Cần cách tiếp cận mới
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm qua (4.9) thông báo rằng ông đã nộp đơn xin từ chức lên Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk. Quyết định được đưa ra sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky vào đêm trước đó bất ngờ cho biết đã đề cử nghị sĩ Rustem Umerov thay thế vị trí của ông Reznikov. Tổng thống Zelensky không nêu rõ lý do nhưng nói rằng Bộ Quốc phòng Ukraine cần “cách tiếp cận mới” với quân đội và xã hội, theo trang The Kyiv Independent.
Xem nhanh: Ngày 557 chiến dịch, Nga phải chia sức đối phó; Ukraine thay bộ trưởng quốc phòng
Bộ Quốc phòng Ukraine đã vướng phải một loạt lùm xùm trong vài tháng qua liên quan vấn đề tham nhũng. Nhưng theo truyền thông phương Tây, cá nhân ông Reznikov không liên lụy đến những vụ việc này. Theo tờ The New York Times, những cáo buộc đối với Bộ Quốc phòng Ukraine không liên quan nguồn tài trợ của phương Tây mà là những hợp đồng quân nhu, quân trang do Ukraine mua sắm từ tiền ngân sách nhà nước.
Là một người từng kinh qua nhiều vị trí trong chính phủ, ông Reznikov được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine vào tháng 11.2021. Từ khi xung đột bùng phát, vị bộ trưởng 57 tuổi trở thành đại diện nổi bật của Ukraine trên trường quốc tế, được khen ngợi vì giúp Ukraine nhận được nhiều vũ khí hiện đại do phương Tây viện trợ.
Ảnh hưởng gì đến chiến sự ?
Việc thay thế ông Reznikov được cho là ít có khả năng gây ảnh hưởng đáng kể trên chiến trường, bởi vai trò hạn chế của chức bộ trưởng quốc phòng tại Ukraine, đặc biệt là trong thời chiến. Theo tờ The Wall Street Journal, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Valery Zaluzhny mới là người giám sát chiến dịch trong khi chiến lược tổng thể được quyết định tại các cuộc họp thường xuyên của Stavka, tổng hành dinh do Tổng thống Zelensky đứng đầu và bao gồm những lãnh đạo quân sự và dân sự khác.
Ukraine nói đã vượt qua tuyến phòng thủ khó nhất, Nga có thể phải chia quân?
Vai trò của lãnh đạo Bộ Quốc phòng trong 18 tháng qua chủ yếu liên quan việc mua sắm và đó là một trong những lý do ông Reznikov dành phần lớn thời gian để dự các cuộc họp và hội nghị ở nước ngoài.
Thay thế ông Reznikov là nhân vật trẻ hơn nhưng cũng đóng góp nhiều vai trò từ khi chiến sự bắt đầu. Theo AFP, ông Umerov (41 tuổi) là người dân tộc Tatar Crimea, từng kinh doanh ngành viễn thông trước khi đắc cử vào quốc hội năm 2019. Ông Umerov trước chiến sự thuộc phe đối lập, nhưng sau đó trở thành đặc phái viên của tổng thống và được bổ nhiệm giữ chức vụ đứng đầu Quỹ Tài sản nhà nước vào tháng 9.2022. Ông Umerov tham gia phái đoàn Ukraine thực hiện nhiều cuộc đàm phán với Nga, trong đó có thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen.
Từ năm 2020, ông Umerov là thành viên của lực lượng chuyên trách vạch chiến lược giành lại bán đảo Crimea, nơi mà Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2014. Nếu được quốc hội phê chuẩn trong tuần này, ông sẽ trở thành người nắm giữ chức vụ cao nhất trong số nhiều quan chức người Tatar Crimea trong chính quyền Ukraine. Đó cũng được cho là một dấu hiệu chứng minh cam kết của Ukraine trong việc giành lại Crimea.
Ukraine có vũ khí mới: 100 xe tăng Leopard do Porsche thiết kế
Lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau ở Sochi
TASS dẫn một nguồn tin ở Ankara tiết lộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có kế hoạch thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về khả năng tồn tại của thỏa thuận ngũ cốc theo các điều khoản mới của LHQ. Theo nguồn tin, tại cuộc gặp mặt ở TP.Sochi (Nga) ngày 4.9, hai lãnh đạo dự kiến xem xét kỹ lưỡng các đề xuất mới do LHQ soạn thảo với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 3.9, tờ Sabah đưa tin gói đề xuất mới của LHQ bao gồm khả năng đàm phán nhằm dỡ bỏ các hạn chế đối với các nhà sản xuất thực phẩm của Nga, những người có tài sản bị đóng băng ở châu Âu. Ngoài ra, LHQ đề nghị thực hiện các biện pháp để đánh giá thiệt hại của đường ống dẫn amoniac từ Nga sang Ukraine. Việc tái kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cũng là một trong những đề xuất mới nhất.
Khánh Như
Nga tấn công dồn dập Odessa
Tỉnh trưởng Oleh Kiper của tỉnh Odessa miền nam Ukraine hôm qua cho biết Nga đã thực hiện cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào cơ sở hạ tầng tại cảng Izmail lúc đầu ngày, theo Reuters. Vị quan chức nói rằng khoảng 17 UAV bị phá hủy nhưng một số rơi xuống gây thiệt hại nhiều nhà kho, cơ sở sản xuất, máy móc và thiết bị nông nghiệp.
Phát ngôn viên Oleg Nikolenko của Bộ Ngoại giao Ukraine nói một số UAV rơi xuống lãnh thổ Romania và phát nổ nhưng Bộ Quốc phòng Romania ngay lập tức bác bỏ tuyên bố trên. Romania là một thành viên NATO và một cuộc tấn công vào nước này sẽ kích hoạt cơ chế phòng vệ tập thể của khối.
Cảng Izmail nằm bên bờ sông Danube, là nơi xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt của Ukraine từ khi thỏa thuận biển Đen sụp đổ. Phía Nga chưa bình luận gì về vụ việc nhưng hôm 3.9 cho biết đã thực hiện cuộc tấn công UAV vào cảng Reni cũng nằm trên sông Danube, phá hủy kho nhiên liệu của quân đội Ukraine.