Tờ Asia Times đăng bài viết về những diễn biến nổi bật mới nhất trong chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam và tác động đối với kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài.
Các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan, tại tòa ngày 11.4.2024. Ảnh: ANH TÚ
Theo tờ báo, chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam nhằm tăng cường tính minh bạch và quản trị tốt. Ấn phẩm này cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài nằm trong số những người được hưởng lợi từ chi phí thấp khi tiến hành kinh doanh, các quy trình quan liêu đã được chấn chỉnh tối ưu hóa và sự tan rã từ gốc rễ các nhóm lợi ích cố hữu, thường chạy theo quyền lợi tham nhũng.
Asia Times viết, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết vạch ra quỹ đạo phát triển của đất nước giai đoạn 2021-2030. Việc luân chuyển các quan chức cấp cao không làm gián đoạn tính liên tục về mặt hành chính cũng như không làm chệch hướng chính sách của Việt Nam. Thay vào đó, việc này nhằm mục đích củng cố hệ thống chính trị và thúc đẩy thực hiện các chính sách then chốt đã được Quốc hội thông qua.
Nền kinh tế năng động của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ và sản xuất định hướng xuất khẩu trong hơn hai thập kỷ. Nhiều nhà kinh tế dự đoán, Việt Nam – thành viên ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong mở rộng – sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và “con hổ châu Á” này được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới vào năm 2050.
Tờ Asia Times lưu ý, Việt Nam nhấn mạnh rằng, việc xóa bỏ tham nhũng là điều cần thiết để thúc đẩy một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng. Việt Nam gần đây đã có hành động quyết liệt trong các vụ đại án tham nhũng. Việc xử lý những vụ đại án này có một số tác động ngắn hạn nhưng về lâu dài, sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển lành mạnh hơn của hệ thống tài chính, ngân hàng…
Chiến dịch chống tham nhũng hiện tại được xây dựng dựa trên những nỗ lực phòng, chống tham nhũng trước đây, chẳng hạn, từ năm 2013, Bộ Chính trị ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Khái niệm tham nhũng đã được thừa nhận chính thức trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986. Khi đó, tham nhũng được coi là một tệ nạn xã hội có thể ngăn chặn được bằng các biện pháp thanh tra nghiêm ngặt.
Đến năm 2003, Việt Nam ký Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và phê chuẩn vào năm 2009. Năm 2004, Việt Nam trở thành nước thứ 23 ở châu Á ký kết bản Kế hoạch Hành động chống tham nhũng khu vực do Ngân hàng châu Á (ADB) cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng.
Những phân tích gần đây cho thấy nỗ lực chống tham nhũng đang giúp nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực công. Theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, tỉ lệ doanh nghiệp nộp các khoản phí không chính thức hay đôi khi được gọi là “bôi trơn”, đã giảm từ 70% năm 2006 xuống còn 41,4% vào năm 2021.
Tờ Asia Times viết, chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam đã củng cố uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam ở trong và ngoài nước. Chiến dịch chống tham nhũng được cho là tác động rất ít hoặc không có tác động đến cam kết tự do hóa cải cách của Việt Nam, khi chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thị trường vốn và khu vực ngân hàng.
Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục mở rộng thang giá trị gia tăng. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ đã chuyển từ dệt may sang các sản phẩm công nghệ cao, với nhiều sản phẩm của Apple hiện được sản xuất tại Việt Nam.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/the-gioi/chien-dich-chong-tham-nhung-khoi-day-niem-tin-moi-o-viet-nam-1339598.ldo?gidzl=-yFyJDknBHdzsFf3sAea7_ZQya32f7L8xeUdH9wbS1svqlD2oQCZ5-M2znkL_ITEiexuHcKKH-PjtR4j60