Forbes nhận định, có một lý do chính khiến lực lượng không quân Ukraine vẫn tồn tại sau hơn một năm chiến sự với Nga dù số lượng phi cơ mà Kiev sở hữu chỉ bằng một phần nhỏ của Moscow.
Ngay trong những ngày đầu của chiến sự từ tháng 2/2022, đội máy bay của Ukraine đã nhanh chóng rời khỏi các căn cứ quân sự lớn và phân tán lực lượng ra các tuyến đường cao tốc trên khắp đất nước. Vì vậy, khi Nga phóng tên lửa xuống căn cứ của Ukraine với mục tiêu phi quân sự hóa đối phương, các hỏa lực này không thể đánh trúng các vũ khí quan trọng hàng đầu của Kiev.
Sau hơn một năm chiến sự khốc liệt, các tiêm kích MiG-29 hay Su-27 của Ukraine vẫn đang tiếp tục vận hành trên các tuyến đường cao tốc và tránh né các cuộc tấn công của Nga. Các đoạn video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các tiêm kích nặng hàng chục tấn của Ukraine cất cánh từ đường cao tốc để làm nhiệm vụ đối phó Nga.
Theo viện RUSI (Anh), vào thời điểm tháng 2 năm ngoái, nhờ việc phân tán nhanh chóng lực lượng, Ukraine đã bảo vệ nhiều máy bay quân sự trước các đòn “mưa hỏa lực” từ Nga.
“Mặc dù thiệt hại đáng kể đã xảy ra (với các căn cứ), nhưng nó không gây ra tác động có tính quyết định tới chiến sự vì Ukraine đã nhanh chóng phân tán lực lượng để giảm thiểu khả năng bị tổn thương trước các đòn tập kích”, RUSI nhận định.
Các di sản từ thời Liên Xô đã giúp đội phi cơ của Ukraine áp dụng chiến thuật này hiệu quả. Cả tiêm kích Su-27 và MiG-29 của Ukraine đều có bánh lớn, chắc chắn, càng đáp cao giúp cửa hút gió của máy bay ở vị trí cao so với mặt đất. Tính năng này nhằm giảm thiểu khả năng máy bay chiến đấu có thể hút phải đá hoặc cành cây hoặc một số mảnh vụn khác có thể làm vỡ tua-bin. Nhờ vậy, các tiêm kích từ thời Liên Xô có thể cất cánh, hạ cánh trên đường cao tốc để làm nhiệm vụ trong suốt hơn một năm qua.
Mặt khác, theo chuyên gia quân sự Pranay Sinha, hầu hết các đường cao tốc liên tỉnh ở châu Âu và Nga đều đủ rộng và đủ cứng, có thể dễ dàng thay thế làm đường băng trong trường hợp khẩn cấp cho máy bay quân sự. Yêu cầu duy nhất là những con đường này phải có đủ khoảng trống và đoạn đường dài 3km phải thẳng, không có đường cong và sân đỗ phải không có đèn, cột, và các công trình cao tầng.
Liên Xô đã xây dựng mạng lưới đường cao tốc, đường xá và tàu điện ngầm khổng lồ và đều tính đến kịch bản chiến sự có thể bùng phát trong tương lai. Ukraine thừa hưởng di sản này, khiến hầu như tất cả các máy bay cánh cố định đều có thể cất cánh và hạ cánh trên những con đường cao tốc của nước này. Điều này rất quan trọng vì nó cho phép các lực lượng không quân hoạt động ngay cả khi căn cứ bị bắn phá.
Mặt khác, theo Forbes, Không quân Ukraine dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản này sau khi căng thẳng với Moscow bùng phát năm 2014 – thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Ukraine đã huấn luyện cho các phi đội khả năng cất, hạ cánh từ đường cao tốc từ vài năm trước, giúp việc triển khai chiến thuật hiệu quả hơn.