Chính phủ Hà Lan sụp đổ vì không đạt được thỏa thuận về hạn chế nhập cư và điều này sẽ kích hoạt các cuộc bầu cử mới vào mùa thu tới.
Dòng người xin tị nạn ở Hà Lan đã tăng vọt bất chấp có những chính sách nhập cư khó khăn nhất của châu Âu. Ảnh: CNN
Khủng hoảng bùng phát do đảng bảo thủ VVD của Thủ tướng Mark Rutte thúc đẩy việc hạn chế dòng người xin tị nạn đến Hà Lan. Tuy nhiên, 2 trong số 4 đảng thuộc liên minh thành lập chính phủ của ông Mark Rutte đã từ chối ủng hộ động thái này.
“Chuyện các đối tác liên minh có quan điểm khác nhau về chính sách nhập cư không phải là điều bí mật”, ông Mark Rutte phát biểu tại cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình quốc gia ngày 7-7 (giờ địa phương) – “Chúng tôi hôm nay rất tiếc phải kết luận rằng những khác biệt đó đã trở nên không thể vượt qua. Vì vậy, tôi sẽ đệ đơn xin từ chức của toàn bộ nội các lên nhà vua”.
CNN mô tả căng thẳng lên đến đỉnh điểm tuần này khi Thủ tướng Mark Rutte yêu cầu sự ủng hộ dành cho đề xuất hạn chế việc nhập cư của con cái những người tị nạn chiến tranh đã đến Hà Lan. Chính sách đồng thời bắt buộc các gia đình phải đợi ít nhất 2 năm trước khi có thể đoàn tụ. Các đảng Liên minh Cơ đốc và D66 coi đề xuất mới nhất “đi quá xa” dẫn đến bế tắc và kết quả Chính phủ Hà Lan sụp đổ hôm 7-7.
Trong bối cảnh đó, Ủy ban bầu cử quốc gia Hà Lan cho biết, các cuộc bỏ phiếu mới nhằm thành lập chính phủ thay thế sẽ không được tổ chức trước thời điểm giữa tháng 11-2023.
Trước mắt, Liên minh của ông Mark Rutte sẽ tiếp tục lãnh đạo Hà Lan với tư cách chính phủ tạm quyền trong thời gian chờ.
CNN nhận định tiến trình này thường mất hàng tháng trong bối cảnh rạn nứt chính trị ở Hà Lan. Chính phủ lâm thời không thể quyết định các chính sách mới nhưng ông Mark Rutte quả quyết điều đó sẽ không ảnh hưởng đến sự ủng hộ của đất nước dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp đối lập thuộc các đảng Vì tự do, Cánh tả xanh… không muốn lãng phí thời gian nên đã kêu gọi bầu cử lập tức.
Hà Lan là một trong những quốc gia áp dụng chính sách nhập cư ngặt nghèo nhất châu Âu. Dưới áp lực của các đảng cánh hữu, ông Rutte nhiều tháng đã cố gắng tìm cách giảm hơn nữa dòng người xin tị nạn.
Đơn xin tị nạn ở Hà Lan đã tăng 30% vào năm ngoái lên hơn 46.000 và chính phủ đã dự kiến con số này có thể tăng lên hơn 70.000 trong năm nay – vượt qua mức cao nhất trước đó vào năm 2015.
Thủ tướng Mark Rutte, 56 tuổi, cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Hà Lan và cũng lâu thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU) sau Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Liên minh hiện tại của ông Mark Rutte lên nắm quyền từ tháng 1-2022 và là chính phủ thứ 4 liên tiếp của ông kể từ khi ông trở thành thủ tướng vào tháng 10-2010.
Di cư là một chủ đề quan trọng của cuộc bầu cử Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) vào năm tới nhưng vấn đề này đã “châm ngòi nổ” sớm ở Hà Lan.
Trong chuyến thăm Tunisia vào tháng trước, Thủ tướng Rutte cùng người đồng cấp Italia và chủ tịch Ủy ban Điều hành EU đã tài trợ hơn 1 tỉ euro để giải cứu nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi này, với mục đích ngăn chặn làn sóng di cư từ các bờ biển của nước này đến châu Âu.
Hôm 5-7, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng cho rằng EU nên ưu tiên ngăn chặn di cư bất hợp pháp thay vì cố thuyết phục 27 quốc gia thành viên chia sẻ trách nhiệm.
Chính phủ Ba Lan và Hungary tuần trước cũng nhấn mạnh việc ngăn chặn người di cư vào EU là biện pháp hiệu quả hơn hết.
NGUYỄN TẤN tổng hợp