ĐỒNG NAI Canh tác hữu cơ, tạo thảm thực vật từ cỏ là cách anh Vương Thành Nam kiên trì chăm sóc, bảo vệ vườn măng cụt hữu cơ, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường.
Học làm “nông dân tốt”
TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, địa hình bằng phẳng với đất đỏ bazan, nguồn nước ngầm phong phú, phù hợp để phát triển các loại cây ăn trái như chôm chôm, mãng cầu, mít, sầu riêng, cam, quýt, chuối, ổi, măng cụt…
Tận dụng lợi thế này, địa phương đã khuyến khích nông dân chủ động đầu tư phát triển các mô hình trồng cây ăn trái ứng dụng khoa học công nghệ, canh tác hữu cơ, thuận tự nhiên. Từ đó, hình thành nhiều mô hình nông nghiệp kiểu mẫu, xanh tốt, sản phẩm đạt chất lượng. Đồng thời, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm, khẳng định vị thế trái cây nhiệt đới của vùng đất Long Khánh.
Trong đó, phải kể đến vườn măng cụt hữu cơ của anh Vương Thành Nam (tổ 26, phường Bảo Vinh, TP Long Khánh) được đầu tư bài bản.
Bước vào khu vườn rộng khoảng 1ha, ngôi nhà của gia đình anh Nam được bao bọc xung quanh bởi 80 cây măng cụt rợp bóng mát. Từ năm 2019, anh Nam tiếp quản vườn măng cụt từ cha và bắt đầu cải tạo, chuyển sang canh tác hoàn toàn hữu cơ.
Dẫn chúng tôi ra vườn tham quan, anh Nam kể về quá trình “học làm nông dân tốt”: “Lúc đầu không biết làm nông nghiệp, bỡ ngỡ lắm, rồi đến thất vọng về chất lượng trái, cây còi cọc, sâu bệnh nhiều, lá nhỏ. Chán nản, có lúc tôi bỏ không chăm sóc khiến cây suy, đất cằn cỗi.
Sau đó, tôi quyết tâm tự tìm tòi, học hỏi mỗi ngày, cứ vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Ngoài ra, Hội Nông dân xã Bình Lộc cũng cho đi tham gia các lớp tập huấn về canh tác hữu cơ. Cuối cùng cũng tiến bộ hơn, đất bắt đầu phục hồi, cây phát triển hơn, mà không sử dụng bất kỳ một loại phân bón, thuốc BVTV hóa học nào. Cứ kiên trì mỗi ngày, quyết “làm nông dân tốt”, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng”, anh Nam chia sẻ.
Cái gì của đất thì trả lại cho đất
Xuyên suốt câu chuyện, anh Vương Thành Nam nhắc đi nhắc lại với chúng tôi câu: “Mình lấy gì của đất thì phải trả lại cho đất”. Đó là cách mà anh đã và đang kiên trì để trồng măng cụt hữu cơ với mong muốn mang lại một không gian trong lành cho gia đình, xóm làng và mang lại thu nhập cao từ việc bán măng cụt hữu cơ chất lượng.
Theo anh Nam, 6 năm canh tác hữu cơ là ngần ấy năm anh để cỏ mọc tự nhiên (chỉ cắt bớt phần ngọn) để tạo thành một thảm thực vật giúp cây và đất có khả năng chống chịu tốt hơn với nắng hạn, đất được giữ ẩm tốt, hệ vi sinh vật trong đất phát triển…
Ngoài ra, anh cũng bón thêm phân hữu cơ, tưới thêm vi sinh, đạm cá Humic, sử dụng chất cải tạo đất giúp đất tơi xốp hơn… để cây có thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, tránh được tình trạng xì mủ, nứt trái. Nhờ đó, khi những cơn mưa đầu mùa đến, anh không sợ cây rụng bông, rụng trái, sốc nước, sốc nhiệt.
Không những thế, anh Nam còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động lắp đặt khắp vườn và đánh số thứ tự cho từng cây trong vườn để dễ quản lý.
“Những lúc tôi đi vắng, bố tôi ở nhà có thể tự bật công tắc, thích tưới nước lúc nào thì tưới, không phải cầm vòi đi xịt khắp vườn như trước kia ông làm”, anh Nam cười nói.
Vườn măng cụt hữu cơ 80 gốc ở độ tuổi từ 20 – 25 năm của anh Nam quả thực đáng giá, cây nào cây nấy xanh tốt, to khỏe giữa một “rừng” cây măng cụt canh tác theo phương pháp thông thường xung quanh. Đây cũng là một lợi thế để vườn măng cụt hữu cơ của anh Nam đoạt giải Nhất cuộc thi “Vườn trái cây kiểu mẫu” năm 2023 của TP Long Khánh.
Khi hỏi về hiệu quả mà canh tác hữu cơ mang lại, anh Nam cho biết, về mặt kỹ thuật, hiện anh đã thuần dưỡng được cây măng cụt theo phương pháp hữu cơ. Do đó, đất càng ngày càng màu mỡ hơn, tơi xốp hơn; cây càng ngày càng khỏe, ít sâu bệnh hại; lá ngày càng lớn, xanh, dày; chất lượng trái ổn định, vỏ mỏng, cơm không xơ, ngọt. Vì thế, măng cụt của hộ anh Nam luôn hút hàng khi tới mùa thu hoạch.
Không những thế, nhờ canh tác hoàn toàn hữu cơ nên môi trường trở nên trong lành, đảm bảo sức khỏe cho chính gia đình anh Nam khi sống giữa vườn măng cụt.
“Khách của tôi chủ yếu là những cửa hàng trái cây sạch, siêu thị tại TP Long Khánh và cả Hà Nội, Kon Tum… Có nhiều khách lấy măng cụt của tôi đi test (kiểm tra chất lượng) và đã thu mua để xuất đi nước ngoài. Măng cụt sạch, trồng theo phương pháp hữu cơ luôn không đủ hàng đến bán”, anh Nam nói và cho biết, sản lượng măng cụt vườn của anh năm nay chắc chắn tăng hơn so với năm ngoái khoảng 5-10%.
Theo anh Nam, trung bình mỗi cây măng cụt hiện cho thu hoạch khoảng 50 – 150kg quả. Trong đó, khoảng 50% số cây trong vườn đang ở độ sung mãn, năng suất có thể đạt hơn 1 tạ/cây/năm, cho gia đình anh thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Thời gian tới, anh Nam dự tính khi có đủ thời gian sẽ đầu tư nghiên cứu để thực hiện ý tưởng vừa làm nông nghiệp hữu cơ vừa kết hợp du lịch sinh thái. Đồng thời, tìm hiểu để làm chứng nhận hữu cơ.
“Mong địa phương, các đơn vị truyền thông hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp hữu cơ có được thị trường tiêu thụ ổn định với mức giá tốt. Qua đó, tạo động lực để bà con nông dân chuyển dần từ canh tác hóa học sang canh tác hữu cơ, cùng chung tay định vị, quảng bá thương hiệu măng cụt – “nữ hoàng trái cây” của Long Khánh đến với du khách trong và ngoài nước”, anh Vương Thành Nam nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tài, Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp hữu cơ Á Châu (AOI), nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu là xu thế của thế giới và cả Việt Nam để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát triển nông nghiệp hữu cơ góp phần hình thành nên những làng quê đáng sống, thu hút du khách tìm về tham quan thưởng lãm, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng đã có những chủ trương, chính sách để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nhiều địa phương đã hình thành các mô hình nông nghiệp hữu cơ được đầu tư bài bản ngay từ đầu nên việc đạt được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam hay tiêu chuẩn quốc tế (EU, USDA, JAS…) cũng dễ dàng hơn để xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính.
“Thị trường hữu cơ ngày càng phát triển cả trong nước và quốc tế. Đây là cơ hội để nông dân đầu tư vào sản xuất, chuyển đổi mô hình canh tác bền vững để tiến xa hơn.
Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bà con nông dân, doanh nghiệp trong việc tư vấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật và tham gia xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ, chứng nhận hữu cơ”, ông Tài nói.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/chiem-nguong-vuon-mang-cut-sieu-dep-d386768.html