Sau 7 năm bén duyên với nghề nuôi chim cảnh, hiện chị Nhì, xã Long Sơn, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) có một trang trại nuôi chim cảnh rộng 400 m2 với 200 con chim trĩ 7 màu, trong đó có 50 cặp chim trĩ bố mẹ. Ngoài ra, chị Nhì đang bảo tồn, nhân giống thêm 6-7 loại chim cảnh khác như chim công, gà lôi…
Sau gần 7 năm theo đuổi nghề nuôi chim cảnh, chị Hoàng Thị Nhì (SN 1992), thôn Hạ, xã Long Sơn, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) đã gây dựng thành công mô hình nuôi chim trĩ 7 màu và được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp mã cơ sở nuôi động vật quý hiếm theo quy định.
Năm 2015, chị Nhì tình cờ tìm hiểu trên mạng xã hội về nghề nuôi chim cảnh nên mạnh dạn mua hai cặp chim trĩ 7 màu với giá 16 triệu đồng/cặp về nuôi thử.
Sau hơn 8 tháng, thấy chim trĩ 7 màu phát triển và bắt đầu đẻ trứng, chị đầu tư thêm 150 triệu đồng mua tiếp 9 con chim giống.
Để chim trĩ đẻ trứng, chị ghép 1 chim trống với 3 chim mái, mỗi chim mái cho từ 20-25 quả trứng trong vòng 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 6).
Chị Hoàng Thị Nhì, chủ trang trại nuôi chim cảnh (chim trĩ 7 màu, chim công, gà lôi…) ở thôn Hạ, xã Long Sơn, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) giới thiệu về chim trĩ 7 màu. Cơ sở nuôi chim trĩ 7 màu, chim công, gà lôi của chị Nhì đã được ngành chức năng cấp mã cơ sở nuôi động vật quý hiếm theo quy định.
Do chim trĩ không biết ấp trứng, thời gian đầu chị Nhì thả trứng cho gà nhà ấp nên tỷ lệ nở không cao.
Qua tìm hiểu, chị đầu tư mua máy ấp trứng công nghiệp cỡ nhỏ, bảo đảm nguồn nhiệt ổn định, giúp tỷ lệ trứng chim trĩ nở đạt 70%.
“Nuôi loại chim cảnh này khó nhất là thời điểm nở trứng đến khi chim non dưới 1 tháng tuổi bởi chim dễ mắc các bệnh hen và tiêu chảy.
Do đó người nuôi chim tri 7 màu cần chú ý chăm sóc, tiêm vắc xin đầy đủ với liều lượng gấp đôi so với phòng bệnh cho gà cùng lứa tuổi”, chị Nhì chia sẻ.
Sau 7 năm bén duyên với nghề nuôi chim cảnh, hiện chị Nhì có một trang trại nuôi chim rộng 400 m2 với 200 con chim trĩ 7 màu, trong đó có 50 cặp chim bố mẹ.
Ngoài ra, chị Nhì đang bảo tồn và nhân giống thêm 6-7 loại chim cảnh quý hiếm khác như chim công, gà lôi.
Để hoạt động nuôi động vật quý hiếm thuận lợi, chị nộp hồ sơ và được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cấp mã cơ sở nuôi động vật quý hiếm theo quy định của pháp luật.
Theo chị Nhì, để chim trĩ phát triển tốt, hệ thống chuồng trại cần thoáng mát, dưới nền lót rơm khô, vỏ trấu và có không gian đủ rộng để chim bay nhảy, có ánh nắng tự nhiên giúp chim tăng sức đề kháng cùng bộ lông óng đẹp.
Nguồn thức ăn chủ yếu của chim trĩ là cám, thóc, ngô nghiền cho máy ép thành viên nhỏ, bổ sung thêm vitamin, rau xanh giúp chim khoẻ mạnh và sinh sản tốt.
Hiện với giá bán chim trĩ 1 tháng tuổi từ 2-6 triệu đồng/đôi, giá bán chim trĩ trưởng thành là 6-12 triệu đồng/đôi, mỗi năm chị Nhì thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
“Ngoài nuôi vì đam mê, tôi tiếp tục bảo tồn, nhân giống, tăng số lượng dòng chim trĩ bố mẹ 7 màu và chim công. Hiện tôi đã có kế hoạch mở rộng không gian khu chăn nuôi chim cảnh quý hiếm lên hơn 1.000 m2. Tôi hướng tới xây dựng điểm check-in phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài chim này”, chị Nhì bày tỏ.
Ghi nhận việc bảo tồn các loài chim quý và mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế mới, năm 2022, chị Nhì là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước được Chủ tịch UBND huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) tặng Giấy khen.
Nguồn: https://danviet.vn/chim-tri-7-mau-dong-vat-quy-hiem-xuat-xu-tu-trung-quoc-nuoi-thanh-cong-o-bac-giang-12-trieu-doi-20241115112121745.htm