Vinh dần tìm lại cảm giác và đặt trọng tâm vòng loại Olympic cuối cùng tại giải Cúp châu Á 2024 ở Thái Lan vào tháng 4.2024. Thành quả ngọt ngào đến với anh khi chính thức có vé đến Paris trong sự sung sướng tột độ. Đô cử này nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc và cảm ơn thầy cô, bạn bè đã luôn tin tưởng tôi, giúp tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của sự nghiệp, tạo điều kiện hết sức cho tôi”.
Chạm đến giấc mơ olympic từ thất bại… ASIAD
Nguyễn Thị Thật là một trong những ngôi sao sáng giá của thể thao VN suốt 1 thập niên qua. Thế nhưng, đến năm 2024, khi ở tuổi 31, nữ VĐV quê An Giang mới chạm đến giấc mơ Olympic.
Cô trải qua những khoảnh khắc khó quên mà cũng lại rất… đáng quên tại ASIAD 19. Cô được kỳ vọng sẽ đoạt tấm HCV lịch sử cho xe đạp VN ở đấu trường danh giá châu lục. Không một ai có thể quên cú nước rút của một loạt VĐV và chỉ cách nhau trong tích tắc. Cuối cùng, Thật ngậm ngùi văng khỏi tốp 3 huy chương. Cô chỉ chịu thua Jutatip (Thái Lan), Yang Qianyu (Hồng Kông – Trung Quốc) và Na Ahreum (Hàn Quốc) ở khoảnh khắc khó tin.
Nguyễn Thị Thật có quyền tiếc bởi trước khi đến Trung Quốc dự ASIAD 19, cô gặp tai nạn ở giải xe đạp danh giá Tour Giro (Ý). Chấn thương khiến cô phải mất đến 1 tháng để chữa trị. “Chấn thương là điều không ai mong muốn, chưa hồi phục hoàn toàn không có nghĩa là tôi không thể thi đấu được. Tôi chấp nhận thi đấu là bởi sự tin tưởng của đồng đội, ban huấn luyện và vì trách nhiệm với màu cờ sắc áo. Tôi không đổ thừa cho chấn thương nhưng đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc tôi không có được thành tích như mong muốn”, cô chia sẻ. Nếu không có chấn thương đó, với tài năng, những cú nước rút thần kỳ, Thật sẽ chạm đến giấc mơ chinh phục HCV ASIAD. Trước đó, ở ASIAD 18, cô cũng được kỳ vọng lớn sau khi đoạt HCV châu Á nhưng đường đua khắc nghiệt nhiều đèo dốc ở Indonesia cũng khiến cô nhận thất bại, chỉ về hạng 5.
Thể thao không chỉ có thắng. Những khoảnh khắc thất bại mang đến cho mỗi VĐV sự mạnh mẽ. Thất bại ở hai kỳ ASIAD liên tiếp nhưng với Thật, giấc mơ lớn của cuộc đời đã thành hiện thực. Cô có vé dự Olympic 2024 sau khi giành chiến thắng ở giải vô địch xe đạp đường trường châu Á 2023. Ở khoảnh khắc lịch sử đó, Thật chia sẻ: “Tôi chỉ muốn vỡ òa vì đã chạm tay đến ước mơ mà bản thân tôi nghĩ sẽ không bao giờ có được”. Những ngày này, Thật đang ở châu Âu khoác áo CLB Roland trui rèn tại giải Tour Giro 2024. Đây là bước chuẩn bị để cô có được phong độ tốt nhất tại Olympic Paris, sẵn sàng tạo nên bất ngờ cho các đối thủ. (còn tiếp)
Kỳ vọng tạo giây phút lịch sử
Trong số 16 VĐV VN tham dự Olympic 2024, lực sĩ Trịnh Văn Vinh là một trong những niềm hy vọng có thể cạnh tranh huy chương. Ở hạng cân 61 kg, theo thông số từ Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF), đô cử quê Bắc Ninh tạm xếp thứ 9 với mức tổng cử 294 kg. Mức này kém 8 kg so với người xếp thứ 3 là Massidda Sergio (Ý).
Trịnh Văn Vinh bày tỏ: “Tại Olympic, các đối thủ đều cực mạnh. Tuy vậy, tôi sẽ luôn cố hết sức”. Với đặc thù của môn cử tạ, một VĐV có thể nâng mức cử lên cả hơn 10 kg là chuyện không hiếm. Ở SEA Games 29 năm 2017 tại Malaysia, chính Vinh táo bạo thực hiện cú đẩy tăng thêm 10 kg và thành công, đánh bại nhà vô địch Olympic Eko (Indonesia), đoạt HCV, phá kỷ lục SEA Games. Người hâm mộ kỳ vọng, trong một ngày có sự sung sức và thăng hoa, Vinh có thể bứt phá để tạo nên giây phút lịch sử tiếp theo cho cử tạ VN ở sân chơi Olympic. Trước đó, đàn anh của Vinh là Hoàng Anh Tuấn giành HCB Olympic 2008, Trần Lê Quốc Toàn giành HCĐ Olympic 2012.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/chinh-phuc-dinh-olympic-nem-du-vinh-quang-va-cay-dang-185240716214103812.htm