Theo Reuters, với 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống, dự luật đình chỉ trần nợ công đã vượt qua “ải” Thượng viện trong bối cảnh các nhà lập pháp chạy đua với thời gian để ngăn Chính phủ Mỹ rơi vào tình cảnh vỡ nợ sau nhiều tháng tranh cãi giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Dự luật được Thượng viện gấp rút phê chuẩn chỉ một ngày sau khi Hạ viện có động thái tương tự.

“Thời gian là thứ xa xỉ mà Thượng viện không có. Bất kỳ sự chậm trễ hoặc sự trì hoãn nào vào phút cuối sẽ là một rủi ro và thậm chí nguy hiểm. Nước Mỹ giờ có thể thở phào nhẹ nhõm”, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nhấn mạnh trong bài phát biểu trước Thượng viện.

 Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer trong cuộc họp báo sau khi thông qua dự luật. Ảnh: AP

Hoan nghênh kết quả cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện, Tổng thống Joe Biden đã gọi đây là một “chiến thắng lớn” cho người Mỹ. Theo AFP, trong một bài đăng trên Twitter, ông Biden khẳng định: “Thỏa thuận lưỡng đảng này là một chiến thắng lớn cho nền kinh tế của chúng ta và người dân Mỹ”. Với sự phê chuẩn của lưỡng viện Quốc hội, dự luật sẽ được chuyển tới bàn làm việc của ông Biden để ký thành luật trước hạn chót là ngày 5-6, thời điểm chính phủ cạn tiền thanh toán các hóa đơn theo cảnh báo của Bộ Tài chính Mỹ.

Tổng thống Biden và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cùng các quan chức Mỹ khác từng cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng nếu chính phủ vỡ nợ như kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, vị thế lãnh đạo kinh tế toàn cầu của nước này suy yếu cùng những bất ổn khác trên phạm vi toàn cầu. Theo AFP, báo cáo do Hội đồng Cố vấn kinh tế của ông Biden công bố cho hay, nếu Mỹ vỡ nợ, hơn 8 triệu người có thể mất việc và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 6% so với hiện tại. Thị trường chứng khoán trong nước sẽ giảm giá trị đến 45% trong quý III-2023.

Ông Schumer và lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã thực hiện cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để đẩy nhanh việc phê chuẩn dự luật mà nhà lãnh đạo Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã thống nhất.

Trong nỗ lực tránh cho Chính phủ Mỹ vỡ nợ, ngày 27-5 vừa qua, Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được thỏa thuận sau nhiều tuần đàm phán về vấn đề trần nợ công. Hai bên nhất trí đình chỉ áp mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD trong hai năm đến ngày 1-1-2025, đồng thời giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025.

Theo Bloomberg, dự luật này áp mức giới hạn 886 tỷ USD đối với chi tiêu cho an ninh quốc gia và mức giới hạn 704 tỷ USD với các khoản chi ngoài an ninh trong năm tài chính 2024. Hai con số này sẽ được nâng lên lần lượt là 895 tỷ USD và 711 tỷ USD trong năm tài chính 2025. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí thu hồi khoản ngân sách của quỹ Covid-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính, dự luật sẽ giúp tiết kiệm 1,5 nghìn tỷ USD ngân sách trong 10 năm. Một khi được ký ban hành, dự luật sẽ đình chỉ trần nợ công của Mỹ cho tới tháng 1-2025. Khoảng thời gian này sẽ cho phép ông Biden và Quốc hội Mỹ tạm bỏ qua vấn đề gây chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

LÂM ANH