THẮNG LỢI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP MÀ ĐỈNH CAO LÀ CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ LÀ CHIẾN THẮNG CỦA LÒNG YÊU NƯỚC NỒNG NÀN, Ý CHÍ BẤT KHUẤT, KIÊN CƯỜNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM ĐƯỢC HUN ĐÚC QUA HÀNG NGHÌN NĂM LỊCH SỬ; LÀ CHIẾN THẮNG CỦA ĐƯỜNG LỐI CÁCH MẠNG ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG TA, ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI; CỦA ĐƯỜNG LỐI KHÁNG CHIẾN TRƯỜNG KỲ, TOÀN DÂN, TOÀN DIỆN, BIẾT ĐÁNH VÀ BIẾT THẮNG, PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, DỰA VÀO SỨC MÌNH LÀ CHÍNH, ĐỒNG THỜI TRANH THỦ SỰ ỦNG HỘ, GIÚP ĐỠ CỦA BẠN BÈ QUỐC TẾ, KẾT HỢP SỨC MẠNH DÂN TỘC VÀ SỨC MẠNH THỜI ĐẠI.
Ngày 14.1.1954 tại hang Thẩm Púa, tướng Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án “đánh nhanh thắng nhanh” và ngày nổ súng dự định là 20 tháng 1. Nhiệm vụ thọc sâu giao cho Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ. Đại đoàn 308 sẽ đánh vào tập đoàn cứ điểm từ hướng Tây, xuyên qua những vị trí nằm trên cánh đồng, thọc thẳng tới Sở Chỉ huy của de Castries. Các Đại đoàn 312, 316 nhận nhiệm vụ, đột kích vào hướng Đông, nơi có những cao điểm trọng yếu. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu, đã được Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy Trung ương cùng Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt với sự nhất trí của đoàn cố vấn quân sự trung ương Trung Quốc, bởi đánh sớm khi Pháp chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố công sự thì có nhiều khả năng giành chiến thắng.
Đêm 25 tháng 1, sau cả một ngày dài suy nghĩ, tướng Giáp quyết định phải cho lui quân vì ông nhận thấy ba khó khăn rõ rệt:
1. Bộ đội chủ lực cho đến thời điểm đó chưa thành công lắm trong việc đánh các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm. Ví dụ điển hình nhất là trận Nà Sản (1953), bộ đội Việt Minh đã không thành công, và bị tử thương nhiều.
2. Trận này là một trận đánh hiệp đồng lớn, nhưng pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện kĩ lưỡng, chưa qua diễn tập nhiều
3. QĐNDVN từ trước chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là với một đối phương có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện như quân Pháp.
Tướng Giáp cho rằng phương án “đánh nhanh thắng nhanh” mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên, không thể đảm bảo chắc thắng. Ông kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”, đánh dài ngày theo kiểu “bóc vỏ” dần dần tập đoàn cứ điểm.
Trong vòng gần 2 tháng sau đó, pháo được kéo ra, QĐNDVN tiếp tục đánh nghi binh, mở đường rộng hơn, dài hơn chung quanh núi rừng Điện Biên Phủ, rồi lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố hơn, hào được đào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ của quân Pháp, lương thảo, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận nhiều hơn. Tất cả chuẩn bị cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa Điện Biên Phủ lần cuối trước khi phát lệnh nổ súng tấn công.
Ảnh: Tư liệu TTXVN
Về chiến thuật tác chiến bộ binh, từ những kinh nghiệm thu được ở Hòa Bình, Nà Sản, Bộ Chỉ huy QĐNDVN chủ trương tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng, từng cứ điểm từ ngoài vào trong, thu hẹp phạm vi chiếm đóng cho tới lúc Pháp không còn sức kháng cự. Không sử dụng lối đánh xung phong trực diện mà dùng cách đánh vây lấn, đào hào áp sát cứ điểm địch. Cách đánh này cần một thời gian chuẩn bị và chiến đấu dài ngày, thường gọi là “Đánh chắc Tiến chắc”, cũng còn được gọi là “đánh bóc vỏ”. Bộ binh được đường hào che chắn và có được vị trí tiến công gần nhất có thể, sẽ hạn chế tối đa thương vong khi tấn công.
Cùng ngày, lệnh động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được gửi tới các đơn vị: “Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bắt đầu! Đây là chiến dịch công kiên quy mô lớn nhất trong lịch sử quân đội ta… Đánh thắng ở Điện Biên Phủ, chúng ta sẽ phá tan kế hoạch Nava, giáng một đòn chí tử vào âm mưu mở rộng chiến tranh của bọn đế quốc Pháp – Mỹ. Chiến dịch thắng lợi sẽ có ảnh hưởng vang dội trong nước và ngoài nước, sẽ là một cống hiến xứng đáng vào phong trào hòa bình thế giới đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt – Miên – Lào… Giờ ra trận đã đến! Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên, thi đua lập công, giật lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Hồ Chủ tịch”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt đội hình các đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 ngay tại mặt trận.
Ảnh: Tư liệu TTXVN
17 giờ ngày 13.3.1954, quân ta tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch lịch sử bắt đầu.
Các đơn vị được bố trí như sau: Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) tiến công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam. Trung đoàn 165 (312) và Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) tiêu diệt trung tâm đề kháng đồi Độc lập. Trung đoàn 36 (308) tiêu diệt trung tâm đề kháng Bản Kéo. Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) kiềm chế pháo binh đối phương ở Hồng Cúm.
Ngay phút đầu, trong trận tấn công cụm cứ điểm Him Lam, pháo binh ta đã lập công, bắt chết tên quan tư Paul Pégot – chỉ huy Him Lam và tên quan năm Gôxê – chỉ huy phân khu trung tâm.
Sau 2 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt 2 cứ điểm. Tại cứ điểm thứ 3 phía Tây Bắc Him Lam, từ một lô cốt ngầm, địch bắn ra ác liệt. Một chiến sỹ mình đầy thương tích của ta đã trườn lên, dồn hết sức lao vào lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa điểm địch. Đó chính là anh hùng Phan Đình Giót.
Trận đầu phải thắng, đó là truyền thống của quân đội ta. Trong ngày mở màn chiến dịch, ta tiêu diệt Him Lam, diệt 300 tên địch, bắt sống 200 tù binh.
Liên tiếp các ngày từ ngày 14 đến 17.3, ta tiêu diệt nhanh gọn 2 cụm cứ điểm kiên cố vào bậc nhất của địch, đồng thời làm tan rã một tiểu đoàn địch. Quân Pháp ở vị trí Bản Kéo sợ hãi kéo cờ trắng ra hàng. Cánh cửa phía Bắc vào Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị phá toang.
Đợt 2 của chiến dịch diễn ra từ ngày 30.3 đến ngày 30.4, Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh phân khu trung tâm và đặc biệt là dãy điểm cao quan trọng phía đông, vây lấn bóp nghẹt tập đoàn cứ điểm.
Chủ trương của Đảng ủy Mặt trận trong đợt 2 là tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh chiếm đồng thời các cao điểm phía đông. Trong số này, có 5 cao điểm quan trọng. Đó là các cao điểm E, D1 thuộc trung tâm đề kháng Dominique và các cao điểm C1, C2, A1 thuộc trung tâm đề kháng Eliane.
18 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1954, đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu.
Đại đoàn 312, được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75 ly, hai đại đội súng cối 120 ly, một đại đội súng cối 82 ly có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm E (Dominique 1), D1 (Dominique 2), D2 (Dominique 3) thuộc trung tâm đề kháng Dominique, và dùng một đơn vị thọc sâu đánh vào vị trí pháo binh Pháp ở cao điểm 210 (Dominique 6) và Tiểu đoàn Dù 5 hoặc Tiểu đoàn Dù 6 cơ động ở khu vực này.
Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn), được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75 ly, hai đại đội súng cối 120 ly, có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm A1 (Eliane 2), C1 (Eliane 1), C2 (Eliane 4) thuộc trung tâm đề kháng Eliane, và phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng Dù cơ động.
Đại đoàn 308 có nhiệm vụ dùng hỏa lực kiềm chế pháo binh địch ở tây Mường Thanh, dùng bộ đội nhỏ tích cực dương công các cứ điểm 106 (Huguette 7) và 311 (trong cụm Huguette) ở phía tây, cử một tiểu đoàn tham gia bộ phận thọc sâu vào trung tâm khu đông, tiêu diệt Tiểu đoàn Thái số 2, trận địa pháo binh, phối hợp với Trung đoàn 98 của Đại đoàn 316 tiêu diệt lực lượng Dù cơ động.
Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304, được phối thuộc Tiểu đoàn 888 (Đại đoàn 316), một đại đội lựu pháo 105 ly, một đại đội súng cối 120 ly, 18 khẩu trọng liên cao xạ 12,7 ly DShK có nhiệm vụ kiềm chế các trận địa pháo binh địch ở Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện từ Hồng Cúm lên Mường Thanh, và đánh quân nhảy dù ở xung quanh và phía nam Hồng Cúm.
Đại đoàn 351 trực tiếp yểm hộ bộ binh tiến công các cứ điểm: A1 (Eliane 2), D1 (Dominique 2), C1 (Eliane 1), E (Dominique 1), chế áp pháo binh Pháp, sát thương và tiêu diệt một lực lượng cơ động Pháp ở trung tâm phía đông Mường Thanh, kiềm chế pháo binh đối phương.
Để chống lại các cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp, phía QĐNDVN đã áp dụng chiến thuật “vây lấn” rất có hiệu quả bằng việc đào các giao thông hào dần dần bao vây và siết chặt, tiếp cận dần vào các vị trí của Pháp.
Những tuyến chiến hào dài khoảng hơn 100 km và việc đào công sự được thực hiện liên tục thường xuyên. Dựa trên những yêu cầu về chiến thuật, QĐNDVN đã xây dựng hai loại đường hào: đường hào trục dùng cho việc cơ động pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội với số lượng lớn và đường hào tiếp cận địch của bộ binh.
Trong đó:
Đường hào trục chạy một vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm.
Đường hào tiếp cận địch của bộ binh chạy từ những vị trí trú quân của đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng cắt ngang đường hào trục, tiến vào vị trí sẽ tiêu diệt.
Các loại đường hào này đều có chiều sâu tới 1,7 mét và không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn địch, giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển. Đáy của đường hào bộ binh rộng 0,5 mét, trục đáy hào rộng tới 1,2 mét. Dọc đường hào, bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công của Pháp.
Suốt ngày đêm, từng giờ, những chiến hào nổi, chiến hào ngầm của bộ đội nhích dần đến gần phân khu trung tâm. Từ những đoạn hào chỉ cách quân Pháp vài chục mét, bộ đội Việt Minh dùng ĐKZ (hoặc Bazooka) bắn sập những lô cốt, ụ súng, tạo điều kiện cho những chiến sĩ khác lao lên xung phong, tấn công kẻ địch.
Bộ chỉ huy Việt Nam còn đẩy mạnh phong trào “săn Tây bắn tỉa”, đẩy mạnh tiêu diệt địch bằng nhiều hình thức, nhằm làm cho quân Pháp càng bị tiêu hao quân số. Các tổ thiện xạ tìm những vị trí bất ngờ để phục kích, bắn tỉa như bụi rậm, bờ sông,….
Đợt 3 của chiến dịch diễn ra từ ngày 1.5 đến ngày 7.5, QĐNDVN đánh dứt điểm dẫy đồi phía đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại. Sau khi lực lượng của Pháp đã trở nên tuyệt vọng, suy kiệt, bổ sung bằng dù không còn đủ để duy trì sức chiến đấu, và quân Pháp ở Bắc Bộ cũng đã hết lính dù và lính lê dương có thể ném tiếp xuống Điện Biên Phủ, QĐNDVN tổ chức đợt đánh dứt điểm các quả đồi phía đông.
Mở đầu kế hoạch đợt 3 là tiếp tục hoàn thành nốt những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2: tiêu diệt hoàn toàn hai cao điểm A1 và C1, đồng thời đánh chiếm thêm một số cứ điểm ở phía tây và phía đông, thu hẹp thêm nữa phạm vi chiếm đóng của quân Pháp, chuẩn bị cho tổng công kích. Nhiệm vụ được trao cho các đơn vị như sau:
Đại đoàn 316, được phối thuộc Trung đoàn 9 của Đại đoàn 304 (thiếu 1 tiểu đoàn), tiêu diệt A1, C1 và C2.
Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm: 505, 505A, 506, 507, 508 ở phía đông, tiến sát bờ sông Nậm Rốm.
Đại đoàn 308 tiêu diệt các cứ điểm 311A, 311B ở phía tây.
Đại đoàn 304: Trung đoàn 57 được phối thuộc 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 9, cử 1 tiểu đoàn chốt chặn trên đường đi Tây Trang không cho quân địch rút chạy sang Lào, siết chặt vòng vây chung quanh Hồng Cúm, tập kích trận địa pháo binh, tiêu diệt khu C Hồng Cúm.
Đại đoàn 351 phối hợp với bộ binh trong các trận đánh điểm và đánh phản kích.
Sáng ngày 7.5, QĐNDVN đã tiến công tiêu diệt cứ điểm C2, 506, 507, 310F. Các quả đồi phía đông này đã thất thủ hoàn toàn mà phía Pháp không còn lực lượng khả dĩ chiếm lại.
15h ngày 7.5, các đại đoàn được lệnh: “Không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh. Đơn vị phía đông đánh thẳng vào khu vực trung tâm, đơn vị phía tây giáp công sang, cùng tiến vào Sở chỉ huy của địch. Phải đánh thật mạnh, bao vây thật chặt, không để cho Đờ Cát hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát”.
QĐNDVN tổng tiến công trên khắp các mặt trận. Quân Pháp đã sức tàn lực kiệt, rệu rã kéo cờ quyết định đầu hàng. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật thuộc trung đoàn Hoàng Cầm lập tức dẫn Đại đội 360 luồn dưới làn đạn của những khẩu trọng liên bốn nòng, băng qua cầu Mường Thanh. Nhận thấy quân Pháp hầu như không chống cự, Tạ Quốc Luật nhảy lên mặt đất, dùng một lính bảo an người Việt dẫn theo đường tắt tiến thật nhanh tới sở chỉ huy của De Castries. Các đài quan sát báo cáo về: “Quân ta từ ba phía đang đánh vào khu trung tâm, 312 từ phía đông tiến qua cầu Mường Thanh, 308 từ phía tây mở đường qua sân bay, và từ phía tây nam mở đường vào Lili, hướng về sở chỉ huy của De Castries. Quân địch chỉ chống cự lẻ tẻ.”
17h: Đại đội 360 chỉ còn 5 người: Tạ Quốc Luật, Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ, Nguyễn Văn Lam và Đào Văn Hiếu. Sau khi dùng thủ pháo tiêu diệt tổ bảo vệ ở phòng ngoài sát cửa ra vào, 5 chiến sĩ vượt qua gian hầm thứ 2, tiến vào gian hầm giữa khá rộng có tướng De Castries và các sĩ quan Pháp đang ở đấy. Tạ Quốc Luật nói bằng tiếng Pháp, đại ý: “Các ông hàng đi. Các ông thua rồi. Các ông phải ra lệnh cho các ổ đề kháng bỏ súng, đầu hàng và điện về Hà Nội không cho máy bay ném bom xuống Điện Biên nữa”.
17h30: Đại đoàn 312 báo cáo lên: “Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng De Castries”.
Lính Pháp tại Cụm phân khu Nam Hồng Cúm mưu toan chạy sang Lào nhưng bị các đơn vị QĐNDVN đuổi theo, tất cả đã bị bắt không đi thoát. Gần 11.000 quân Pháp còn lại tại Điện Biên Phủ đều bị bắt làm tù binh. Chỉ có một số ít lính Pháp may mắn được giải cứu bằng cách chạy vào rừng.
Ngày mùng 7.5.1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm De Castries. Quân và nhân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Kết quả, sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch. Tổng cộng, số lượng địch bị tiêu diệt và bắt sống tại Điện Biên Phủ bằng 4% quân số địch ở Đông Dương, 20% lính Âu-Phi. Đồng thời thu được 28 khẩu pháo, 5.915 khẩu súng lớn nhỏ, 3 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, 40.000 lít xăng dầu, bắn rơi 62 máy bay các loại…
Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu hiện rực rỡ sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta. Mới gần 10 tuổi, quân đội ta đã ghi trên Quân kỳ hàng nghìn chiến công, mà đỉnh cao và đời đời bất diệt là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; của đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, biết đánh và biết thắng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định Geneva đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân của Pháp tại Đông Dương, mà còn trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, tác động mạnh mẽ tới phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước thuộc địa Châu Phi.
Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7.1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945-1954).
Ảnh: TTXVN
Thời gian đã lùi xa, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam; là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Laodong.vn