Bám sát chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), cùng với sứ mệnh là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, ngành GD&ĐT Thanh Hóa nói chung, mỗi đơn vị trường nói riêng cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược nhằm nâng cao toàn diện chất lượng GD&ĐT tỉnh nhà.
Cô, trò Trường Tiểu học Xuân Phú (Thọ Xuân) trong một hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ảnh: Phong sắc
Nhận diện thách thức
Những kết quả đạt được cả về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, đã và đang khẳng định “thương hiệu” giáo dục xứ Thanh trong hệ thống giáo dục cả nước, xứng danh với truyền thống “Đất Thanh – Đất học”. Tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, chất lượng giáo dục Thanh Hóa những năm gần đây vẫn chưa thật sự bứt phá; vẫn còn sự chênh lệch về chất lượng giữa các vùng, miền trong tỉnh, nhất là khu vực miền núi cao, vùng còn nhiều khó khăn. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có sự chuyển biến vượt bậc; song nếu so sánh với một số địa phương có điều kiện tương đồng như Hà Tĩnh, Phú Thọ… có thể thấy các tỉnh này đều có điểm trung bình các môn kỳ thi tốt nghiệp THPT cao hơn nhiều so với Thanh Hóa. Hay như tỉnh Ninh Bình giáp Thanh Hóa cũng luôn giữ vị trí thứ 3, thứ 4 toàn quốc về chỉ số này…
Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, tuy đạt được những kết quả đáng tự hào, song tính ổn định chưa cao. Thêm một khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đó là tình trạng thiếu giáo viên (GV) và thiếu đồng bộ về cơ cấu GV bộ môn. Sau rất nhiều năm được nhận diện, ngành giáo dục các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục, nhưng đến nay việc thiếu GV vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Bên cạnh thiếu GV, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng đang là mối quan tâm của các nhà trường và toàn ngành giáo dục. Mỗi năm toàn tỉnh có hàng trăm công trình, hạng mục phục vụ dạy và học được chính quyền, ngành giáo dục quan tâm xây dựng, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và theo quy định của Bộ GD&ĐT về cơ sở vật chất. Chẳng hạn như tỷ lệ phòng học tạm, phòng học mượn còn cao; số trường phổ thông được đầu tư xây dựng phòng học bộ môn chưa nhiều…
Riêng đối với khối trường THPT số trường cần được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất còn nhiều. Đối với phòng học còn 33 trường, đối với phòng học bộ môn còn 34 trường; đối với nhà hiệu bộ còn 22 trường; đối với nhà đa năng còn 21 trường. Đặc biệt, trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ thực hiện Chương trình GDPT 2018 đang từng bước được đầu tư theo lộ trình, tuy nhiên, số lượng thiết bị trang cấp cho các nhà trường còn hạn chế so với danh mục theo quy định của Bộ GD&ĐT. Việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học để thực hiện theo lộ trình Chương trình GDPT 2018 vẫn còn chậm. Việc xây dựng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh còn lúng túng, chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, trong khi đó mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 20% trở lên trường học áp dụng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh…
Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho những hạn chế, khó khăn nêu trên. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức, nguyên nhân cơ bản vẫn là do công tác quản lý Nhà nước về giáo dục còn nhiều bất cập. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu; trong khi công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo chuyên môn dạy và học có nơi chưa quan tâm đúng mức. Một bộ phận GV chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Việc bố trí, sắp xếp GV, phân công công tác đối với GV ở một số địa phương chưa hợp lý. Ngoài ra, sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội chưa đồng bộ, một số địa phương, phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập và bảo đảm các điều kiện học tập cho con em mình…
Từ những khó khăn, thách thức cũng như nguyên nhân đã được nhận diện, tại một số hội nghị quan trọng của tỉnh, của ngành GD&ĐT, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu ngành GD&ĐT cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng bằng tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật, để đưa ra những giải pháp, chiến lược cho sự phát triển.
Kiên trì mục tiêu đổi mới
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở GD&ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.
Bám sát định hướng, chiến lược phát triển sự nghiệp GD&ĐT của Đảng, bằng tình yêu nghề, khát khao cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của các thầy, cô giáo và tinh thần hiếu học của các em học sinh, toàn ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã, đang thể hiện quyết tâm kiên trì mục tiêu đổi mới gắn với sứ mạng của ngành đó là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước. Để mục tiêu được hiện thực hóa, ngành đã đề ra nhiều giải pháp mang tính chiến lược, đồng thời tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt nhằm nâng cao toàn diện chất lượng GD&ĐT. Trong đó, giải pháp trọng tâm được ngành chú trọng triển khai thực hiện đó là tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục; tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất. Ở nhiệm vụ này ngành xác định tiếp tục tổ chức triển khai Đề án sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 bảo đảm theo đúng kế hoạch đề ra; tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, bảm đảm theo quy định về việc trang cấp thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018; tham mưu xây dựng các đề án, chương trình tăng cường củng cố cơ sở vật chất trường, lớp học.
Cùng với nhiệm vụ trên ngành tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, GV đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đội ngũ nhà giáo không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá chất lượng học sinh; đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục theo yêu cầu đổi mới; xây dựng hệ thống các trường tiểu học, THCS chất lượng cao đối với các huyện, thị xã, thành phố; quan tâm huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển toàn diện và bền vững giáo dục.
Đối với việc giữ vững chất lượng giáo dục mũi nhọn, ngành xác định tiếp tục quan tâm xây dựng kế hoạch tuyển dụng GV chất lượng cao đảm nhận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại các trường THCS chất lượng cao, các trường THPT; thực thi các cơ chế và định hướng cho các học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi tại các trường đại học sư phạm về giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Cùng với đó, tập trung đổi mới việc tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi. Đặc biệt đối với bậc THPT, để tạo nguồn học sinh giỏi, đồng thời duy trì và giữ vững “thương hiệu” trên “bảng vàng” thành tích chung của sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà, bên cạnh việc không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học, công tác phát hiện, “ươm mầm” học sinh tiêu biểu, xuất sắc để bồi dưỡng, phát huy tài năng của các em cũng được ngành đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, ngành sẽ chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy và học theo hướng thực chất và công tác thi, nhất là đối với các kỳ thi học sinh giỏi, thi vào THPT, Trường THPT Chuyên Lam Sơn và thi tốt nghiệp THPT… Đồng thời xây dựng, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách cho đội ngũ GV trực tiếp bồi dưỡng học sinh giỏi.
Bên cạnh các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, một trong số những nhiệm vụ được UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, các địa phương, các nhà trường quan tâm thực hiện đó là động viên, khen thưởng kịp thời đối với GV, học sinh đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế, học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi THPT quốc gia và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập. Sự động viên, khen thưởng kịp thời chính là động lực to lớn giúp các thầy, cô giáo, các em học sinh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong giảng dạy, học tập đạt nhiều thành tích cao hơn nữa trong dạy và học để cùng với toàn ngành hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, xứng đáng với truyền thống “Đất Thanh – Đất học” cũng như sự kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Phong Sắc