Trong 9 tháng qua, xuất nhập khẩu hàng hoá chạm mốc gần 500 tỷ USD; một loại gia vị của Việt Nam thu về hơn 15 triệu USD; cơ hội “vàng ròng” từ phế phẩm ngành gỗ… là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 22-29/9.
Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: VGP) |
Chín tháng, xuất nhập khẩu hàng hoá chạm mốc gần 500 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2023 đã đạt 497,66 tỷ USD, gần chạm mốc 500 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 tăng 4,6%, với khu vực kinh tế trong nước tăng 17,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 0,5%.
Trong quý III năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,3% so với quý II năm 2023.
Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng năm 2023 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 29,12 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước.
Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,12 tỷ USD, giảm 11,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 152,87 tỷ USD, giảm 14,9%.
Trong 9 tháng năm 2023 có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,7% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 39,3%).
Về cán cân thương mại, tháng 9 ước tính xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD).
Một loại gia vị của Việt Nam thu về hơn 15 triệu USD
Số liệu thống kê của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy, xuất khẩu ớt của Việt Nam trong tháng 8 năm nay đạt 545 tấn, kim ngạch đạt 0,9 triệu USD, so với tháng 7 đã giảm 31,3% về lượng.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 8.296 tấn ớt, thu về hơn 15,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 đã tăng mạnh 136,2%. Trong 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu ớt bình quân là 1.892 USD/tấn, so với năm 2022 đã giảm mạnh 28%.
Số liệu thống kê của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy, xuất khẩu ớt của Việt Nam trong tháng 8 năm nay đạt 545 tấn, kim ngạch đạt 0,9 triệu USD, so với tháng 7 đã giảm 31,3% về lượng.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 8.296 tấn ớt, thu về hơn 15,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 đã tăng mạnh 136,2%. Trong 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu ớt bình quân là 1.892 USD/tấn, so với năm 2022 đã giảm mạnh 28%.
Hiện nay, giá ớt trong nước đang được bán với giá 22.000 đến 28.000 đồng/kg. Tổng diện tích trồng ớt trên thế giới thời điểm hiện tại là khoảng 19,89 triệu ha. Năm 2020, sản lượng ớt trên toàn thế giới là khoảng 60 triệu tấn, gồm cả ớt cay, ớt xanh và ớt chuông. Hiện tại, châu Á đang là khu vực sản xuất ớt lớn nhất thế giới và chiếm đến 80% sản lượng toàn cầu.
Ngoài ra, thương mại ớt toàn cầu có trị giá khoảng 35 tỷ USD/năm, không thua kém gì cà phê hoặc trà. Tại Trung Quốc, diện tích trồng ớt là hơn 1,3 triệu ha, chiếm đến 35% tổng diện tích trồng của cả thế giới.
Ước tính, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 70.000 tấn ớt bột và ớt khô mỗi năm sang các thị trường Tây Ban Nha, Mỹ, Mexico và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á…
Thị trường dệt may đang “ấm dần”
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh đánh giá, thị trường dệt may những tháng cuối năm đã ấm lại và dần ổn định. Cụ thể hơn, về đơn hàng tuy còn thiếu nhưng các doanh nghiệp vẫn bảo đảm việc làm cho công nhân trong quý IV, sụt giảm về doanh thu và khó khăn cũng bớt đi.
Có được kết quả này là do thời gian qua tình trạng giảm sút trong ngành dệt may kéo dài, khi nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may phục hồi trở lại, các thị trường cũng có nhu cầu mới.
“Mặc dù thị trường vẫn khó về giá, cạnh tranh về đơn hàng nhỏ lẻ, mẫu mã khó và phức tạp hơn, nhưng doanh nghiệp rất nỗ lực đáp ứng được các yêu cầu nên đã thúc đẩy được tiêu thụ và hợp đồng với đối tác”, ông Phạm Xuân Hồng nói.
Liên quan tới các tiêu chuẩn ngày càng cao của nhà nhập khẩu Mỹ và châu Âu, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn đáp ứng được (trừ quy định liên quan tới tái chế còn chưa thực sự rõ thông tin), còn về khí thải, môi trường thì hoàn toàn đáp ứng được.
Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy trong tháng 8/2023, xuất khẩu dệt may đạt gần 3,6 tỷ USD, giảm 6% so với tháng 7.
Thị trường dệt may những tháng cuối năm đã ấm lại và dần ổn định. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 26,1 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngành dệt may đã hoàn thành 65% mục tiêu đạt 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023.
Tương tự như phân tích của Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh, thông tin được các đơn vị nghiên cứu thị trường đưa ra cũng cho thấy, thị trường dệt may có khả năng ấm dần về cuối năm.
Tại báo cáo phân tích về ngành dệt may mới nhất, Chứng khoán SSI Research cho rằng, đơn đặt hàng đối với ngành dệt may Việt Nam dự kiến được cải thiện dần từ quý IV/2023.
SSI Research dự báo giá bán của hàng may mặc xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022 và chỉ cải thiện nhẹ đối với đơn hàng FOB.
Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất tiếp tục thu hẹp mặc dù chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện; biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.
Đặc biệt, chuyên gia của SSI Research cho rằng, xu hướng đơn đặt hàng với khối lượng nhỏ hơn và thời gian giao hàng nhanh hơn (thời gian giao hàng trước đây lên tới 2 tháng và bây giờ có thể rút ngắn xuống còn 3-4 tuần) sẽ kéo dài đến năm 2024.
Cơ hội “vàng ròng” từ phế phẩm ngành gỗ
Củi vụn, dăm bào, mùn cưa, đầu mẩu, cành ngọn gỗ… đều là những “phế phẩm’ của công nghiệp sản xuất đồ gỗ, gỗ dán… tại Việt Nam. Tuy nhiên, những “phế phẩm” này năm nay dự kiến sẽ đem lại cho Việt Nam gần 800 triệu USD giá trị xuất khẩu khi được sản xuất thành mặt hàng viên nén. Viên nén là một loại chất đốt năng lượng sạch, dùng thay thế cho than, xăng, dầu… và đang là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới để giảm phát thải.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, viên nén nằm trong nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 thế giới.
Theo thống kê của Chi hội viên nén Việt Nam, hiện tại có 400 nhà máy sản xuất viên nén, công suất trung bình khoảng 5 triệu m3/năm, giá trị 800 triệu USD. Công suất toàn ngành có thể nâng lên 10 triệu m3/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này.
Nguyên liệu đầu vào không kén chọn, các cơ sở chế biến viên nén gỗ cũng không cần phải đầu tư quá hiện đại về công nghệ. Do đó, ngành viên nén là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xuất khẩu viên nén gỗ được cả về lượng và về giá, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường tốt và đáp ứng các đòi hỏi từ thị trường xuất khẩu.
Vấn đề lớn nhất để tăng giá trị viên nén đó là cần có đầy đủ chứng chỉ rừng cho sản lượng viên nén xuất khẩu.
Sản lượng nguyên liệu dùng để sản xuất ra mặt hàng viên nén gỗ hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào ngành công nghiệp chế biến gỗ, do đó để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của mặt hàng viên nén trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động vùng nguyên liệu để đảm bảo cung ứng đầu vào cho sản xuất.
Hiện tại, diện tích rừng đã có chứng chỉ rừng được công nhận chỉ khoảng trên 430.000 ha, trên tổng diện tích khoảng 3,6 triệu hecta rừng trồng tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Ba Duy – Phó Chủ tịch Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam cho biết: “Chi hội đang khuyến khích thành viên trong chi hội là tự tạo vùng nguyên liệu cho mình bằng cách hỗ trợ bà con nông dân về trồng trọt”.
Bên cạnh chứng chỉ quốc tế FSC đang được công nhận chung trên toàn cầu, ngành lâm nghiệp Việt Nam hiện đã phát triển hệ thống cấp chứng chỉ rừng trồng của Việt Nam. Đẩy nhanh việc cấp chứng chỉ rừng trồng sẽ có ý nghĩa lớn, tăng giá trị sản phẩm gỗ Việt Nam, trong đó có mặt hàng viên nén.