Loại ngói rồng được lợp trên mái điện Kính Thiên. Ảnh: Nhật Minh
Kiến trúc điện Kính Thiên được các nhà khoa học nghiên cứu và tái hiện dưới mô hình 3D. Công chúng lần đầu chiêm ngưỡng nét rất khác của công trình lịch sử này.
Kiến trúc của điện Kính Thiên lần được được giải mã. Ảnh: Nhật Minh
Từ những nguồn tư liệu uy tín của khảo cổ học, các nhà khoa học Viện nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nghiên cứu, tìm tòi để giải mã hệ thống kiến trúc của điện Kính Thiên. Từ đó, họ tiến hành tái hiện dưới mô hình 3D, trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhằm phục vụ người dân.
Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, dưới đời vua Lê Thái Tổ và đến đời vua Lê Thánh Tông thì hoàn thiện. Điện Kính Thiên là công trình trung tâm của hoàng cung nhà Hậu Lê ở đô thành Đông Kinh, nay là Hà Nội. Tại đây, vua Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi và sau này được sử dụng là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng.
Cuối thế kỷ 19, hàng cung Kính Thiên bị thực dân Pháp phá bỏ, thay vào đó xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh của họ. Lúc đó, ngôi nhà có tên là nhà Con Rồng hay Long Trì, bởi phía trước và sau đều có rồng đá chậu.
Năm 1954, nơi đây trở thành vị trí làm việc của Bộ Quốc phòng khi dân ta vào tiếp quản Thủ đô. Đến năm 2004, một phần diện tích trung tâm Thành cổ Thăng Long – Hà Nội được Bộ Quốc phòng bàn giao cho UBND Thành phố Hà Nội quản lý.
Nghiên cứu cho thấy điện Kính Thiên là toà điện xây dựng trên cấp nền cao, ở phía trước có 11 bậc đá chạm rồng được chia làm 3 lối đi. Lối chính giữa dành cho vua, hai bên là lối đi của các quan đại thần.
Phía trước công trình có 11 bậc đá chạm rồng, chia làm 3 lối đi. Ảnh: Nhật Minh
Diện tích kiến trúc khoảng 1.188m2 với 9 gian (7 gian 2 chái), chiều sâu của lòng điện có 6 gian. Công trình có tổng cộng 60 cột gỗ với 10 cột chiều ngang và 6 cột chiều dọc.
Công trình có tổng cộng 60 cột gỗ với 10 cột chiều dọc và 6 cột chiều ngang. Ảnh: Nhật Minh
Kiến trúc của điện Kính thiên thuộc loại đấu củng, trùng diêm với phần mái được lợp ngói rồng men vàng, trang trí là những tượng đầu rồng vươn cao lên trời. Nét đặc sắc của kiến trúc thể hiện vẻ đẹp cao sang, quyền lực của vương triều. Hai loại ngói phổ biến thời kỳ này là ngói ống và ngói cong.
Loại ngói rồng được lợp trên mái điện Kính Thiên. Ảnh: Nhật Minh
Ngói rồng bờ dài xây dựng trong kiến trúc điện Kính Thiên. Ảnh: Nhật Minh
Việc phát hiện các loại Đấu xuyên tâm và loại Bình áng đầu chim tại di tích 18 Hoàng Diệu từ năm 2002 đến 2004 và 70 cấu kiện gỗ tại phía Đông điện Kính Thiên trong các cuộc khai quật năm 2017, 2018 đã xác định kiến trúc cung điện thời Lê sơ thuộc loại kiến trúc đấu củng.
Kiến trúc đấu củng này có những nét tương đồng với kiến trúc cung điện cổ ở Bắc Kinh – Trung Quốc vào thời Minh, loại này có từ 3 đến 4 tầng đấu.
Các bộ phận trong hệ thống kiến trúc đấu củng. Ảnh: Nhật Minh
Đấu củng là một loại kết cấu đỡ mái theo kỹ thuật chồng rường, nằm ở vị trí dưới mái hiên và mái nhà. Loại kiến trúc này có tác dụng mở rộng hiên nhà, có khả năng chịu lực, đồng thời là một điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp của công trình. Đây được xem là “chìa khoá” cho quá trình giải mã và phục dựng hình thái điện Kính Thiên.
Mô hình tái hiện kiến trúc điện Kính Thiên thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Ảnh: Nhật Minh
Trần Thu Giang (24 tuổi, Hoà Bình) cho rằng những kết quả nghiên cứu này giúp công chúng hiểu và cảm nhận được nét độc đáo, kỳ công trong kiến trúc xưa.
“Mình mong sẽ có nhiều công trình được giải mã hơn nữa để hiểu được ý nghĩa, nét đặc sắc trong kiến trúc của cha ông ta” – Thu Giang nói./.
laodong.vn