THÁNG 12.1953, BỘ CHÍNH TRỊ VÀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH THÔNG QUA KẾ HOẠCH MỞ CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ. KHẮC PHỤC MỌI KHÓ KHĂN THỬ THÁCH, MỘT KHÔNG KHÍ SỤC SÔI, KHẨN TRƯƠNG CỦA QUÂN VÀ DÂN CẢ NƯỚC CHUẨN BỊ CHO CHIẾN DỊCH NÀY.
Trước cuộc chiến sống còn, QĐNDVN (Quân đội nhân dân Việt Nam) tuy có quân số đông hơn đối phương nhưng chưa có kinh nghiệm đánh công kiên lớn trên cấp tiểu đoàn. Theo lý thuyết quân sự “Ba công một thủ”, bên tấn công phải mạnh hơn bên phòng thủ ít nhất là 3 lần cả về quân số lẫn hỏa lực thì mới là cân bằng lực lượng. Về quân số, QĐNDVN chỉ vừa đạt tỉ lệ này, nhưng về hỏa lực và trang bị thì ta lại kém hơn hẳn so với Pháp. Với lượng phương tiện kỹ thuật và trang bị hiện đại và dày đặc liên quân Pháp hoàn toàn chiếm ưu thế hơn hẳn so với QĐNDVN. Trong thế tấn công, để có thể xung phong tiếp cận căn cứ địch, bộ đội Việt Nam sẽ phải chạy khoảng 200m giữa địa hình trống trải dày đặc dây kẽm gai và bãi mìn, phải hứng chịu đủ loại hỏa lực của Pháp mà không hề có xe thiết giáp và chướng ngại vật che chắn.
Đặc biệt, khó khăn lớn nhất của QĐNDVN là khâu tiếp tế hậu cần. Phía Pháp cho rằng QĐNDVN không thể đưa pháo lớn (cỡ 105mm trở lên) vào Điện Biên Phủ, các khó khăn hậu cần của QĐNDVN là không thể khắc phục nổi nhất là khi mùa mưa đến. Navarre lý luận rằng Điện Biên Phủ ở xa hậu cứ Việt Minh 300–400 km, qua rừng rậm, núi cao, QĐNDVN không thể tiếp tế nổi lương thực, đạn dược cho 4 đại đoàn được, giỏi lắm chỉ một tuần lễ là QĐNDVN sẽ phải rút lui vì cạn tiếp tế. Trái lại quân Pháp sẽ được tiếp tế bằng máy bay, trừ khi sân bay bị phá hủy do đại bác của QĐNDVN. Navarre cho rằng trường hợp này khó có thể xảy ra vì sân bay ở quá tầm trọng pháo 105 ly của QĐNDVN, và dù QĐNDVN mang được pháo tới gần thì tức khắc sẽ bị máy bay và trọng pháo Pháp hủy diệt ngay.
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng với Tổng cục Cung cấp đã tính toán rằng: Bước đầu, ta phải huy động cho chiến dịch ít nhất 4.200 tấn gạo (chưa kể gạo cho dân công), 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối và 12 tấn đường. Tất cả đều phải vận chuyển qua chặng đường dài 500 km phần lớn là đèo dốc hiểm trở, máy bay Pháp thường xuyên đánh phá. Theo kinh nghiệm vận tải đã tổng kết ở chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), nếu dùng dân công gánh gạo bằng đòn gánh thì để có 1 kg gạo đến đích phải có 24 kg ăn dọc đường. Vậy nếu cũng vận chuyển hoàn toàn bằng dân công gánh bộ, muốn có số gạo trên phải huy động từ hậu phương hơn 100.000 tấn gạo, và phải huy động hơn 2 triệu dân công để gánh. Cả hai con số này đều cao gấp nhiều lần so với nguồn lực có thể huy động được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã đề ra những giải pháp quyết đoán và đầy sáng tạo. Một mặt, Hồ chủ tịch động viên nhân dân và các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc ra sức tiết kiệm lương thực để đóng góp ngay tại chỗ. Mặt khác, Hồ chủ tịch lại động viên dân công phối hợp với công binh ra sức đẩy mạnh việc làm đường, sửa đường, huy động tối đa các phương tiện vận chuyển như: xe ngựa, xe đạp thồ, thuyền bè… nhằm giảm đến mức tối đa lượng lương thực, thực phẩm bị tiêu thụ dọc đường vận chuyển do phải đưa từ xa tới.
Số dân công chỉ tính từ trung tuyến trở lên, đã cần tới 14.500 người. Về chuẩn bị đường sá, các con đường thuộc tuyến chiến dịch đều phải bảo đảm vận chuyển bằng ô tô. Trước đây, để chuẩn bị đánh Nà Sản, con đường 13 từ Yên Bái lên Tạ Khoa đã sửa chữa xong, nhưng lúc này cần tiếp tục tu bổ thêm. Đường từ Mộc Châu đi Lai Châu rất xấu, phải sửa chữa nhiều. Phân công cho Bộ Giao thông Công chính phụ trách đường 13 lên tới Cò Nòi, và đường 41 từ Mộc Châu lên Sơn La, bộ đội phụ trách quãng đường 41 còn lại từ Sơn La đi Tuần Giáo, và từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ (sau này gọi là đường 42). Hai trung đoàn bộ binh cùng bộ đội công binh và hàng ngàn dân công được huy động để mở rộng 89 km đường và tu sửa 100 cầu hư hỏng trên đường Tuần Giáo – Điện Biên Phủ để ô tô gấp rút chuyển gạo và đạn cho các đơn vị. Hậu cần chiến dịch còn tổ chức tuyến vận tải bộ Sơn La – Mường Luân – Nà Sang bảo đảm cho các đơn vị ở Hồng Cúm; tổ chức thuyền, bè mảng theo sông Nậm Na chuyển gạo từ Ba Nậm Cúm về Lai Châu. Thời gian tiến hành từ tháng 12 năm 1953. Trong giai đoạn chuẩn bị, các lực lượng cầu đường đã làm mới 89 km và sửa chữa nâng cấp được 500 km đường.
Lần đầu tiên xe cơ giới đã được huy động hàng loạt để chở số lượng lớn người và phương tiện để tiếp cận chiến trường. Toàn bộ 16 đại đội xe ô tô vận tải (534 xe) của Tổng cục Cung cấp đã được sử dụng (tuyến chiến dịch sử dụng 446 xe); có thời gian còn được tăng cường 94 xe của các các đơn vị binh chủng.
Để một lực lượng mạnh cho chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động tối đa về sức người và sức của: hàng vạn dân công và bộ đội làm đường dã chiến trong khoảng thời gian cực ngắn, dưới các điều kiện rất khó khăn trên miền núi, lại luôn bị máy bay Pháp oanh tạc. Các dân công từ vùng do Việt Minh kiểm soát ở miền xuôi đi tiếp tế lên Điện Biên bằng gánh gồng, xe đạp thồ kết hợp cùng cơ giới để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch. Đội quân gồm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, được huy động tới hàng chục vạn người (gấp 5 lần số bộ đội chủ lực) và được tổ chức biên chế như quân đội.
Một trong những lực lượng quan trọng phục vụ hậu cần cho chiến dịch là đội xe thồ trên 2 vạn người, với năng suất tải mỗi xe chở được 200–300 kg, kỷ lục lên đến 352 kg (người đó là ông Ma Văn Thắng, chỉ huy đội dân công hơn 10 người ở Thanh Ba – Phú Thọ). Xe thồ được cải tiến có thể cho năng suất chở hàng cao hơn gấp hơn 10 lần dân công gánh bộ. Đồng thời, xe thồ cũng làm giảm được mức tiêu hao gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở. Ngoài ra, xe thồ còn có thể hoạt động tốt trên cả những tuyến đường ghồ ghề, sình lầy, lắm bùn đất mà ô tô không thể đi được. Chính phương tiện vận chuyển thô sơ này đã gây nên sự bất ngờ lớn ngoài tầm dự tính của các chỉ huy Pháp, làm đảo lộn toàn bộ những tính toán, dự đoán trước đây của Pháp khi cho rằng Việt Minh không thể bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp như vậy được.
Như vậy, để chuẩn bị cho cuộc chiến, ta đã huy động lực lượng gần 10 vạn người (cả bộ đội, dân công và lực lượng khác) tiếp tế cho tiền tuyến. Với tinh thần tất cả dồn sức cho Điện Biên Phủ, trong chiến dịch, nhân dân các địa phương đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền. Đồng bào Tây Bắc đã giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị thu hoạch, để bộ đội ăn no, đánh thắng. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo ban đêm nuôi bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lai Châu trước đây, nay là hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên đã tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ, của cải, vì mục tiêu chiến thắng, giải phóng đất nước, quê hương khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp.
Để ngăn chặn, máy bay Pháp đã không kích 1.186 trận vào các tuyến giao thông, ngày cao nhất sử dụng 250 lần máy bay ném bom (có cả máy bay B-26). Các đèo Lũng Lô, Pha Đin, các đầu mối giao thông Cò Nòi, Tuần Giáo, bến phà Tạ Khoa… thành trọng điểm đánh phá, có ngày Pháp ném xuống Cò Nòi và đèo Pha Đin 160-300 quả bom các loại. Để bảo đảm giao thông thông suốt, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã sử dụng 2 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 mm, các tiểu đoàn súng máy 12,7mm bắn máy bay; 4 tiểu đoàn công binh cùng hàng vạn dân công bám các trục đường để sửa chữa cả ngày lẫn đêm. Từ tuyến trung tuyến trở lên đã sửa được 308 km đường ô tô, làm mới 63 km đường kéo pháo, phá 102 thác để tổ chức vận tải thủy trên sông Nậm Na. Tổng khối lượng đào đắp lên tới 35.000m3 đất, 15.000m3 đá, phá hàng ngàn quả bom nổ chậm. Vì vậy, trong suốt Chiến dịch “…hiếm có đoạn đường nào bị đứt quá 24 giờ. Hơn nữa, trong thời gian đường bị cắt đứt, việc vận chuyển vẫn được tiếp tục bằng cách chuyển tải hoặc đi vòng đường khác”.
Để vận chuyển các loại pháo cỡ lớn (lựu pháo 105mm và pháo phòng không 37 mm) vào Điện Biên Phủ tham chiến những người lính pháo binh của QĐNDVN đã khôn khéo tháo rời những chi tiết có thể tháo rời được một cách đơn giản và dễ dàng của khẩu pháo (như bệ pháo, tấm chắn, quy-lát pháo,…) rồi dùng sức người để vận chuyển đến trận địa. Sau khi đến trận địa thì bộ đội pháo binh Việt Minh tiến hành lắp ráp những chi tiết này lại với nhau một cách bí mật, nhanh chóng và chính xác. Bằng cách thức đơn giản đó, bộ đội pháo binh Việt Nam đã đưa được thành công những khẩu lựu pháo 105 mm nặng tới 2,2 tấn (hay những cỗ pháo phòng không 37mm nặng 2,1 tấn) lên bố trí sâu trong các hầm pháo được lính công binh khoét vào sâu bên trong các lòng núi, sườn đồi. Bộ đội pháo binh Việt Minh đã xây dựng các trận địa pháo cực kì bí mật, an toàn nhưng lại rất nguy hiểm với quân Pháp. Từ trên cao, những trận địa này khống chế rất tốt lòng chảo Điện Biên Phủ mà lại cực kỳ an toàn trước bom và pháo của đối phương. Với thế trận hỏa lực này, các khẩu pháo của QĐNDVN được đặt chỉ cách mục tiêu chừng 5–7 km, chỉ bằng một nửa tầm bắn tối đa để mỗi phát đạn được bắn ra phải chính xác hơn, ít tốn đạn và sức công phá cũng cao hơn, thực hiện đúng nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung” được đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ra, từ nhiều hướng bắn chụm vào một trung tâm. Ngược lại, pháo binh Pháp lại bố trí ở ngay giữa trung tâm, phơi mình trên trận địa, nhanh chóng trở thành mục tiêu cho pháo Việt Minh ngắm thẳng vào phản pháo, bắn phá.
Mọi sự chuẩn bị đã xong, QĐNDVN đã sẵn sàng cho trận quyết chiến.
Laodong.vn