Sáng 19/3, tại tòa nhà Cục Tần số Vô tuyến điện, biển thông báo “Cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện” đã được trưng ra. Cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) dự kiến tổ chức vào hồi 14h00 cùng ngày.
Giá khởi điểm của khối băng tần từ 3700 MHz đến 3800 MHz cho 15 năm sử dụng là 1.956.892.500.000 đồng (một nghìn chín trăm năm mươi sáu tỷ, tám trăm chín mươi hai triệu, năm trăm nghìn đồng). Những doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá lần này gồm: VNPT, MobiFone…
Doanh nghiệp nào trúng đấu giá khối băng tần 3700-3800 MHz sẽ phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện đã cam kết triển khai trong 2 năm đầu tiên.
Trước đó, ngày 14/3/2024, căn cứ kết quả tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá và kết quả thu khoản tiền đặt trước, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia thông báo danh sách doanh nghiệp không đủ điệu kiện tham gia đấu giá do không nộp tiền đặt trước với khối băng tần C3 (3800-3900 MHz). Vì vậy, cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 3800-3900 MHz không được tổ chức vì thiếu số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá tối thiểu theo quy định.
Khi không đủ số lượng doanh nghiệp tham gia đấu giá, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia sẽ trả lại tiền mua hồ sơ, tiền đặt trước, chậm nhất là 2 ngày làm việc kể từ ngày dự kiến tổ chức cuộc đấu giá, cho doanh nghiệp đã mua hồ sơ và nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá hợp lệ.
Trước đó, ngày 8/3/2024, phiên đấu giá băng tần B1 2500 – 2600 MHz đã được tổ chức, đánh dấu mốc lịch sử mới cho Việt Nam khi chuyển từ cấp phát, thi tuyển sang đấu giá để có được tần số.
Sau 24 vòng đấu giá, Viettel là doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng tần số 2500MHz – 2600MHz khi trả giá tới 7.500 tỷ đồng cho băng tần này. Với việc đã trúng khối băng tần B1 2500 – 2600 MHz, Viettel sẽ không còn quyền tham gia cuộc đấu giá tiếp theo.
Hiện, băng tần 5G trên thế giới đang được chia làm 4 nhóm, gồm: băng tần thấp (dưới 1.000 MHz), băng tần tầm trung 1 (1.000 – 2.600 MHz) và tầm trung 2 (3.500 – 7.000 MHz), cuối cùng là băng tần tầm cao (24.000 – 48.000MHz). Các dải băng tần đều có các ưu điểm, nhược điểm khác nhau đối với nhà mạng trong quá trình tổ chức đầu tư các hệ thống kỹ thuật 5G và tối ưu hóa chi phí. Thông thường chi phí tần số, chi phí đầu tư càng thấp thì nhà mạng sẽ có điều kiện cung cấp dịch vụ với mức giá hấp dẫn hơn cho khách hàng.
Theo Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), băng tần có tần số càng cao sẽ có băng thông lớn, tốc độ mạnh, độ trễ thấp và dung lượng cao hơn các băng tần thấp.
Theo thống kê năm 2023 của tổ chức GSA (Global mobile Supplies Association), số lượng thiết bị đầu cuối 5G hỗ trợ các băng tần tầm trung 2 (từ 3.700 MHz) hiện đang tương đương số lượng thiết bị hỗ trợ băng tần trung 1 (dưới 2.600 Mhz). Việc các nhà mạng ở Việt Nam triển khai 5G ở tần số 3700-3900 MHz sẽ mang lại thêm nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng về máy điện thoại/thiết bị đầu cuối.
Báo cáo của Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA) năm 2023 cho thấy, hiện các loại băng tần tầm trung 2 (bao gồm khoảng băng tần 3.700- 3.900 Mhz) đang có 152 nhà mạng sử dụng, cao hơn 8,4 lần số nhà mạng đang sử dụng băng tần tầm trung 1 (2.600 MHz) với 18 doanh nghiệp. Điều này cho thấy mức độ phổ biến, xu hướng và lợi thế của dải băng tần 3.700- 3.900 Mhz trong việc phát triển lên mạng lưới 5G thời gian tới.
Các dự báo cho thấy, đến năm 2030, 5G đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD. Đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3 – 7,4%.
Theo đại diện của VNPT, việc trúng đầu giá băng tần 5G chưa đủ để phục vụ nhu cầu của khách hàng, người dân. Trong thời gian qua, doanh nghiệp này đã có sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và bài bản chiến lược phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ số để có thể phát huy tối đa sức mạnh của 5G.
VNPT sẽ cung ứng các dịch vụ 5G liên quan đến Cloud, IoT, AI, Machine Learning và Data Analytics trong lĩnh vực công nghiệp, cung ứng các ứng dụng IoT, dịch vụ số đa dạng cho người dân. Không chỉ vậy, nhà mạng còn đặc biệt đẩy mạnh nâng cao chất lượng phục vụ tới từng khách hàng nhờ các sản phẩm, dịch vụ mới với giá thành tốt hơn, cạnh tranh hơn đi kèm các chương trình ưu đãi hấp dẫn… giúp người dân tiếp cận được công nghệ mới một cách dễ dàng, thuận tiện.
Đây cũng là cách VNPT đã và đang thúc đẩy, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số với một nền kinh tế số mạnh mẽ, mỗi người dân đều trở thành công dân số, hội nhập với xu hướng chung của toàn cầu.
Đại diện MobiFone cũng khẳng định sẽ sớm triển khai dịch vụ 5G sau khi đấu giá băng tần. Hiện Vietnamobile vẫn “im hơi lặng tiếng” về cuộc đua 5G.