Về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Cùng với việc Lai Châu đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 10% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 5%, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 5%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 50%. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 20%, tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2% và hướng đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP của tỉnh.
Đối với phát triển xã hội số đến năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 50%, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 50%, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%, tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng thông rộng cáp quang đạt 50%, tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 70%, tỷ lệ dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 50%, tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 30%, tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 70%, tỷ lệ các cơ sở đào tạo cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 100%, tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 60%.
Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân. Đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng thông rộng đến tất cả các tổ dân phố, khu vực dân sinh; tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet, đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng, phủ sóng chất lượng ở các vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng. Triển khai Nền tảng địa chỉ số, bản đồ số tạo hạ tầng mềm cho phát triển kinh tế số và xã hội số, đảm bảo yêu cầu an toàn thông tin mạng mặc định ngay từ khâu thiết kế, xây dựng khi phát triển các hạ tầng số, nền tảng số; cung cấp dịch vụ số được bảo đảm sẵn về an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản, phát triển nền tảng và tổ chức triển khai dịch vụ an toàn thông tin mạng chuyên nghiệp giúp tổ chức, doanh nghiệp thực hiện mô hình bảo vệ 04 lớp.
Thúc đẩy phát triển công dân số rộng khắp, mỗi người dân tuổi thành niên đều có danh tính số, tài khoản số, phương tiện số và được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số. Đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ, phổ cập kết nối số cho người dân. Khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị IoT để quan trắc, giám sát phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân truy cập Internet, đăng ký tài khoản và sử dụng các dịch vụ số mà trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet. Hướng dẫn người dân về các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để có thể tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của mình trên không gian số. Triển khai nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân, tạo kênh độc lập thu thập, tổng hợp ý kiến phản ánh, đánh giá của người dân liên quan đến mọi vấn đề đời sống kinh tế, xã hội.
Triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát và logistic chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ các cơ sở, cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Triển khai Nền tảng quản trị tổng thể, Nền tảng kế toán dịch vụ, Nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, Nền tảng thương mại số nông nghiệp, Nền tảng trí tuệ nhân tạo, Nền tảng trợ lý ảo, Nền tảng thiết bị IoT. Hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử với hạ tầng của các cơ quan Thuế, Kho bạc, Hải quan.
Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế số nông nghiệp; triển khai các nền tảng số phục vụ nhu cầu của người nông dân; triển khai các dịch vụ bảo hiểm mùa vụ, phòng ngừa rủi ro cho nông dân. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý, giám sát minh bạch thông tin, kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Hệ thống phát hiện sớm các điểm cháy rừng; Hệ thống cảnh báo cháy rừng; Trạm quan trắc giám sát, bảo vệ rừng; Hệ thống phân vùng trọng điểm cháy rừng; Thiết lập hệ thống quản lý dữ liệu về chăn nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thủy sản từ địa phương khác nhập vào tỉnh, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác.
Đẩy mạnh triển khai triệt để việc thu viện phí, các khoản thu dịch vụ khám chữa bệnh và chi trả tiền lương, tiền công cho y bác sỹ, người lao động tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bằng phương thức không dùng tiền mặt (triển khai sử dụng tài khoản ngân hàng, sử dụng dịch vụ thu hộ của các ngân hàng thương mại, các nhà mạng điện thoại di động,…) nhằm minh bạch hóa việc thu chi, quản lý tài chính tại các cơ sở y tế, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.
Tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử có uy tín, có thị phần lớn như: Voso.vn, Postmart.vn, Tiki.vn, Lazada.vn, Shope.vn, Chotot.com…; các nền tảng thương mại điện tử; xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới để quảng bá, giới thiệu và xuất khẩu sản phẩm hàng hóa trên môi trường mạng. Ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP, các sản phẩm nông nghiệp nông thôn và các sản phẩm du lịch tiêu biểu của tỉnh. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; triển khai nền tảng mô hình hóa đa chiều, ứng dụng công nghệ số để tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
Thanh Tú