Dù đến nay, “đòn trừng phạt liên hoàn” từ Mỹ và phương Tây không thể khuất phục Nga, cũng không thể kết thúc xung đột ở Ukraine, nhưng ít nhất đã góp phần lớn hạn chế năng lực của Moscow về kinh tế, về thay thế các thiết bị quân sự bị phá hủy và tài trợ cho chiến dịch quân sự.
Lệnh trừng phạt chống Nga: Chiến dịch phản công ồ ạt từ phương Tây, ‘trúng đòn hiểm’, Moscow cũng khó đỡ. (Nguồn: economicsobservatory) |
Những “vết thương” kinh tế
Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác đã đưa ra nhiều vòng trừng phạt sâu rộng, vòng nọ chồng lên vòng kia. Các biện pháp trừng phạt đã phát tác, cản trở nhiều ngành sản xuất, dẫn đến thâm hụt ngân sách của Nga ngày càng lớn.
Trên thực tế, loạt đòn trừng phạt quốc tế dù được đánh giá là khắc nghiệt chưa từng có nhưng rõ ràng không đủ để khuất phục Nga, ngăn chặn Tổng thống Putin triển khai các kế hoạch quân sự. Nhưng không thể nói rằng, loạt lệnh trừng phạt chồng trừng phạt lên nền kinh tế Nga là vô tác dụng.
Sự thật thì các biện pháp đó đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế và cả nguồn tài trợ để Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (bắt đầu từ tháng 2/2022). Việc hạn chế xuất khẩu sang Nga đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh – và trong một số trường hợp, là sự sụp đổ – sản xuất trong nhiều lĩnh vực công nghiệp.
Giá trần đối với dầu vận chuyển bằng đường biển nhập khẩu từ Nga khi lệnh trừng phạt được đưa ra lần đầu tiên vào tháng 12/2022 – đã có tác động tiêu cực lớn đến nguồn thu thuế liên bang của quốc gia. Điều này rất quan trọng, vì có tới 40% doanh thu thuế liên bang của Nga đến từ lĩnh vực năng lượng trước xung đột.
Vì vậy, chiến dịch phản công kinh tế từ phương Tây dường như đang phát huy tác dụng đối với kinh tế Nga – nhưng ở mức độ nào?
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã phát lệnh ngăn chặn nhiều loại hàng hóa xuất khẩu sang Nga, chẳng hạn, hàng và linh kiện công nghệ cao… có khả năng khiến kinh tế Nga bị tổn thương. Trong 30 năm qua, nhiều bộ phận của nền kinh tế Nga đã hội nhập chặt chẽ với phần còn lại của thế giới. Ngành sản xuất của nước này phụ thuộc lớn vào “dòng chảy ổn định” các bộ phận và linh kiện từ nước ngoài.
Cuộc xung đột đã làm thay đổi tất cả. Nhiều bộ phận quan trọng hiện đang bị cấm xuất khẩu, các biện pháp trừng phạt tài chính khiến thương mại trở nên khó khăn hơn hoặc không thể thực hiện được, và không ít công ty nước ngoài đã hoàn toàn rời bỏ thị trường Nga.
Tất cả những diễn biến trên có thể được nhìn thấy rõ ràng trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Hầu như tất cả các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đã hoạt động tại Nga trước xung đột Nga-Ukraine, phục vụ chủ yếu cho thị trường nội địa Nga rộng lớn.
Nhưng vào mùa Xuân năm 2022, sản lượng ô tô giảm gần 90% so với mức trước xung đột và đến nay nó mới chỉ phục hồi một phần. Trong quý đầu tiên của năm 2023, sản lượng ô tô chỉ còn dưới 25% so với mức trước xung đột Nga-Ukraine. Tất cả các thương hiệu ô tô phương Tây đã rời khỏi thị trường, trong số 14 thương hiệu ô tô còn lại ở Nga, 3 thương hiệu của Nga và 11 thương hiệu của Trung Quốc.
Ngành sản xuất ô tô không phải là ngành duy nhất “trúng đạn” trừng phạt từ phương Tây. Tình hình tương tự cũng xảy ra trong ngành điện tử và máy móc. Chẳng hạn, Nga sản xuất ít toa xe lửa, ti vi, thang máy và cáp quang hơn trước rất nhiều, đồng thời, nhập khẩu xe Trung Quốc tăng vọt.
Tuy nhiên, sản lượng sản xuất tổng thể không giảm nhiều. Hai tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất chỉ giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều lĩnh vực có sản phẩm được sử dụng trong xung đột quân sự – như luyện kim, dệt may và hàng y tế – đã có sự gia tăng lớn về sản lượng.
Kinh tế Nga vẫn khá tự tin bởi sở hữu nguồn lực dồi dào và khả năng duy trì sản xuất hàng hóa chế tạo tương đối đơn giản, ngay cả khi phải đối mặt với những hạn chế thương mại khắc nghiệt nhất.
Lợi hại như “đòn giá dầu”
Vậy giới hạn giá dầu đã ảnh hưởng đến tài chính nhà nước Nga như thế nào?
Từ sau cuộc xung đột, giá năng lượng toàn cầu tăng vọt. Nhiều khách hàng châu Âu chủ động giảm mua dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Và vào mùa Hè năm 2022, dòng khí đốt tự nhiên từ Nga đến các nước EU đã ngừng lại do các công ty năng lượng châu Âu từ chối thanh toán tiền khí đốt của họ bằng đồng Ruble.
Những đòn liên hoàn này đã làm giảm đáng kể doanh thu xuất khẩu và thuế của Nga. Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều là quyết định của Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nhằm hạn chế giá dầu nhập khẩu bằng đường biển từ Nga ở mức 60 USD/thùng. Quyết định này có hiệu lực vào ngày 5/12/2022. Đồng thời, các nước EU áp đặt thêm lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển.
Một lệnh cấm tương tự đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga được áp dụng vào ngày 5/2/2023, mặc dù đóng góp của dầu thô vào ngân sách Nga luôn lớn hơn nhiều so với các sản phẩm dầu mỏ.
Năm 2022, thâm hụt ngân sách liên bang của nước này lên tới 2,3% GDP. Thâm hụt gia tăng đặc biệt vào cuối năm, khi chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn cho cuộc xung đột ở Ukraine. Ngoài ra, giá dầu thấp hơn và hoạt động kinh tế nói chung yếu hơn dẫn đến doanh thu thuế giảm mạnh.
Trong khi đó, chi tiêu chính phủ tiếp tục tăng rất nhanh, đặc biệt là vào tháng 1 và 2/2023. Trong quý đầu tiên của năm 2023, chi tiêu danh nghĩa của chính phủ liên bang đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt khác, trần giá dầu của G7 và lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU đã có tác động đáng kể đến doanh thu thuế của Nga. Nhìn chung, doanh thu thuế danh nghĩa đã giảm 15% trong quý đầu tiên.
Doanh thu từ lĩnh vực năng lượng bị ảnh hưởng nặng nề – giảm 43% so với quý đầu tiên của năm 2022. Thâm hụt ngân sách liên bang Nga lên tới 2.400 tỷ Ruble trong quý đầu tiên của năm 2023 – tương đương hơn một nửa thâm hụt ngân sách trong cả một năm.
Theo lý thuyết, trong các mô hình chi tiêu theo mùa, thâm hụt nhà nước thường lớn nhất vào quý cuối cùng của năm. Nga hiện đã hoàn chỉnh công thức xác định số tiền thuế mà các công ty dầu mỏ phải trả để tăng thuế năng lượng kể từ thời điểm này. Ngoài ra, nhiều công ty nhà nước đã phải chia cổ tức vượt quá lợi nhuận…
Đó là những vấn đề kinh tế Nga đang gặp phải, vì thế có thể nói, xung đột, kéo theo các lệnh trừng phạt đã có tác động khá tiêu cực đến tài chính nhà nước Nga.
Nếu không có những thay đổi đáng kể trong kế hoạch chi tiêu, thâm hụt ngân sách chính phủ liên bang Nga có thể dễ dàng lên tới 4-5% GDP trong năm nay.
Tuy nhiên, đây không phải là một thảm họa đối với chính phủ của Tổng thống Putin, Moscow có đủ nguồn lực để lấp đầy những khoảng trống đó. Nhưng xung đột quân sự và lệnh trừng phạt càng kéo dài, tình hình tài chính sẽ càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi 1/3 số tiền ngân sách phải được phân bổ cho quân đội và an ninh nội bộ.
Về lý thuyết, hiệu ứng này sẽ tích lũy theo thời gian. Cuộc giao tranh có vẻ sẽ còn tiếp diễn trong nhiều tháng tới, nhưng càng ngày, sự kìm kẹp của các biện pháp trừng phạt kinh tế càng cho thấy, đây dường như mới là “chiến dịch phản công chính” trong các chính sách của phương Tây đối với Nga.