Ngày 24.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8.
Về đề nghị xây dựng luật Đầu tư công (sửa đổi), nhiều ý kiến quan tâm các chính sách nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của đầu tư công; việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư công; các cơ chế, công cụ đánh giá hiệu quả và giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong việc thực hiện đầu tư công…
Với nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cần thực sự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải phóng nguồn lực đầu tư công, phát huy hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí, tránh tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, tránh dự án kéo dài.
Cương quyết cắt giảm thủ tục rườm rà không cần thiết, bỏ cơ chế xin cho gây phiền hà, sách nhiễu, ách tắc, tạo môi trường không lành mạnh; có cơ chế xử lý các vấn đề, tình huống cấp bách, đột xuất, việc cần làm ngay; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho linh hoạt, hiệu quả.
Về đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch, luật Đầu tư, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và luật Đấu thầu, các đại biểu thảo luận về 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng.
Theo đó, có các nội dung như quy định điều chỉnh quy hoạch; việc mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án đối tác công tư; việc xử lý khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp; phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Thủ tướng lưu ý, hiện việc triển khai các dự án đối tác công tư có nhiều vướng mắc, cần nghiên cứu chính sách để tháo gỡ, khơi thông, huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển; mở rộng các lĩnh vực hợp tác công tư; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Tại phiên họp, Chính phủ cũng thảo luận về đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Ngân sách nhà nước, luật Quản lý, sử dụng tài sản công, luật Dự trữ quốc gia, luật Kế toán, luật Kiểm toán độc lập, luật Chứng khoán, luật Quản lý thuế, nhằm xử lý các vướng mắc pháp luật, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ thống nhất đề nghị bổ sung một số nhóm hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; sửa đổi, bổ sung một số quy định về người nộp thuế; thời điểm xác định thuế; giá tính thuế; thuế suất; các căn cứ tính thuế; quy định về hoàn thuế, khấu trừ thuế, giảm thuế…
Thủ tướng lưu ý rà soát kỹ các mặt hàng chịu thuế để hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội và mục tiêu hạn chế được mặt tiêu cực từ việc tiêu thụ các mặt hàng chịu thuế, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ để quy định điều chỉnh thuế đối với một số mặt hàng, dịch vụ bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội phát triển và mức sống của người dân được nâng cao…
Với dự án luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm sinh kế cho người dân; đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế về thuế…
Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến đối với 11 luật; xem xét, thông qua 14 luật. Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo đúng quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/chinh-phu-se-trinh-quoc-hoi-11-du-luat-tai-ky-hop-thang-10-18524082418154546.htm