Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỉ đồng trong năm 2024.
Đổi mới mạnh mẽ xúc tiến, quảng bá
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức hôm 3-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong năm 2024, nhiệm vụ quan trọng là đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch. Đồng thời phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong du lịch.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến phát triển du lịch theo hướng “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Giao Bộ VH-TT-DL chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như thuế, đất đai, tự chủ, cơ chế phối hợp… Đẩy mạnh liên kết với phương châm “một cung đường, nhiều điểm đến”, xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế…
Để đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết trong năm 2024, ngành sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng. Theo đó, Bộ VH-TT-DL sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Bộ cũng sẽ chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch; chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện phục vụ khách du lịch, trước hết là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Một nội dung quan trọng nữa là Bộ VH-TT-DL sẽ xây dựng tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam. Đồng thời xây dựng đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm, kế hoạch triển khai các chiến dịch marketing du lịch theo chủ đề.
Chuyển hướng sang du lịch xanh
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam cần chuyển hướng du lịch sang du lịch xanh để phát triển bền vững, trong đó cốt lõi là bảo vệ môi trường và chuyển các dịch vụ du lịch sang dịch vụ du lịch xanh, lưu ý vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững, bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, cho rằng phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững đang là xu thế, vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức của du lịch Việt Nam.
Theo ông Tuyên, cần đặc biệt tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm, tương tác du khách với cộng đồng địa phương. Du lịch xanh không chỉ là đến những điểm du lịch gắn liền với thiên nhiên, vận động du khách bảo vệ môi trường, hạn chế tác động đến nét đẹp nguyên bản của thiên nhiên mà còn là những giá trị, bản sắc cộng đồng cần được gìn giữ, tôn tạo và phát triển. Đây là biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng nghèo đói, tạo việc làm tại địa phương và đa dạng hóa kinh tế.
Tạo điều kiện cho khách quốc tế gia hạn lưu trú
Để phục hồi và phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc cấp visa dài hạn hơn (từ 1-3 tháng) cho khách du lịch quốc tế hoặc tạo điều kiện cho khách quốc tế gia hạn thời gian lưu trú tại Việt Nam. Mở rộng danh sách quốc gia được miễn thị thực, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch, y tế và vệ sinh… Dựa trên đặc điểm sản phẩm du lịch vùng, Bộ VH-TT-DL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cần nắm giữ vai trò điều phối để xây dựng các sản phẩm quảng bá chung theo vùng, có tính riêng biệt, độc đáo hoặc là sản phẩm quảng bá chuyên đề để dùng chung khi đi quảng bá xúc tiến các nước.