Theo Times of Israel, các vấn đề ngành năng lượng lạc hậu và thiếu vốn của Iran đang gánh chịu ngày càng trầm trọng hơn do trữ lượng khí đốt cạn kiệt sau cuộc tấn công vào hai đường ống dẫn khí lớn hồi tháng 2.
Một nhân viên an ninh Iran ngồi tại Chợ Safavieh ở thủ đô Tehran vào ngày 17/12 sau quyết định của Phòng Công đoàn và Nghiệp đoàn Tehran về việc hạn chế giờ mở cửa nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng trong nước. (Nguồn:AFP) |
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Iran đã khiến giới lãnh đạo nước này phải loay hoay tìm giải pháp sau khi các trường học và cơ quan chính phủ trên khắp cả nước buộc phải đóng cửa vào tuần trước do tình trạng mất điện diện rộng.
Sau một mùa hè mất điện, cuộc khủng hoảng năng lượng tại nước Cộng hòa Hồi giáo đã trở nên trầm trọng hơn do điều kiện mùa đông khắc nghiệt, cùng cái lạnh khắc nghiệt, tuyết rơi và ô nhiễm không khí đã làm tăng thêm nỗi thống khổ của một ngành năng lượng vốn đang phải vất vả ứng phó với tình trạng tăng đột biến theo mùa do nhiều năm thiếu đầu tư và hứng chịu các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, tờ New York Times đưa tin hôm 21/12 rằng có một yếu tố khác đã góp phần vào tình trạng tồi tệ của nguồn cung cấp năng lượng của đất nước – đó là vụ tấn công vào các đường ống dẫn khí đốt lớn hồi tháng 2, mà tờ Times cho là do Israel gây ra.
Các cuộc tấn công đã làm gián đoạn dòng khí đốt cung cấp cho hàng triệu người trên khắp Iran và gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng tại năm tỉnh khác nhau.
Israel không bình luận về vụ nổ vào thời điểm đó, và Bộ trưởng dầu mỏ Iran Javad Owji cũng tỏ ra do dự khi đổ lỗi.
Theo tờ Times, chính phủ Iran đã cố gắng giảm thiểu tác động của thiệt hại gây ra cho các đường ống dẫn khí bằng cách sử dụng dự trữ khí đốt khẩn cấp. Mặc dù chiến lược này có hiệu quả trong ngắn hạn, ngăn chặn sự gián đoạn cho hàng triệu người, nhưng nó đã khiến chính phủ cạn kiệt nguồn cung cấp năng lượng, mặc dù Iran có trữ lượng khí đốt tự nhiên và dầu mỏ khổng lồ, nhưng họ đang phải vật lộn để bổ sung.
Tờ Times cho biết việc Iran chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng là do một số vấn đề, bao gồm “quản lý yếu kém, tham nhũng và giá rẻ thúc đẩy tình trạng tiêu dùng lãng phí”.
Các nhà phân tích cho rằng những lệnh trừng phạt nặng nề mà phương Tây áp đặt đối với Iran vì chương trình hạt nhân của nước này cũng khiến đất nước không thể hiện đại hóa ngành năng lượng vì thiếu các nhà đầu tư cần thiết.
Tác động của tình trạng mất điện liên tục dường như đã được cảm nhận trên toàn ngành sản xuất của Iran, khi một kỹ sư tại một nhà máy sản xuất đồ gia dụng nói với tờ Times rằng chi phí sản xuất đã tăng lên do tình trạng mất điện.
Ông lo ngại rằng nhà máy có thể sớm sa thải nhân viên để cố gắng theo kịp chi phí bằng cách cắt giảm quy mô.
Càng làm trầm trọng thêm các vấn đề của Iran, đồng rial đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử vào tuần trước, mất hơn 10% giá trị kể từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Các nhà giao dịch ở Tehran cho biết đồng rial được giao dịch ở mức 777.000 rial đổi 1 USD, giảm so với mức 703.000 rial vào ngày ông Donald Trump đắc cử.
Ngân hàng Trung ương Iran trước đây đã bơm thêm nhiều loại tiền tệ mạnh vào thị trường nhằm cải thiện tỷ giá.
Việc Thủ tướng Syria Assad đột ngột rời khỏi Syria càng làm xói mòn khả năng thể hiện sức mạnh của Tehran và duy trì mạng lưới các nhóm ủy nhiệm trên khắp Trung Đông, và thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem tiết lộ rằng lực lượng này đã mất tuyến đường bộ cho phép Iran gửi đoàn xe vũ khí đến Lebanon.
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cho rằng Israel và Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của ông Assad và tuyên bố rằng bất chấp những thất bại, cái gọi là Trục kháng cự sẽ ngày càng lớn mạnh hơn trong tương lai.
Nguồn: https://baoquocte.vn/chinh-phu-iran-tim-kiem-giai-phap-cho-cuoc-khung-hoang-nang-luong-dang-hoanh-hanh-298288.html