Hoàng Sa
Tại Hoàng Sa, Bắc Kinh từ năm 2005 đã tiến hành xây dựng bia chủ quyền phi pháp tại một số điểm và đến năm 2007, Quốc vụ viện Trung Quốc ngang ngược phê chuẩn thành lập cái gọi là TP.Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để đơn phương áp đặt quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Từ cuối tháng 5.2010, Trung Quốc đưa tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn trước khi tiến hành san lấp, mở rộng đảo để xây dựng công trình phi pháp.
Cũng trong thời gian này, Trung Quốc gấp rút tiến hành xây dựng phi pháp ở Hoàng Sa, bao gồm hải đăng trên đảo Đá Bắc, Đá Hải Sâm, Cồn cát Nam, Duy Mộng và Hòn Tháp. Đến tháng 10, đường băng quân sự dài 2 km trên đảo Phú Lâm được xây dựng hoàn tất. Đường băng cùng các cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải tạo và đến tháng 2.2016, ảnh chụp từ vệ tinh của trung tâm ImageSat (ISI) cho thấy Trung Quốc đã triển khai trái phép 2 hệ thống tên lửa đất đối không với 8 giàn phóng và một radar tại đảo Phú Lâm. Đài Fox News dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng đây là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 với tầm bắn lên đến 201 km, có thể là mối đe dọa cho bất cứ máy bay quân sự hoặc dân sự nào bay gần đó. Chưa hết, Bắc Kinh còn triển khai gần 10 máy bay chiến đấu gồm tiêm kích J-11 và máy bay chiến đấu ném bom JH-7 cùng máy bay không người lái trinh sát tầm xa Harbin BZK-005 đến đảo này.
Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đến năm 2017, Trung Quốc đã nâng cấp hàng loạt cơ sở quân sự phi pháp trên 8 đảo ở Hoàng Sa gồm đảo Cây, Phú Lâm, Lin Côn, Tri Tôn, Quang Ảnh, Quang Hòa, Hoàng Sa và Duy Mộng. Trong năm 2018, Trung Quốc tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tập trận tại Hoàng Sa, bao gồm diễn tập của oanh tạc cơ H-6K và tập trận bắn đạn thật vào tháng 5.
Trường Sa
Mới đây, CNN dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn xác nhận Trung Quốc bắn thử tên lửa từ một thực thể nhân tạo ở Biển Đông, sau khi nước này tiến hành tập trận ở vùng biển quốc tế nằm ở phía bắc Trường Sa từ ngày 29.6 – 3.7. Một số quan chức Mỹ khẳng định rằng Trung Quốc phóng nhiều tên lửa diệt hạm, trong khi giới quan sát nhận định đó có thể là tên lửa đạn đạo DF-21D, được mệnh danh “sát thủ tàu sân bay” với tầm bắn ước tính 1.500 km, theo Đài NHK.
Bành trướng toàn khu vực
Xa hơn về phía nam Biển Đông, hải quân Trung Quốc vào ngày 26.3.2013 điều 4 tàu chiến, dẫn đầu là tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, đến tận bãi đá James, cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia chỉ khoảng 80 km. Vị trí này là điểm tận cùng phía nam của bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý, cách bờ biển Brunei chưa đầy 200 km, trong khi cách bờ biển phía nam Trung Quốc đến 1.800 km. Cùng với sự yểm trợ của 4 trực thăng và 1 tàu đổ bộ, đội tàu rời đảo Hải Nam để đến đây nhằm thực hiện cái gọi là “diễn tập và tuần tra”. Tại bãi James, theo Tân Hoa xã, các thủy thủ đã làm lễ tuyên thệ “chiến đấu can trường để bảo vệ chủ quyền và thực hiện giấc mơ Trung Quốc”.
Malaysia trước đó luôn tỏ ra thận trọng trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nhưng sau vụ việc nói trên, thái độ này đã thay đổi, theo Reuters. Tư lệnh lực lượng vũ trang Malaysia, tướng Zulkefli Mohd Zin sau đó chỉ trích việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa là “hành động gây hấn không thể chấp nhận được”.
Mỹ lên án hành vi của Trung Quốc Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua bày tỏ quan ngại trước thông tin về những hành động đang diễn ra của Trung Quốc ở Biển Đông, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Washington đồng thời chỉ trích Bắc Kinh can thiệp vào việc thăm dò và sản xuất dầu mỏ cũng như khí đốt mà các quốc gia đã tiến hành từ lâu, cụ thể là VN. “Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi đầu năm nay nhấn mạnh Trung Quốc có những hành động cưỡng bức, ngăn chặn các quốc gia thành viên ASEAN tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng trị giá hơn 2,5 ngàn tỉ USD (46,5 triệu tỉ đồng)”, AFP dẫn lời nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh. “Trung Quốc còn có những hành động khác nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông, bao gồm dùng dân quân biển để hăm dọa, cưỡng ép, đe dọa các quốc gia khác, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Mỹ kịch liệt phản đối hành động hăm dọa và cưỡng ép để khẳng định tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc phải chấm dứt những hành động bắt nạt, khiêu khích và gây bất ổn”, theo phát ngôn viên Ortagus. Phúc Duy
|
Sự hung hăng của Trung Quốc
Gần đây, Trung Quốc có một loạt hành động hung hăng nhằm vào các nước và vùng lãnh thổ xung quanh trong khu vực. Từ quấy phá tàu cá Philippines đến những hành động nhằm vào Nhật Bản, Đài Loan. Với Biển Đông, sau khi triển khai chiến đấu cơ đến quần đảo Hoàng Sa, thì giờ đưa tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của VN. Trong bối cảnh Mỹ – Trung đang có nhiều bất đồng, những hành động này của Bắc Kinh có thể còn nhằm gây chú ý với Washington. Với những gì đang diễn ra, để phản ứng lại sự hung hăng của Trung Quốc, các nước xung quanh và cộng đồng quốc tế cần gia tăng phối hợp nhằm đảm bảo sự ổn định cho khu vực. TS Satoru Nagao
Chiêu trò sử dụng tàu “dân quân” Hành động của Trung Quốc nhằm vào VN trên Biển Đông thể hiện rõ chiến lược cốt yếu là sử dụng các tàu “dân quân” và lực lượng được gọi là dân sự để đe dọa các nước láng giềng. Nhưng các bên liên quan cũng đã thể hiện rõ sự cương quyết, không lùi bước trước áp lực từ Trung Quốc. Sự cương quyết đó là cần thiết nhằm tạo niềm tin về nỗ lực khẳng định chủ quyền với các đối tác quốc tế, đảm bảo duy trì liên tục các hoạt động phát triển trên vùng biển này. Tuy nhiên, với những hành động của Trung Quốc hiện nay cũng như diễn tiến thực tế thì có lẽ vẫn còn ẩn chứa những rủi ro khó lường. Ông Gregory B.Poling Ngô Minh Trí
|
Nguồn: https://thanhnien.vn/chieu-tro-nuot-tron-bien-dong-cua-trung-quoc-185868777.htm