Chiến dịch phản công của Ukraine đã bắt đầu sau quãng thời gian dài chuẩn bị. Có gì quanh sự kiện đặc biệt này?
Hơn một tuần qua, Ukraine triển khai chiến dịch phản công nhằm giành lại các vùng hiện do Nga kiểm soát. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Thận trọng là cần thiết
Thực tế cho thấy, ngay từ ngày 4/6, Moscow đã thông báo về “một chiến dịch tấn công quy mô lớn” của các lực lượng của Kiev tại Donetsk, miền Đông Nam Ukraine và nỗ lực đáp trả. Đụng độ nổ ra tại Bakhmut và Vuhledar nằm trong khu vực trên. Tuy nhiên, Zaporizhzhia là nơi diễn ra đối đầu ác liệt hơn cả.
Phát biểu trong buổi họp báo với Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 11/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ “úp mở” về chiến dịch phản công được nước này và phương Tây mong đợi từ lâu: “Chúng tôi đang triển khai phản công và phòng thủ ở Ukraine. Tuy nhiên, tôi sẽ không tiết lộ chúng đang ở giai đoạn nào”. Trên Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov viết: “Đôi khi, từ ngữ là không cần thiết/ Chúng chỉ gây hại mà thôi”, ám chỉ rằng ông không nêu chi tiết về chiến dịch phản công này.
Theo giới chuyên gia, việc chính quyền Ukraine không công bố thời điểm hay kế hoạch phản công là có thể hiểu được. Việc giữ kín thông tin về thời gian và kế hoạch tác chiến là cần thiết để tạo yếu tố bất ngờ trên thực địa. Giới chức Ukraine cũng đã nhiều lần lo ngại rằng kết quả chiến dịch phản công này sẽ không đáp ứng mong muốn của Mỹ và đồng minh, từ đó khiến viện trợ quân sự sẽ ngày một giảm dần. Khi đó, việc Kiev hạ thấp kỳ vọng của phương Tây, tìm kiếm các bước tiến “chậm mà chắc” là cần thiết.
Nóng đến từng phút
Dù các quan chức Ukraine không thừa nhận, song trên thực tế, chiến dịch phản công của nước này đã diễn ra, với giao tranh tại Bakhmut, Vuhledar hay Zaporizhzhia “nóng” hơn hẳn kể từ cuối tuần qua.
Ngày 12/6, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết VSU giành quyền kiểm soát bảy ngôi làng ở khu vực Đông Nam. Ông Vladimir Rogov, quan chức thân Nga tại Đông Zaporizhzhia xác nhận, Thiếu tướng Sergei Goryachev, Tham mưu trưởng Quân đoàn 35 của Nga, thiệt mạng sau đợt tấn công của Ukraine.
Tuy nhiên, Ukraine được cho là cũng hứng chịu thiệt hại nặng nề. Ngày 13/6, Bộ Quốc phòng Nga đã tung đoạn video cho thấy hai xe tăng Leopard 2A6 do Đức sản xuất và hai chiếc xe bộ binh chiến đấu Bradley của Mỹ đã bị Các lực lượng vũ trang Nga (VS RF) bắt giữ. CNN (Mỹ) ghi nhận VSU mất ít nhất 16 xe chiến đấu bộ binh Bradley, trong khi báo Helsingin Sanomat (Phần Lan) dẫn lời chuyên gia cho biết Ukraine mất 3/6 xe tăng Leopard do Helsinki viện trợ.
Mới đây nhất, ngày 13/6, chính quyền Kiev cho biết, một cuộc tấn công nhắm vào thành phố Kryvyi Rih, quê hương của ông Volodymyr Zelensky tại tỉnh Dnipropetrovsk ở miền Trung Ukraine đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng.
Then chốt cho cả hai
Sự thận trọng từ Ukraine, nỗ lực phòng thủ của Nga cùng diễn biến giao tranh ngày một quyết liệt trong những ngày qua ít nhiều phản ánh tầm quan trọng đặc biệt của chiến dịch phản công này, dù là đối với Kiev hay Moscow.
Mục tiêu xuyên suốt của Ukraine thời gian qua không thay đổi, đó là, chấm dứt hiện diện của Nga tại các vùng lãnh thổ Ukraine theo đường biên giới năm 2014, bao gồm Donetsk, Lugansk, một phần Kherson và Crimea.
Chỉ một chiến dịch phản công này là không đủ. Tuy nhiên, nó nhấn mạnh cam kết của Kiev với người dân về giành lại các vùng lãnh thổ hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát của Moscow. Một chiến dịch hiệu quả góp phần khẳng định năng lực tác chiến của Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) trước sức mạnh của VS RF.
Đặc biệt, như Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đề cập trong trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/6 tại Washington D.C, VSU càng tiến xa thì Ukraine “càng có nhiều quyền lực hơn trên bàn đàm phán”.
Tuy nhiên, “khán giả” không kém phần quan trọng đối với Ukraine là phương Tây. Mỹ và các đồng minh cung cấp các gói viện trợ quân sự chưa từng có tiền lệ cho Ukraine, với giá trị lên đến hàng chục tỷ USD từ đạn dược, hệ thống phòng không Patriot, tên lửa đạn đạo Storm Shadow, xe bọc thép chiến đấu Bradley, xe tăng Leopard 2A6, máy bay chiến đấu MiG-29 và sắp tới là cả F-16.
Mặc dù vậy, nguồn viện trợ này không phải là vô hạn. Trên thực tế, việc Mỹ và các đồng minh dành nhiều nguồn lực cho ngành công nghiệp quốc phòng đã tác động không nhỏ đến sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và nhiều hệ quả từ chính xung đột Nga – Ukraine. Những ý kiến hoài nghi mới xuất hiện và vẫn chỉ là thiểu số, song chúng có thể lớn dần lên nếu Ukraine không đạt những kết quả rõ ràng trong chiến dịch phản công này.
Tuy nhiên, ở phía bên kia, chiến dịch phản công của Ukraine có ý nghĩa không kém phần quan trọng với Nga. Hiện tại, nhiệm vụ của VS RF không còn là tấn công, mà là củng cố vị trí, cản bước tiến VSU tại các địa điểm trọng yếu như tại Bakhmut, Zaporizhzhia hay bảo đảm an ninh tại Crimea. Như Tổng thống Vladimir Putin nhận định hồi tháng Tư, mục tiêu giờ đây là đẩy lùi quân đội Ukraine ra xa các vùng Nga tuyên bố sáp nhập năm ngoái “càng xa càng tốt”.
Do đó, nếu VS RF có thể bảo đảm quyền kiểm soát với các khu vực này, đây có thể được coi là thành công đối với Nga. Từ đó, Moscow có thể chiếm ưu thế hơn trước Kiev nếu như hòa đàm sớm diễn ra thời gian tới. Đồng thời, một chiến dịch phản công thất bại sẽ là cơ sở để Moscow khẳng định xứ bạch dương đã đứng vững trước áp lực của phương Tây, tạo điều kiện cho ông Vladimir Putin củng cố uy tín trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Chính vì lẽ đó, chiến dịch phản công nêu trên đóng vai trò quan trọng, thậm chí là then chốt đối với diễn biến và kết quả xung đột Nga-Ukraine thời gian tới.