Tướng Serhii Holubtsov, thuộc Bộ Tư lệnh Không quân Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết, trong một cuộc phỏng vấn rằng việc sử dụng máy bay chiến đấu F-16 sẽ nâng cao hiệu quả tên lửa HARM trước các hệ thống đánh chặn của đối phương.
Theo quan chức quân đội Ukraine này, việc được chuyển giao các vũ khí tối tân gần đây phần nào đã nâng cao hiệu quả tác chiến của Kiev. Trong đó, các tên lửa chống radar HARM cho thấy sự thách thức đối với các nền tảng phòng không. Song, tiềm năng này sẽ được “khai mở” hơn nữa khi kết hợp với máy bay chiến đấu F-16.
Phát hiện radar phòng không chủ động
Sức mạnh của những chiếc F-16 nằm ở trang bị máy thu chuyên dụng, có khả năng cung cấp cho phi công những thông tin quan trọng về hệ thống phòng không chủ động của đối phương, bao gồm cả hướng và vị trí chính xác của chúng.
Bằng cách sử dụng các máy thu radar tiên tiến hoặc thiết bị chuyên dụng dưới thân máy bay được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ HARM, các phi công F-16 có khả năng xác định chính xác vị trí của các khẩu đội phòng không Nga ngay trước khi phóng tên lửa.
Khả năng tiên tiến này cho phép F-16 thực hiện các nhiệm vụ phóng tên lửa tấn công mục tiêu ưu tiên cao, từ đó cải thiện đáng kể hiệu suất tổng thể và hiệu quả trên chiến trường. Không chỉ vậy, “chim sắt” này có thể tích hợp cùng với những loại vũ khí tiên tiến khác, chẳng hạn như “bom thông minh”.
Holubtsov giải thích, những vũ khí có độ chính xác cao thông thường phải được lập trình trước trên mặt đất trước khi triển khai. Song, với sự xuất hiện của F-16, bước lập trình mặt đất này có thể được bỏ qua hoàn toàn do “chim sắt” này có khả năng phát hiện mục tiêu đang bay và khai hoả đạn dẫn đường ngay lập tức.
Điều này giúp các lực lượng vũ trang Ukraine kịp thời thích ứng thời gian thực với tình huống chiến đấu, thay vì cách tiếp cận truyền thống lập trình dựa trên giả định từ trước.
Giới chuyên gia quân sự chung nhận định, việc đưa F-16 vào biên chế của Ukraine sẽ mang lại những lợi thế đáng kể cho kế hoạch phản công mà Kiev đặt ra trong năm nay.
Cân bằng sức mạnh chiến trường
Một cựu phi công Hải quân Mỹ cho biết “những tiêm kích F-16 có khả năng phát hiện chủ động radar đối phương, tạo điều kiện xác định mục tiêu theo thời gian thực và cho phép triển khai hiệu quả tên lửa chống bức xạ AGM-88 tốc độ cao”.
Trước đây, việc triển khai HARM trên MiG-29 đòi hỏi phải lập trình trước tọa độ của mục tiêu trước khi phóng. Quy trình này hạn chế khả năng của tên lửa trong việc tận dụng đầy đủ tín hiệu radar của Nga.
Ngược lại, các hệ thống máy tính và màn hình tiên tiến của F-16 được thiết kế để tạo điều kiện kết nối dữ liệu liên tục với tên lửa. Do đó, khả năng lựa chọn chế độ và nhắm mục tiêu trong thời gian thực ngay trong chuyến bay sẽ tăng cường đáng kể hiệu quả của HARM.
Giới chuyên gia quốc phòng nhấn mạnh việc kết hợp F-16 mang lại lợi thế chiến thuật để áp chế những tổ đội tên lửa đất đối không của Nga trên một đoạn chiến tuyến đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển binh lính và vật tư nhanh chóng và an toàn bằng máy bay trực thăng, trong khi các máy bay phản lực tấn công có thể hỗ trợ trên không cho các tiểu đoàn tiền tuyến.
Mặc dù Washington đã “bật đèn xanh” cho việc chuyển giao F-16 tới chiến trường Ukraine, song đến nay chưa có quốc gia phương Tây nào sẵn sàng viện trợ “món hàng” này tới Kiev.
Tài liệu tình báo của Lầu Năm Góc bị tiết lộ cho thấy, các phi công Ukraine phải trải qua các khoá đào tạo kéo dài từ ba đến bốn tháng mới có thể điều khiển tiêm kích Mỹ. Trong khi đó, Hà Lan khẳng định chỉ có thể cung cấp một số “hạn chế” F-16 đang trong biên chế hoặc đã loại biên.
Vijainder K Thakur, cựu phi công của IAF (không quân Ấn Độ) dự đoán các máy bay chiến đấu F-16 cung cấp cho Ukraine dự kiến sẽ là biến thể MLU (phiên bản nâng cấp giữa vòng đời), vốn đang được dần thay thế trong biên chế các quốc gia đồng minh NATO như Na Uy, Đan Mạch và Hà Lan.
Dù vậy, những chiếc F-16 MLU này vẫn được coi là biến thể nâng cấp so với phiên bản tiêu chuẩn.
(Theo EurAsian Times)