Bước đệm từ đội nữ TP.HCM
Huỳnh Như là ngôi sao sáng nhất trong 2 chiến thắng ở Cúp C1 châu Á, góp công đưa đội nữ TP.HCM thẳng tiến tứ kết ngay lần đầu bước ra sân chơi châu lục. Tuy nhiên, Huỳnh Như là cái tên đã quá quen thuộc với các giải đấu quốc tế. Tiền đạo sinh năm 1991 từng dự World Cup, Asian Cup, AFF Cup, ASIAD, SEA Games, thi đấu 2 năm ở Bồ Đào Nha, với bề dày kinh nghiệm chưa cầu thủ nữ Việt Nam nào trong lịch sử có thể sánh bằng.
Ở đây, hãy nói về những cái tên khác của nữ TP.HCM. Đó là hậu vệ Kim Yên với pha đánh đầu mở tỷ số, sau đó đến lượt tiền đạo trẻ Hồng Nhung khóa sổ trận đấu bằng tình huống ngả người dứt điểm cận thành.
Trong số này, Hồng Nhung từng được HLV Mai Đức Chung “chấm”, nhưng chưa có chỗ đứng do đội tuyển nữ Việt Nam quá nhiều hảo thủ. Tương tự, việc được góp mặt ở các giải lớn là giấc mơ xa với cầu thủ trẻ Kim Yên, dù cô đã chạm ngưỡng tuyển vào tháng trước.
Nếu không có Cúp C1 châu Á, rất có thể những cái tên như Hồng Nhung, Kim Yên chỉ dành trọn sự nghiệp ở các giải trong nước, với 16 đến 18 trận đấu mỗi năm trong hệ thống giải bóng đá nữ Việt Nam. Đây rõ ràng là thiệt thòi nếu nhìn sang những nền bóng đá nữ phát triển. Trung Quốc sở hữu 3 giải vô địch quốc gia cho nữ, để các CLB có thể thi đấu quanh năm, với số trận trên dưới 40. Tương tự, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc… đều có mạng lưới giải quốc nội dày đặc, chưa kể số cầu thủ nữ xuất ngoại tăng dần theo năm.
Một câu chuyện thường được nhắc đến với bóng đá nữ lâu nay, đó là “nước chảy chỗ trũng”. Đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu thường xuyên ở giải khu vực và châu lục. Song, cơ hội cọ xát quốc tế chỉ dành cho các tuyển thủ quốc gia.
Với bộ khung đội tuyển nữ Việt Nam thường cố định và ít thay đổi hơn đội tuyển nam, việc các cầu thủ không được lên tuyển lâu dần sẽ bị nới rộng cách biệt với tuyển thủ. Bóng đá nữ chỉ phát triển “phần ngọn” (đội tuyển) mà bỏ quên gốc rễ (CLB) thì khó lâu bền, bởi HLV Mai Đức Chung và ban huấn luyện sẽ chỉ có một nhóm cầu thủ quen thuộc để lựa chọn cho giải lớn.
Bởi vậy, việc được đá Cúp C1 châu Á mang đến ý nghĩa lớn, ngay cả với đội thống trị giải vô địch quốc gia quá nửa thập kỷ như nữ TP.HCM. Hồng Nhung, Kim Yên và những cầu thủ “vô danh” của đội bóng này đã có trải nghiệm thi đấu với đối thủ ngoài Việt Nam. Nhờ sân chơi quốc tế, nữ TP.HCM lần đầu biết đến… ngoại binh. Chỉ riêng việc chuẩn bị cho giải đấu lớn cũng thúc đẩy đội bóng của HLV Nguyễn Hồng Phẩm rất nhiều.
Đó là điều bóng đá nữ Việt Nam rất cần, để đội tuyển quốc gia vượt ngưỡng.
Cố gắng
Đội nữ TP.HCM đã thắng Taichung Blue Whale và Odisha với cùng tỷ số 3-1, nhưng lối chơi của Huỳnh Như cùng đồng đội còn nhiều khiếm khuyết.
Trước tiên, nữ TP.HCM bỏ lỡ nhiều cơ hội. Việc lúng túng trước cầu môn cho thấy khoảng trống kinh nghiệm, ngay cả với các ngoại binh. Ngoài ra, nữ TP.HCM yếu trong tranh chấp. Đội chủ nhà thắng nhờ kỹ chiến thuật trội hơn (vốn là khác biệt lớn trong bóng đá nữ), nhưng về lâu dài, cầu thủ cần cải thiện khả năng tranh chấp tay đôi và sức va chạm.
Nhưng với những bước chân chập chững đầu tiên, đá được như vậy đã là rất nỗ lực.
“Sân chơi C1 châu Á là giải đấu tốt với bóng đá nữ Việt Nam. Thông qua giải đấu này, các cầu thủ được gặp đối thủ mạnh để trưởng thành. Nhờ vậy, cầu thủ sẽ có kinh nghiệm và tăng chất lượng cho đội tuyển nữ Việt Nam”, HLV Mai Đức Chung phân tích.
Đội nữ TP.HCM còn ít nhất 2 trận ở Cúp C1 châu Á: màn đọ sức Urawa Red Diamonds ở lượt hạ màn, cùng trận tứ kết. Ngày vui của bóng đá nữ TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung còn kéo dài.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chien-tich-cup-c1-chau-a-cua-nu-tphcm-giup-bong-da-viet-nam-cat-canh-185241010124651805.htm