Bài 1: Tỉnh táo trước mưu đồ “tẩy não” giới trẻ
Hiện nay, chúng ta không khỏi băn khoăn trước thực trạng một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng, sống thực dụng, thậm chí một số ít bị các thế lực xấu tác động, lôi kéo, kích động, làm những việc trái ngược với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc. Vin vào những hiện tượng hãn hữu này, các phần tử cơ hội trắng trợn vu khống “Đoàn chỉ là cái vỏ bọc hình thức”.
Trước thực tế đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã nhận diện thách thức, đánh giá đúng tình hình, đưa ra giải pháp khắc phục, cũng như đấu tranh phản bác kịp thời.
Chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”
Câu chuyện về thanh niên Ngô Bá Khá (hay còn gọi là “Khá Bảnh”) khi ra hầu tòa lại được một số người trẻ chào đón như thần tượng, là lời cảnh báo về nhận thức lệch lạc của một bộ phận thanh niên khi tin vào những lời tung hô mù quáng. Ngô Bá Khá bị tuyên phạt hơn 10 năm tù vì tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Rời tòa, “Khá Bảnh” thản nhiên vẫy tay chào “người hâm mộ”. Thật khó tin, một người vi phạm pháp luật lại được chào đón nhiệt tình. Một tội phạm phong cách không giống ai, có nhiều hành vi bạo lực, xăm trổ, tóc bờm ngựa cùng những điệu nhảy quái dị thể hiện trên các clip lại khiến một số bạn trẻ thần tượng. Không chỉ có Khá mà một số “giang hồ mạng” thời gian qua đã được các phần tử cơ hội tung hô và trở thành thần tượng của một số thanh thiếu niên. Sự lệch lạc về nhận thức đã dẫn đến một số người trẻ nhầm lẫn giữa việc nên làm và không nên làm, bị các phần tử xấu mua chuộc, kích động tham gia vào việc làm đi ngược với thuần phong mỹ tục, văn hóa của dân tộc.
Nói về một bộ phận người trẻ phai nhạt lý tưởng, bị kích động làm những việc sai trái, nhiều cán bộ, ĐVTN cho rằng, đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, là một phần rất nhỏ trong hàng triệu ĐVTN Việt Nam ưu tú. Khi sự ham muốn bản năng trở thành mục đích duy nhất thì tất yếu dẫn đến sao nhãng quá trình học tập và rèn luyện; sự bồng bột, thiếu thực tế, dễ dao động, dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng của lối sống đua đòi, dẫn đến một bộ phận giới trẻ coi trọng vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần. Họ bàng quan, vô cảm, không đấu tranh chống cái sai và cũng chẳng ủng hộ, bảo vệ cái đúng. Một số thanh niên chưa thực sự vững tin vào tương lai phát triển của đất nước, giảm sút ý chí phấn đấu vươn lên, ngại khó khăn, gian khổ, lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Do nhận thức có mặt còn hạn chế, lại bị các thế lực thù địch, phản động và đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, kích động nên một số ít thanh niên đã tham gia vào các hoạt động gây mất an ninh trật tự.
Về hiện thực nêu trên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh không phải “cố tình không thấy, không biết, không thừa nhận” như luận điệu rêu rao của các thế lực phản động, mà đánh giá một cách khách quan, nhìn nhận thấu đáo để hoạch định những bước đi đúng hướng. Những năm gần đây, tổ chức đoàn các cấp vẫn trăn trở trước tình trạng một số bạn trẻ thiếu niềm tin vào nghị quyết, Điều lệ Đoàn cũng như chương trình hành động của tổ chức đoàn các cấp; chủ nghĩa bình quân, không muốn phấn đấu trở thành đoàn viên, đảng viên; có lối sống thực dụng, đề cao vật chất, tôn sùng chủ nghĩa cá nhân. Một bộ phận thanh niên không có chí hướng rõ ràng, ít quan tâm đến tình hình đất nước, lười lao động, ngại khó, ngại khổ; bản lĩnh non kém, bị lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội, hoạt động vi phạm pháp luật.
Nhận diện rõ thực trạng nêu trên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị của ĐVTN, nhất là thông qua những phong trào hành động cách mạng cũng như chương trình đồng hành với tuổi trẻ trong lập thân, lập nghiệp và phát triển toàn diện. Thông tin tích cực được tăng cường, trong đó chú trọng tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tác động trực tiếp đến thanh niên, nhất là trên không gian mạng.
Kết quả công tác đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ qua với hàng trăm nghìn công trình được thực hiện, hàng triệu lượt thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện, hàng trăm nghìn điển hình thanh niên tiên tiến trên các lĩnh vực… là minh chứng sinh động cho cái đẹp, cái tốt vẫn là nét chủ đạo trong lối sống của người trẻ. Đó cũng chính là lời phủ định đanh thép trước những luận điệu xuyên tạc về lối sống lệch lạc, tha hóa, chạy theo vật chất tầm thường đang bao trùm lên giới trẻ mà các phần tử xấu trắng trợn bôi đen.
Nhìn thẳng vào hạn chế, khuyết điểm
Khi phán xét về nguyên nhân của một bộ phận người trẻ phai nhạt lý tưởng cách mạng, một số tác giả bài viết, trang mạng cá nhân chụp mũ rằng tổ chức đoàn chỉ biết đánh trống khua chiêng bằng một vài phong trào bề nổi nhạt nhẽo và vô bổ, rồi thổi phồng thành tích, giấu giếm khuyết điểm, làm mất niềm tin trong ĐVTN. Thế nhưng, sự quy chụp ấy trở nên trơ trẽn, nực cười trước thực tiễn hiển hiện rằng, cùng với những thành quả đạt được bằng nhiều phần việc nhìn thấy, sờ được trong thực tiễn đời sống xã hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn lắng nghe, nêu cao tự phê bình, nhìn thẳng vào hạn chế, tồn tại để tiếp thu và tìm giải pháp khắc phục. Điển hình là trong các kỳ Đại hội Đoàn toàn quốc, dự thảo văn kiện được công khai bằng nhiều hình thức, nhất là trên các phương tiện truyền thông, trang fanpage của Đoàn để xin ý kiến đóng góp rộng rãi của thanh niên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở phần hạn chế, tồn tại.
Thời gian qua, ở nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm của Đoàn đã thẳng thắn nhìn nhận, công tác giáo dục của Đoàn tuy rộng nhưng có lúc chưa sâu, một số hoạt động còn dàn trải, nặng về hình thức. Một số phong trào chỉ mới thu hút đoàn viên tích cực, thanh niên tiên tiến tham gia, kết quả thiếu tính bền vững vì chưa chú ý đến những yếu tố đặc thù của đối tượng thanh niên trong doanh nghiệp, vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số. Một số tổ chức đoàn, nhất là ở cơ sở còn chậm nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục, chưa kịp thời có ý kiến và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực tác động đến thanh thiếu niên. Chất lượng một số tổ chức đoàn cơ sở trên địa bàn dân cư, nhất là khu vực nông thôn, khu công nghiệp còn yếu. Một bộ phận tổ chức đoàn chưa bắt nhịp kịp với những thay đổi nhanh chóng trong đời sống của thanh niên; thiếu quan tâm tới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chưa đầu tư đúng mức cho việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển đảng viên mới trong thanh niên.
Thừa nhận một số nội dung, hình thức hoạt động của Đoàn còn xơ cứng, nhiều đồng chí cán bộ Đoàn cho rằng đó là một trong những nguyên nhân chưa phát huy được vai trò chủ thể của thanh niên, mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, nguyện vọng và trình độ nhận thức của người trẻ. Bên cạnh đó, việc nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật, đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên, giáo dục trách nhiệm công dân và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình hiện nay chưa thường xuyên.
Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, thanh niên dễ dàng tiếp cận các luồng thông tin khác nhau, trong đó có cả những thông tin sai lệch, độc hại, tác động đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm. Đây là cơ hội thuận lợi để các thế lực thù địch, tội phạm, kẻ xấu tiến hành hoạt động công kích, lôi kéo người trẻ vào các việc làm phi pháp. Ở lĩnh vực này, hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong thanh niên của Đoàn vẫn chưa tiếp cận được nhiều với nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao.
Cùng với đó, công tác nắm, định hướng tư tưởng thanh niên, có lúc, có nơi chưa kịp thời cũng là nguyên nhân khiến một số người trẻ dần xa với tổ chức đoàn, mất phương hướng, mục tiêu phấn đấu, dễ ngả nghiêng, dao động trước thủ đoạn mồi chài, mua chuộc của những phần tử xấu. Việc giáo dục, ngăn ngừa và đấu tranh với những tác động, lôi kéo thanh niên của các thế lực thù địch, sự truyền bá lối sống ngoại lai không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc còn những bất cập, hạn chế.
Thực tế tại Liên Xô (trước đây), vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, do những biến động về chính trị, Đảng Cộng sản đã dần đánh mất vai trò lãnh đạo đất nước, lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản, cùng sự chống phá của các thế lực ở trong và ngoài nước nên thời điểm trước khi Liên Xô sụp đổ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Côm-xô-môn đã không còn là tổ chức chính trị-đội hậu bị của Đảng Cộng sản Liên Xô; dần phát triển thành hiệp hội của các doanh nghiệp và sớm bị suy thoái, chuyển hóa về tư tưởng chính trị, tiếp đó chính thức biến mất khỏi vũ đài chính trị của đất nước. Đội thiếu niên và nhi đồng cũng cùng chung số phận; thanh thiếu niên bị mất phương hướng, “phi chính trị hóa” theo đúng kịch bản và âm mưu của các thế lực thù địch. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị, đòi hỏi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần nhận diện đúng thực trạng, xác định nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại để tìm giải pháp khắc phục, tránh để tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, dẫn đến dễ bị các thế lực phản động lôi kéo, lợi dụng.
Nhận diện rõ thách thức, hạn chế trong công tác giáo dục, rèn luyện, đoàn kết tập hợp thanh niên cũng như trách nhiệm trước thực trạng một bộ phận nhỏ “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, với tinh thần cầu thị, tổ chức đoàn các cấp đã và đang tích cực nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Bởi khách quan nhìn nhận rằng, những biểu hiện “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” không đồng hành với thời gian của chủ thể mà xuất hiện theo từng thời điểm, giai đoạn, hoàn cảnh, theo mỗi tính chất nhiệm vụ cụ thể và thông qua các giai đoạn từ mầm mống, chuyển hóa trong nhận thức đến hành động cụ thể. Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng, không phải bản chất, không kéo dài và sẽ mất đi khi dư luận xã hội phê phán, lên án, đấu tranh và triệt tiêu dần; khi tổ chức, đơn vị, đoàn thể phát hiện và tiến hành các biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng kịp thời.
Với vai trò là lực lượng xung kích cách mạng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần tập trung triển khai những giải pháp gì để thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao sức đề kháng, khả năng miễn dịch của thanh niên trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá thâm hiểm của các thế lực thù địch. Nội dung này, chúng tôi sẽ trình bày ở bài viết tiếp theo.
(còn nữa)
TẤN TUÂN – HỒNG THẠNH