69 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ không hề phai mờ. Hơn thế, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau.
Đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam
Ngày 7.5.1954, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
69 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này để lại những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó cũng là chiến thắng của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta.
Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, biết đánh và biết thắng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc phân tích, trận quyết chiến Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có. Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.
Ở nhiều nơi, do địch đánh phá không làm kịp, để có lương thực kịp thời nuôi bộ đội, đồng bào đồng ý giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị tự thu hoạch rồi sau ghi số lại. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo vào cả ban đêm cho bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Chỉ có sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, đồng bào mới sẵn sàng đóng góp cho chiến dịch như vậy.
“Và chính nhờ sự đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết, đồng lòng như vậy mới dẫn lối cho cách mạng tới những chiến thắng trong cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc” – ông Phúc nói.
Biểu tượng của lòng yêu nước
Qua nghiên cứu, PGS.TS Lê Quốc Lý – nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – cho hay, trải qua nhiều chiến dịch, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, trưởng thành dưới sự đùm bọc và che chở của nhân dân nên bộ đội chủ lực của ta thực sự lớn mạnh, trở thành đối thủ đáng gờm với quân thù.
Bước vào Đông Xuân năm 1953-1954, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh và nghệ thuật sử dụng bộ đội chủ lực của ta ngày càng tỏ ra linh hoạt và chủ động hơn hẳn địch.
Với chiến dịch Điện Biên Phủ, đây là chiến dịch dài ngày, nơi tập trung những nỗ lực cao nhất của cả hai bên. Chính vì vậy, đây là cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ với nhiều mất mát, hy sinh.
Nhưng dưới sự lãnh đạo, giáo dục, tổ chức và rèn luyện của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn sức mạnh tinh thần vô địch của dân tộc đã được khơi dậy, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để chiến thắng kẻ thù.
Chính sách giảm tô, cải cách ruộng đất, đem lại ruộng đất cho nông dân, trong đó có nhiều gia đình cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận đã khơi dậy lòng biết ơn và niềm tin tuyệt đối của bộ đội vào Đảng, Bác Hồ và thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đã kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ của đế quốc Pháp ở Đông Dương và mở đầu thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc trên thế giới.
“Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần đánh giặc của dân tộc ta; là một trong những biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam” – ông Lý khẳng định.
Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng
Theo “Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 – 1954), trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, tính chung trong chiến dịch, nhân dân ta đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thô, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền”.
Laodong.vn