Chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam, không chỉ giúp Việt Nam thoát khỏi sự áp bức của thực dân Pháp mà còn mở ra con đường giành độc lập cho khu vực Đông Dương và các nước thuộc địa ở châu Phi. Tình hình ở Việt Nam thời bấy giờ được báo chí các nước trên thế giới theo dõi sát sao, trong đó có báo chí Ukraine.
Bìa cuốn sách 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Báo chí truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, không chỉ phản ánh các quá trình chính trị, xã hội, văn hóa mà còn là nhân tố quan trọng trong việc tạo nên dư luận xã hội. Xét về báo chí Ukraine vào những năm 50 thế kỷ XX, thì truyền thông đại chúng còn có chức năng đào tạo tư tưởng, vậy nên kể cả thời sự quốc tế cũng được phản ánh thông qua sự phân tích theo quan điểm về mặt tư tưởng và đường lối của Đảng.
Theo quan điểm của PTS. Musiychuk Victoria thuộc Viện nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Ukraine trong cuốn sách 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thời điểm đó Ukraine là một nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và báo chí Ukraine được xem như báo chí trung ương Liên Xô. Tuy nhiên, sự xuất hiện của tin tức quốc tế trên các trang báo, tạp chí địa phương chứng tỏ luồng thông tin đó được dư luận thực sự chú trọng.
Trước khi Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu triển khai Chiến dịch Điện Biên Phủ, tin tức về Việt Nam trên báo chí Ukraine thời bấy giờ không nhiều. Nhưng bắt đầu từ các số báo ra đời trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 7/1954 tại Ukraine, các tin tức về Việt Nam được đăng tải thường xuyên hơn, chủ yếu về quá trình chuẩn bị của Việt Nam trước Chiến thắng Điện Biên Phủ và các bài đánh giá tình hình sau thắng lợi.
Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
PTS. Musiychuk Victoria hồi tưởng, Liên Xô tại thời điểm đó đang trong tình trạng Chiến tranh Lạnh với Mỹ, vì vậy tình hình ở Việt Nam đặc biệt được quan tâm sau khi Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp vào chiến tranh ở Đông Dương. Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1950, tuy nhiên đến năm 1954 vẫn chưa có cơ quan thông tấn xã thường trú tại Việt Nam, vậy nên những tin tức thời sự về quốc gia Đông Nam Á này thường được chuyển tải từ Trung Quốc, Anh, Pháp (nguồn tin được ghi rõ trong mỗi bài, tin quốc tế). Bởi vậy, đa số thông tin về Việt Nam đăng trên báo Ukraine thường bị chậm mấy ngày.
Vì thiếu phóng viên riêng của mình, các tờ báo còn đăng lại tài liệu dịch từ báo chí nước ngoài. Chẳng hạn, in tóm tắt cuốn sách của nhà báo người Anh về thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, về sự phát triển của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sự nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bài phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh của hãng Thông tấn Indonesia Antara; kể lại bài của tờ báo Trung Quốc Guan ming ri bao,…
Về mặt chính trị, thông tin gây chú ý nhiều nhất trên báo chí Ukraine là về hội đàm Geneva và các vấn đề được đàm phán tại đây. Trước hội nghị, các báo Ukraine đã in những bài luận về tình hình thế giới và tiền đề của các vấn đề cấp thiết, trong đó có cả vấn đề của Việt Nam. Cốt lõi của các bài viết là chỉ ra sự can thiệp tích cực của Hoa Kỳ vào cuộc chiến ở Đông Dương. Cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao tại Geneva được trình bày rất tỉ mỉ, hầu như là từng ngày một. Bên cạnh đó là các bài bình luận về sự quyết tâm của phía Việt Nam và sự ủng hộ của Liên Xô tại hội nghị.
Các đơn vị bộ đội ta băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Về cuộc sống xã hội Việt Nam thời bấy giờ, độc giả Ukraine chỉ biết gián tiếp thông qua các bài dịch từ tiếng nước ngoài như bài của nhà báo người Anh hoặc bài từ báo Trung Quốc đã nêu trên. Về tính cách người Việt Nam và tâm trạng xã hội có thể tìm hiểu qua các tin về việc người Việt Nam muốn trao trả tù binh Pháp về nước. Độc giả Ukraine còn biết rằng nhân dân Việt Nam không chỉ tập trung về quân sự mà còn chú trọng về lao động.
Về mặt quân sự, trong số các bài báo về Việt Nam thì số lượng những tin đề cập đến đề tài quân sự chiếm đa số (khoảng 48%). Trong đó, một phần là những Thông cáo của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam thống kê về quân số, sự thiệt hại về người và vũ trang của Việt Nam và đối phương. Điều đó giúp người đọc theo dõi tiến trình và diễn biến ở chiến trường Việt Nam khá chính xác.
Chi tiết về chiến thắng Điện Biên Phủ được mô tả như sau: Đêm 7/5, quân đội nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng tiến công. Trận chiến kéo dài 24 tiếng. Cho đến 17 giờ ngày 7/5 đã đánh bại căn cứ Mường Thanh, đến 22 giờ tối đã phá hủy khu Hồng Cúm. Lực lượng quân sự Pháp bị tiêu diệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ là 17 tiểu đoàn, 57 máy bay.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ngay tại mặt trận. (Ảnh: TTXVN)
Không chỉ báo chí trong nước mà các tờ báo của người Ukraine xuất bản ở nước ngoài cũng có bản tin về chiến tranh ở Đông Dương và chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó nổi bật là hai tờ tuần báo của Ukraine ở Pháp là Người Ukraine (L’Ukrainien) và Phát ngôn Ukraine (La parole Ukrainienne), phát hành ở Paris.
Báo Phát ngôn Ukraine có bài “Đông Dương và Ukraine”, trong đó tác giả so sánh cuộc đấu tranh vì độc lập của hai dân tộc Việt Nam và Ukraine đều bị các cường quốc áp bức; thuật lại đường lối chiến đấu của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và đánh giá tích cực vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh được đánh giá là một nhà lãnh đạo yêu nước chân chính và luôn nghĩ đến dân tộc mình.
Ngoài các thông tin thời sự trên báo, ấn tượng về Việt Nam thời bấy giờ còn để lại trong các tác phẩm điện ảnh. Phim tài liệu Việt Nam là một bộ phim chung Xô-Việt đầu tiên. Đạo diễn của bộ phim này Roman Karmen sinh ra ở Ukraine (thành phố Odessa). Ông là nhà điện ảnh Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam. Nhóm đạo diễn Liên Xô phối hợp với nhóm nhà điện ảnh Việt Nam đã quay phim này ở Việt Nam trong vòng 8 tháng, bắt đầu từ tháng 5/1954. Phim ra mắt khán giả vào đầu năm 1955. Bộ phim khái quát cuộc kháng chiến chống Pháp lịch sử của dân tộc Việt Nam, trong đó có những tư liệu quý về Chiến dịch Điện Biên Phủ, về ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tá Christian de Castries, về nhân dân Việt Nam anh hùng chiến đấu tại chiến trường và chăm chỉ làm việc ở hậu phương.
Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” đang phấp phới bay trên nóc hầm của tướng Đờ-cát. (Ảnh: TTXVN)
Có thể thấy, tình hình ở Việt Nam thời Chiến dịch Điện Biên Phủ được loan truyền trên truyền thông đại chúng Ukraine dưới nhiều hình thức khác nhau, như bản tin tức thời sự, bài bình luận, phỏng vấn, phim tài liệu, bài hài hước hay tranh biếm họa.
Sau dấu mốc Điện Biên Phủ, quan hệ Việt-Xô ngày càng phát triển mạnh mẽ, tin tức về Việt Nam được biết đến nhiều hơn và nguồn tin thời sự về quốc gia Đông Nam Á được mở rộng hơn. Sau này, báo chí Ukraine cũng viết về Việt Nam phong phú hơn. Báo Văn học và tạp chí Hoàn vũ đăng tải các tác phẩm văn học Việt Nam dịch ra tiếng Ukraine (Thạch Lam – năm 1958, Tô Hoài – 1959 và tiếp theo về sau). Đáng chú ý là sự kiện Chiến thắng Điện Biên Phủ không bị lãng quên.
Năm 1985, tạp chí Hoàn vũ đăng bài “30 năm sau Điện Biên Phủ” về những biến đổi trong đời sống người Việt sau chiến thắng vĩ đại này. Tác giả tường thuật quá trình phục hồi lãnh thổ gần Điện Biên để có thể sinh sống: tháo mìn, thành lập hợp tác xã, sinh hoạt chung của quân đội và nông dân, của người Kinh và người dân tộc thiểu số, xây dựng sân bay, sân vận động, rạp chiếu phim, khách sạn. Điện Biên Phủ không chỉ là trận quyết chiến mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ sáng tác, cũng như cho nhiều nhà lịch sử nghiên cứu toàn diện ở Việt Nam và nước ngoài.
Nội dung: HUY VŨ (tổng hợp)
Trình bày: NHÃ NAM
Nhandan.vn