Kirti Panwar, người phát ngôn của chính quyền bang Uttarakhand, cho biết bệ của máy khoan đã mất ổn định khi xuyên qua đống đổ nát và các kỹ thuật viên cần phải sửa chữa nó trước khi hoạt động cứu hộ có thể tiếp tục.
Các quan chức trước đó hy vọng sẽ sẵn sàng bắt đầu đưa công nhân ra ngoài vào hôm qua, nhưng tình hình đã bị trì hoãn đến chiều nay.
“Vì những công nhân bị mắc kẹt ở phía bên kia đống đổ nát đều an toàn và khỏe mạnh nên chúng ta không cần phải vội, vì nếu chúng ta vội vàng trong tình huống như thế này, chúng ta có thể tạo ra những vấn đề mà chúng ta không thể tưởng tượng được”, hãng thông tấn Press Trust of India dẫn lời Arnold Dix, một chuyên gia quốc tế, cho biết.
Quá trình khoan cũng bị gián đoạn vào tối 22/11 khi máy khoan va phải một dầm kim loại, gây ra một số hư hỏng cho lưỡi khoan. Các quan chức cho biết điều đó đã gây ra sự chậm trễ kéo dài sáu giờ khi lực lượng cứu hộ phải cắt vật thể kim loại và dọn sạch chướng ngại vật.
Atul Karwal, người đứng đầu Lực lượng Ứng phó Thảm họa Quốc gia do nhà nước điều hành, cho biết máy khoan bắt đầu hoạt động lại vào ngày 23/11 trước khi lại gặp phải sự cố nói trên.
Các công nhân đã bị mắc kẹt kể từ ngày 12/11, khi một vụ lở đất khiến một phần đường hầm dài 4,5 km đang xây dựng bị sập cách lối vào khoảng 200 mét. Tính đến tối 23/11, họ đã hoàn thành khoan gần 46 mét và cần phải đào thêm tới 12 mét nữa để tạo ra lối thoát cho các công nhân.
Các đội cứu hộ có kế hoạch chèn và hàn các đường ống lại với nhau để giúp những công nhân bị mắc kẹt có thể bò ra ngoài. Panwar cho biết tính đến nay khoảng 46 mét đường ống đã được lắp đặt.
Ông nói, các thành viên của Lực lượng Ứng phó Thảm họa Quốc gia “sau đó sẽ bò vào bên trong và đưa từng công nhân ra ngoài, rất có thể là trên cáng có gắn bánh xe”.
Hoàng Nam (theo AP)