Từ nhiều hướng khác nhau, nông dân Pháp đang hướng về Paris, mang theo sự tức giận của họ tới tận thủ đô hoa lệ. Hàng nghìn chiếc máy kéo đang bao vây thành phố hôm 29/1.
Nó trông giống như một chiến dịch quân sự. Nông dân gọi đó là “Chiến dịch Bao vây Paris”, trong khi Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin ra lệnh xây dựng một “hệ thống phòng thủ” để bảo vệ thủ đô và các công trình quan trọng như sân bay, chợ…
Máy kéo tiến về thủ đô
Các cuộc biểu tình đã được tổ chức trong những tuần gần đây trên khắp nước Pháp, một nước sản xuất nông nghiệp lớn ở châu Âu. Nông dân tức giận về việc thu nhập bị giảm, các chính sách quan liêu và môi trường mà họ cho rằng làm suy yếu khả năng cạnh tranh của họ với các nước khác.
Đầu ngày 29/1, người biểu tình đã chặn đường cao tốc A13 ở phía Tây thủ đô, A4 ở phía Đông và A6, nơi hàng trăm máy kéo lăn bánh về phía Paris từ phía Nam. Đến giữa buổi chiều cùng ngày, họ dường như đã đạt được mục tiêu là thiết lập 8 chốt chặn trên các tuyến đường chính dẫn vào Paris, theo dịch vụ giám sát giao thông Sytadin.
Khi màn đêm buông xuống, khoảng 1.500 máy kéo đã được bố trí tại 6 nút giao thông lớn đi vào Paris. Một mục tiêu khác là Chợ Quốc tế Rungis – chợ đầu mối thực phẩm tươi sống lớn nhất thế giới, được mệnh danh là “cái bụng của Paris”, nơi cung cấp nguyên liệu cho phần lớn các nhà hàng, quán cà phê và siêu thị của thủ đô.
Một biểu ngữ trên một máy kéo trong cuộc biểu tình có nội dung: “Chúng tôi sẽ không chết trong im lặng”.
“Chúng tôi cần câu trả lời”, bà Karine Duc, một nông dân ở tỉnh Lot-et-Garonne phía Tây Nam đất nước, cho biết khi tham gia đoàn xe máy kéo hướng tới Paris. “Đây là trận chiến cuối cùng của người làm nông. Đó là vấn đề sống còn”, người phụ nữ nói với AFP hôm 29/1.
Đại diện các hiệp hội nông dân chủ chốt đã gặp Thủ tướng Pháp Gabriel Attal trong cuộc họp kéo dài hàng giờ sau đó trong ngày.
Nông dân đến để yêu cầu mức giá công bằng hơn cho sản phẩm nông nghiệp, tiếp tục trợ cấp xăng dầu và hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp hữu cơ. Họ cũng đang yêu cầu đơn giản hóa các thủ tục quan liêu ở cấp Liên minh châu Âu (EU) và nới lỏng các quy định về nông nghiệp.
Nông dân tuyên bố sẽ duy trì cuộc bao vây đến tận ngày 1/2 khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ cùng các nhà lãnh đạo châu Âu tới Brussels để thảo luận về ngân sách EU và giải quyết cuộc khủng hoảng nông nghiệp.
“Lằn ranh đỏ” biểu tình
Ông Stephane Sanchez, Giám đốc Chi nhánh Paris của Liên minh Quốc gia các nghiệp đoàn nông dân Pháp (FNSEA), cho biết “Chiến dịch Bao vây Paris” đã được chuẩn bị với độ chính xác “gần như quân sự”. Có những cuộc bao vây tương tự ở các thành phố và thị trấn khác, bao gồm Lyon, Limoges và Toulouse, nơi tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng xảy ra và các đơn hàng giao nhận thực phẩm bị hủy bỏ.
Bộ trưởng Nội vụ Darmanin cho biết, 15.000 cảnh sát và hiến binh đã được huy động để ngăn chặn máy kéo tiến vào Paris và các thành phố khác nơi các cuộc biểu tình đang diễn ra, đồng thời để mở đường tới sân bay Charles de Gaulle-Roissy ở phía Bắc thủ đô và sân bay Orly ở phía Nam.
Ông Darmanin yêu cầu lực lượng an ninh kiềm chế. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nông dân không can thiệp vào các khu vực chiến lược xung quanh thủ đô. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không cho phép các tòa nhà chính phủ, cơ quan thuế, siêu thị bị hư hại hoặc các xe tải tải vận chuyển nông sản nước ngoài bị chặn lại”.
Xe cảnh sát bọc thép đã được triển khai tới khu vực chợ đầu mối Rungis hôm 29/1 sau khi một số nông dân đe dọa “chiếm giữ” nơi này. Ông Darmanin cảnh báo rằng việc chặn chợ Rungis, nơi cung cấp 60% thực phẩm tươi sống cho khoảng 12 triệu người ở Paris, sẽ tương đương với việc vượt qua “lằn ranh đỏ” trong biểu tình.
Cho tới nay các cuộc biểu tình của nông dân Pháp đã khiến 2 người thiệt mạng. Hôm 23/1, một chiếc ô tô đã lao vào rào chắn, khiến một phụ nữ và cô con gái tuổi teen của bà thiệt mạng trong khi chồng của người phụ nữ này bị thương nặng.
Tổng thống Macron đã ra lệnh cho Thủ tướng Attal tập trung tìm cách xoa dịu cơn giận dữ của nông dân, lo ngại tình hình có thể leo thang thành một cuộc biểu tình theo phong cách của “Phong trào Áo vàng” (Gilets Jaunes), vốn đã chứng kiến các cuộc bạo loạn cực kỳ dữ dội phản đối việc tăng thuế nhiên liệu trên khắp đất nước từ năm 2018 đến năm 2020.
Một số nông dân đã tự gọi mình là “Áo xanh” (Gilets Verts). Đại diện phía nông dân cho biết phản ứng của Chính phủ Pháp cho đến nay vẫn chưa đầy đủ.
Làn sóng bất mãn lan rộng
“Thủ tướng đã cho chúng tôi ăn vặt, và bây giờ chúng tôi muốn ông ấy làm việc chăm chỉ hơn một chút và cho chúng tôi nhiều hơn”, ông Arnaud Lepoil, một thành viên của nghiệp đoàn nông dân hàng đầu FNSEA, cho biết.
Chủ tịch FNSEA Arnaud Rousseau và Chủ tịch Nghiệp đoàn Nông dân trẻ (SJA) Arnaud Gaillot đã gặp Thủ tướng Attal trong hơn 3 giờ vào cuối ngày 29/1, nguồn tin của AFP cho biết.
“Mục tiêu của chúng tôi không phải là làm phiền người dân Pháp hay khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn mà là gây áp lực lên chính phủ”, ông Rousseau nói với Đài truyền hình RTL trước cuộc gặp.
Còn trong một cuộc phỏng vấn với báo La Tribune de Dimanche, ông Rousseau cho biết ông Attal mới chỉ xem xét một phần nhỏ trong số 122 yêu cầu mà người biểu tình đưa ra cho các cơ quan chức năng. Nông dân đang chờ đợi câu trả lời về cách giải quyết vấn đề nhập khẩu ngũ cốc và gia cầm giá rẻ từ Ukraine, các vấn đề về lương hưu và các chỉ thị về môi trường của EU.
Chính phủ Pháp đang cố gắng ngăn chặn sự bất bình của nông dân lan rộng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6, được coi là phép thử quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Macron.
Điện Elysee cho biết, ông Macron đã triệu tập một cuộc họp với một số Bộ trưởng vào chiều ngày 29/1 để thảo luận về tình hình.
Trong chuyến thăm một trang trại hôm 28/1, Thủ tướng Attal đã tìm cách giải quyết những lo ngại của nông dân, sau khi một loạt nhượng bộ được công bố hôm 26/1 không thể xoa dịu cuộc khủng hoảng.
“Tôi muốn chúng ta làm rõ mọi chuyện và xem chúng ta có thể thực hiện những biện pháp bổ sung nào”, ông Attal cho biết khi đang trong chuyến thăm.
Nông dân sẽ bắt đầu ngày thứ hai phong tỏa các tuyến đường chiến lược quanh Paris vào ngày 30/1 bất chấp “các biện pháp mới” mà ông Attal đã hứa.
Cuộc biểu tình của nông dân không chỉ xảy ra ở Pháp. Những lời bất bình tương tự đang được nông dân trên khắp châu Âu nêu lên, với các cuộc biểu tình song song xảy ra ở nước láng giềng Bỉ. Nông dân Bỉ đã dựng rào chắn trên các đường cao tốc chính, bao gồm cả thủ đô Brussels.
Trong khi đó, hàng trăm nông dân Đức đang phong tỏa các cảng quan trọng như Hamburg, một trong những trung tâm vận chuyển container nhộn nhịp nhất ở châu Âu. Các cuộc biểu tình của nông dân cũng gia tăng ở Ba Lan, Romania và Hà Lan.
Làn sóng bất mãn của nông dân là dấu hiệu cho thấy một vấn đề rộng lớn hơn đang gây khó khăn cho ngành nông nghiệp trên khắp “lục địa già”. Xung đột giữa các quy định về môi trường, giá cả hợp lý và sự sống còn của cộng đồng nông dân là mối quan tâm toàn cầu khẩn cấp.
Minh Đức (Theo France24, Daily Mail, The Guardian)