Với việc ông Alexander Stubb được lựa chọn làm Tổng thống, lần đầu tiên trong lịch sử 107 năm lập quốc, Phần Lan đã có một vị tổng thống mang “yếu tố” nước ngoài.
Cuộc bầu cử tổng thống Phần Lan năm 2024 đã khép lại lúc 21h ngày 11/2 ở Phần Lan khi kết quả kiểm phiếu vòng hai được tuyên bố trên truyền hình cho biết ông Alexander Stubb giành được 51,7% số phiếu, còn ông Pekka Haavisto thu được 48,3 % số phiếu.
Như vậy, cựu Thủ tướng Alexander Stubb đã trở thành tổng thống thứ 13 của Phần Lan.
Ông Pekka Haavisto (phải) chúc mừng ông Alexander Stubb giành chiến thắng hôm 11/2. (Ảnh chụp lại từ Yle) |
Ở vòng 1 diễn ra ngày 28/1, không ai trong số 9 ứng cử viên giành được hơn 50% số phiếu bầu của cử tri tham gia bỏ phiếu. Vì thế phải cần đến kết quả của vòng hai giữa hai ứng viên thu được nhiều phiếu nhất ở vòng 1 là Alexander Stubb (giành được 27,2% phiếu bầu) và Pekka Haavisto (25,8%).
Cuộc chạy đua cho chiếc ghế tổng thống thứ 13 của Phần Lan đã diễn ra hết sức căng thẳng và đầy kịch tính, nhất là ở vòng 2. Không chỉ người dân trong nước quan tâm, hồi hộp mà nhiều hãng truyền thông lớn của nước ngoài cũng theo dõi và đưa tin với số lượng lớn chưa từng thấy, hơn 70 người. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên sau khi Phần Lan gia nhập NATO và thế giới đang trải qua những cuộc xung đột có tác động rất lớn đến chính sách đối ngoại của nước này. Tổng thống Phần Lan không chỉ là người đứng đầu quốc gia trên danh nghĩa như một số nước mà còn là Tổng chỉ huy quân đội và cùng với Thủ tướng chịu trách nhiệm về đối ngoại.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Haavisto cao hơn ông Stubb trước cuộc bầu cử. Nhưng càng đến gần ngày bầu cử sự ủng hộ đã thay đổi nghiêng về ông Stubb. Một trong những lý do dẫn đến sự thay đổi đó, theo nhiều nhà bình luận là nhiều người dân Phần Lan (nhất là nam giới) vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận người đứng đầu quốc gia của mình là một người đồng tính. Người bạn đời của ông Pekka Haavisto là ông Antonio Flores (sinh năm 1978), đến từ Ecuador.
Đây là lần thứ ba ông Pekka Haavisto tranh cử ghế tổng thống Phần Lan. Hai lần trước (2012 và 2018) ông là ứng cử viên của Đảng Xanh. Năm 2012, ông về nhì ở vòng 1 với 18,8% số phiếu và lọt vào vòng 2 với người về nhất Sauli Niinistö, song ở vòng 2 ông Niinistö đã giành chiến thắng. Còn năm 2018, Haavisto cũng về nhì với 12,4% số phiếu, song đương kim Tổng thống Sauli Niinistö giành đủ số phiếu cần thiết để tiếp tục nhiệm kỳ 2 (2018-2024).
Ông Alexander Stubb sẽ nhậm chức cho nhiệm kỳ 6 năm (2024-2030) thay cho Tổng thống đương nhiệm Sauli Niinistö kết thúc 2 nhiệm kỳ (2012-2024) rất thành công vào ngày 1/3 tới. Ông Alexander Stubb (55 tuổi) sẽ là tổng thống trẻ thứ tư trong số 13 vị nguyên thủ của Phần Lan từ trước đến nay, sau 3 nhà lãnh đạo trước đó: 42 tuổi (năm 1925), 51 tuổi (1940) và 54 tuổi (1919).
Tổng thống đắc cử Alexander Stubb (giữa) cùng vợ và các con ở Helsinki, Phần Lan ngày 11/2. (Nguồn: EPA) |
Ông Alexander Stubb sinh năm 1968, là người Phần Lan gốc Thụy Điển. Ông có bằng Tiến sĩ triết học, từng đảm nhiệm chức vụ như Thủ tướng Phần Lan, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Châu Âu và ngoại thương, Nghị sĩ Nghị viện Phần Lan và Nghị viện châu Âu. Từ năm 2020 ông là Giáo sư, Giám đốc Trường Quản lý xuyên quốc gia của Viện Đại học châu Âu. Ông nói thành thạo 5 thứ tiếng: Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Pháp và Đức (trong đó tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển là tiếng mẹ đẻ).
Với việc Alexander Stubb được lựa chọn làm Tổng thống, lần đầu tiên trong lịch sử 107 năm lập quốc, Phần Lan đã có một vị nguyên thủ mang “yếu tố” nước ngoài. Vợ ông A. Stubb, bà Suzanne Innes-Stubb (sinh năm 1970), một luật sư người Anh, hiện là giám đốc phụ trách Kone, hãng sản xuất thang máy nổi tiếng của Phần Lan. Bà Suzanne Innes-Stubb cũng nói được 5 thứ tiếng là Anh, Pháp, Đức, Phần Lan và Thụy Điển.