(Dân trí) – Sở hữu khí hậu mát mẻ quanh năm, những bãi biển dài, rừng cây rợp bóng cùng hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, bán đảo Sơn Trà được ví như “viên ngọc quý” của thành phố Đà Nẵng.
Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Nơi đây là khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng và với bờ biển tuyệt đẹp, khí hậu trong lành, Sơn Trà cũng là thắng cảnh du lịch nằm gần thành phố.
Bán đảo được mệnh danh là “viên ngọc quý” của Đà Nẵng với phong cảnh hữu tình, lãng mạn. Các dãy núi thấp được phủ kín bởi màu xanh của rừng, nhô ra biển như bức bình phong che chắn gió bão cho thành phố.
Trên bán đảo có chùa Linh Ứng – Bãi Bụt, đây là ngôi chùa có quy mô lớn và đẹp nhất trong 3 ngôi chùa cùng tên tại Đà Nẵng. Chùa sở hữu cảnh vật nên thơ, hữu tình.
Đặc biệt, nơi đây có bức tượng Phật Quan Âm lớn nhất nước, với độ cao lên đến 67m, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển.
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km, với độ cao 700m so với mực nước biển, đỉnh Bàn Cờ (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) được mệnh danh là “nóc nhà” của Đà Nẵng.
Nơi đây từ lâu đã trở thành một trong những điểm check-in không thể bỏ qua với những du khách yêu thích vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên.
Nằm nép mình trên đỉnh Sơn Trà ở độ cao khoảng 223m so với mặt nước biển, hải đăng Tiên Sa là một trong những địa danh ít người biết đến nhưng lại có một vẻ đẹp hoài cổ giữa non nước bạt ngàn.
Ngọn hải đăng này được người Pháp xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1902, do đó được mệnh danh là một trong những ngọn hải đăng cổ và đẹp nhất Việt Nam.
Trải qua hơn 100 năm, chịu sự bào mòn của thời gian và biển cả, hải đăng Tiên Sa vẫn đứng vững, ánh sáng vươn xa 23 hải lý (khoảng hơn 40km). Do hải đăng cổ, không có hệ thống điều khiển từ xa nên công nhân phải bảo trì vận hành thủ công để đảm bảo máy móc, thiết bị luôn hoạt động.
Nằm khuất sâu trong một cánh rừng trên bán đảo Sơn Trà, “cây đa ngơ ngác” hay “cây đa con nai” là một trong những điểm đến khá thú vị với những du khách thích mạo hiểm khi lên bán đảo.
Sở dĩ có tên gọi đặc biệt như vậy, bởi phần thân cây xẻ làm đôi giống như hai cặp chân trước, chân sau của con nai và phần tán cây vươn lên giữa trời như chiếc sừng nai khẳng khiu.
Theo người dân địa phương, cây cổ thụ này có tuổi đời gần 1.000 năm, kích thước thân ước chừng 10 vòng tay người lớn ôm mới hết.
Cây đa di sản nằm tại rìa phía đông của Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, cách trung tâm thành phố khoảng 14km. Cây được phát hiện vào năm 1771, có tuổi đời ước tính hơn 800 năm và được xác định là họ dâu tằm.
Cây đa xanh mát bốn mùa, được đánh giá là thực thể quý, độc đáo ở vùng “lá phổi xanh” của thành phố Đà Nẵng.
Thân cây có nhiều nhánh tỏa ra xung quanh, vùng tán rộng. Đây là môi trường sống, nguồn thức ăn của nhiều loài động vật quý hiếm, trong đó có loài vọoc chà vá chân nâu, trên bán đảo Sơn Trà.
Bán đảo Sơn Trà còn để lại ấn tượng trong lòng du khách với sự phong phú về hệ sinh thái động vật. Theo Green Việt (Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh), thống kê năm 2017, động vật ở núi Sơn Trà có 366 loài.
Bán đảo Sơn Trà cũng có sự đa dạng về cấu trúc thành phần loài, tổng số loài thực vật bậc cao là 1.010 loài, chiếm 9,37% loài thực vật cao cấp của Việt Nam; 22 loài quý hiếm.
Trong ảnh là một cá thể rùa được phóng viên ghi nhận tại bán đảo Sơn Trà.
Không chỉ là “lá phổi xanh” điều tiết khí hậu, bán đảo Sơn Trà còn được nhiều người biết đến là “vương quốc” của loài linh trưởng quý hiếm có tên Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là Voọc ngũ sắc). Đây là loài động vật nằm trong sách đỏ Việt Nam, thuộc diện cần được bảo vệ vô điều kiện.
Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà có thân hình thon nhỏ, lông nhiều màu, trán màu đen, lông mặt dầy tạo thành đĩa mặt, màu từ trắng xám đến xám. Cổ và ngực chúng có màu hung đỏ rồi nhạt dần (Ảnh: A Núi).
Bán đảo Sơn Trà cũng có hệ sinh thái biển phong phú cùng rạn san hô đa dạng, rực rỡ, phong phú, đây cũng là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá mà không phải nơi nào cũng có.
San hô dưới biển Sơn Trà giống như rừng nhiệt đới trên cạn, là nơi lưu trữ đa dạng sinh học, hỗ trợ cho nhiều loại cá và các sinh vật biển khác.
Trong hình là loài dã quỳ thân mềm, chúng là ngôi nhà cho những chú cá hề lưu trú. Loài cá này ăn tạp và có thể ăn những thức ăn không tiêu hóa từ vật chủ hải quỳ. Ngược lại, phân từ cá sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho hải quỳ (Ảnh: Trung Đào).
Những điều độc đáo chỉ có trên bán đảo Sơn Trà cùng khí hậu mát mẻ khiến nơi đây luôn trở thành lựa chọn tham quan của nhiều du khách khi đến với Đà Nẵng.
Hoài Sơn – Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/chiem-nguong-ve-dep-hiem-co-tai-vien-ngoc-quy-cua-da-nang-20240521202309932.htm