Tại Nghị quyết số 26/NQ-CP, Chính phủ đã quyết nghị 5 dự án luật và 5 đề nghị xây dựng luật, trong đó có Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm các yêu cầu: phải thể hiện rõ chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Bảo tàng Áo dài (TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) là một trong những bảo tàng tư nhân hoạt động hiệu quả. (Nguồn: Báo Văn hoá) |
Ngoài ra dự thảo Luật cũng đảm bảo có cơ chế huy động các nguồn lực, xã hội hóa hợp tác công tư nhằm khai thác và sử dụng di sản hợp lý, thúc đẩy, phát triển có kiểm soát bằng công cụ thuế, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động này; khuyến khích hoạt động bảo tàng ngoài công lập; phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn tiếng nói, văn hóa của các dân tộc.
Dự thảo Luật này cũng cần tiếp tục hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Theo đó, quy định bảo đảm cho việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh, mua bán, không để mất cổ vật, mất giá trị di sản.
Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chính phủ giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ phối hợp để thống nhất quy định, tránh chồng chéo.