Ngày 6/6, Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn đối với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. ĐB Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực kiểm soát chặt chẽ lạm phát, tuy nhiên áp lực điều hành lạm phát vẫn còn rất lớn nhất là thời gian tới thực hiện triển khai cải cách tiền lương từ 1/7/2024. “Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng, công tác điều hành giá trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát?”-bà Hoa chất vấn.
Trả lời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình hiện nay sẽ tăng lương, biến động chuỗi cung ứng là vấn đề hết sức chính xác. Vì hiện nay lạm phát liên quan nhiều đến rất nhiều vấn đề, các mặt hàng thiết yếu. Trong đó Việt Nam là nền kinh tế mở nên nhập khẩu khá nhiều các vật tư nguyên liệu. Điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới. Trong khi đang thực hiện nhiều gói kích cầu và tăng lương thì điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến biến động, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, đặc biệt là vấn đề kiểm soát chỉ số lạm phát mà Quốc hội cho phép.
Trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai rất quyết liệt các giải pháp đồng bộ thông suốt, trong đảm bảo về sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối để bảo đảm các mặt hàng. Đặc biệt là các mặt hàng mà Chính phủ quản lý và kiểm soát giá được điều chỉnh bởi lộ trình phù hợp với thời gian.
Theo Phó Thủ tướng, tài khoá phải quan hệ hết sức chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Với vấn đề xử lý biến động giá vàng vừa rồi, với giải pháp của Chính phủ ở đây cũng là kiểm soát ổn định về giá trị của đồng tiền. Như vậy các chính sách tiền tệ để đảm bảo các tỷ giá, đảm bảo giá trị của đồng tiền đó là những chính sách rất quan trọng đi đôi với các chính sách tài khoá.
Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng như vấn đề du lịch, mua sắm, và đồng thời đã có nhiều chính sách để tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo sản xuất, và cho kinh tế phát triển. Đây là việc Chính phủ đã làm, điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế với phòng chống lạm phát, điều chỉnh kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và tài khoá. Chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được các giá cả.
“Đặc biệt Việt Nam có lợi thế là quốc gia các gói giá cả thiết yếu như lương thực, thực phẩm thiết yếu hoàn toàn không có tỷ lệ lớn trong gói hàng hoá cần làm chủ trong nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu mà chúng ta không có. Và cần tính đến dự báo, có hợp đồng có tính ổn định và dài hạn để kiểm soát tăng giá”-Phó Thủ tướng nêu rõ.
Nguồn: https://daidoanket.vn/chinh-phu-da-thuc-day-dua-ra-cac-chinh-sach-de-ho-tro-kich-cau-tieu-dung-10282716.html