Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát… “Đây là chủ trương lớn, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Chiều ngày 12/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sau khi trình bày báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, mong đợi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của các đại biểu.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Nhiệm vụ hết sức cấp bách
Quan tâm mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát là hết sức cấp bách, xin Thủ tướng cho biết giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2025?
Làm rõ giải pháp hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, trả lời đại biểu Nguyễn Thị Yến, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: “Đây là chủ trương lớn, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo”.
Người đứng đầu Chính phủ thông tin, hiện nay, nước ta còn hơn 300.000 hộ có nhà dột nát, trong đó có cả những người có công với cách mạng, đối tượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ nghèo, cận nghèo. Với quyết tâm rất cao xóa hết nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, cần thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và sử dụng nguồn lực.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, thứ nhất là cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc “không có tranh chấp là có thể triển khai được”, và thẩm quyền giao cho UBND cấp huyện, cấp xã.
Thứ hai, vướng mắc liên quan huy động nguồn lực, phải huy động đa dạng hóa các nguồn lực và nguồn lực này mang tính hỗ trợ. Ông cho biết vừa quyết định nâng mức hỗ trợ lên 60 triệu đồng/căn nhà xây mới và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa.
Thứ ba, về nhân công, các hộ được thụ hưởng chính sách cũng phải cố gắng, đồng thời huy động sự hỗ trợ của anh em, họ hàng, làng xóm, người thân theo tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”.
Lực lượng Quân đội, Công an cũng sẵn sàng hỗ trợ. Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho Chương trình lớn này, đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa.
Thủ tướng cho biết vừa qua đã kêu gọi được gần 6.000 tỷ đồng sau chương trình phát động ủng hộ xoá nhà tạm, nhà dột nát và đang đề nghị sử dụng hơn 5.000 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm 5% chi ngân sách Nhà nước năm 2024, cùng với các chương trình đang bố trí; đồng thời tiếp tục huy động nguồn lực xã hội, cộng với nguồn lực của năm nay, trong đó có nguồn lực tăng thu để bổ sung cho chương trình.
“Như vậy, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã có các giải pháp rất cụ thể”, Người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Phân cấp, phân quyền: “Vướng” tập trung chủ yếu ở cấp Trung ương
Quan tâm đến vấn đề phân cấp phân quyền, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) nêu, Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả một cách thực chất bộ máy hành chính thì phải gắn phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp.
Quá trình triển khai, theo bà Hoa, còn tồn tại, hạn chế như việc rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật chuyên ngành còn chậm; việc phân cấp, phân quyền chưa tính tới đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, khả năng quản lý của từng cấp, ngành; chưa phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của từng địa phương.
“Đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương thời gian tới?”, bà Hoa chất vấn.
Chung quan mối quan tâm, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng trong đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin – cho.
Ông nhắc trong báo cáo do Thủ tướng trình bày có nội dung: Việc phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập; vẫn còn tình trạng chưa “đúng vai, thuộc bài”… “Thực tế, phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực vẫn chưa thật đồng bộ với nhau”, ông Mai nói.
Theo đại biểu, có việc Trung ương phân bổ nguồn lực nhưng không phân cấp, phân quyền cho địa phương và ngược lại. Điển hình là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi nên phát sinh nhiều vướng mắc, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện chương trình tại các địa phương.
Từ đó, ông Mai đề nghị Thủ tướng cho biết thêm giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trên để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phát biểu khai mạc kỳ họp 8 vừa qua.
Trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là vấn đề lớn, đã nói nhiều và đã thực hiện. Theo ông, trong nhiệm kỳ này cho đến nay, Chính phủ đã trình với Quốc hội ban hành 14 luật liên quan, 9 nghị quyết. Chính phủ đã bổ sung, thay thế 27 nghị định.
“Chúng ta thấy vẫn vướng về phân cấp, phân quyền. Mà vướng tập trung chủ yếu ở Trung ương. Đây là “nút thắt lớn”, ông nói.
Nêu giải pháp, Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, cần rà soát lại các quy định của pháp luật, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, như xem xét lại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cùng với đó, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn; tăng cường giám sát, kiểm tra.
Thủ tướng nhấn mạnh “phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, và nâng cao năng lực thực thi của các cấp”.
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/chinh-phu-no-luc-can-doi-de-co-nguon-luc-chi-cho-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-20241113011105072.htm