Đây là thành quả bước đầu của một dự án nghệ thuật dài hơi “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại” được nhóm nghệ sĩ Heritage and Art thực hiện, với mong muốn gìn giữ, “thắp sáng” giá trị di sản văn hóa Việt bằng nghệ thuật đương đại.
Tham quan không gian triển lãm, người xem cảm giác như đang đắm chìm trong thế giới “ngày xửa ngày xưa” đậm đà truyền thống nhưng vẫn sống động, hiện đại. Cùng chung cảm hứng từ di sản văn hóa dân tộc, mỗi nghệ sĩ tạo hình lại có một cách thể hiện đầy thú vị.
Lấy cảm hứng từ các mô típ hoa văn cổ, họa sĩ Nguyễn Thế Hùng kết hợp và pha trộn cùng yếu tố hiện đại để gợi những trăn trở về văn hóa, xã hội trong chùm tác phẩm sơn mài trên vải “Phía bên kia ký ức”. Họa sĩ Vũ Thùy Mai chắt chiu những họa tiết từ các bảo vật quốc gia, những bình gốm sứ hoa nâu Lý – Trần, gốm hoa lam Lê Sơ… đưa vào những bức tranh lụa “Vệt ký ức”.
Còn nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu tiếp thu những vật liệu và kỹ thuật làm gốm của cha ông để thể hiện trong bộ tác phẩm “Gốm Mường” hiện đại. Họa sĩ Lê Thế Anh lại mượn hình ảnh chiếc lọng vinh quy bái tổ và câu chuyện chèo cổ “Lưu Bình – Dương Lễ” kể câu chuyện về người phụ nữ trong tranh sơn dầu “Nàng Châu Long”. Họa sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố) với chùm tác phẩm “Ngày xửa ngày xưa” tiếp nối câu chuyện về phố – làng – hạt gạo như những đại diện tiêu biểu của di sản văn hóa Việt Nam và thể hiện chúng bằng góc nhìn lạc quan, thi vị của thế hệ trẻ đương đại…
Xuất phát từ tình yêu với họa tiết, mỹ thuật cổ, cũng như di sản văn hóa dân tộc, nhóm nghệ sĩ Heritage and Art gồm 16 người bắt đầu thực hiện dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại” từ đầu năm 2024. Họ cùng ngồi lại với nhau, tổ chức những chuyến đi lấy tư liệu, những cuộc gặp gỡ các nhân vật liên quan để tìm hiểu sâu, rộng hơn về giá trị của di sản văn hóa Việt. Từ đó, mỗi họa sĩ nghiên cứu, xây dựng tác phẩm với điểm chung là “giải bài toán” làm thế nào để di sản dân tộc, nghệ thuật xưa “sống” cùng nghệ thuật đương đại.
“Ngày xửa ngày xưa là lời mở đầu cho câu chuyện di sản mà nhóm Heritage and Art muốn kể bằng ngôn ngữ mỹ thuật. Trong câu chuyện ấy, không chỉ có họa tiết và hoa văn mỹ thuật cổ, tranh dân gian, nhân vật của nghệ thuật múa rối nước, hình ảnh của chạm khắc đình làng… mà còn là tầng lớp bề dày lịch sử, những giá trị của di sản văn hóa Việt được thể hiện qua góc nhìn đương đại”, họa sĩ Nguyễn Minh – người khởi xướng thành lập nhóm Heritage and Art chia sẻ.
Khi biết về dự án đầy tâm huyết và tình yêu đối với di sản văn hóa dân tộc của nhóm Heritage and Art, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ: “Kết nối di sản và mỹ thuật là một chủ đề hấp dẫn, lại được thực hiện bởi các nghệ sĩ đương đại tài năng thì rất đáng khuyến khích, ủng hộ. Đây là cách góp phần để công chúng hiểu nhiều hơn, yêu nhiều hơn những giá trị ngàn xưa ông cha để lại và là hướng gìn giữ di sản bền lâu”. Song, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng lưu ý, khi khai thác chất liệu di sản, các nghệ sĩ đương đại cần cẩn trọng, để không làm xô lệch, hoặc hiểu không đúng về những giá trị truyền thống của dân tộc.
Cùng quan điểm, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho rằng, việc sáng tạo không chuẩn xác dễ gây phản tác dụng, vì vậy, khi thực hiện dự án, các nghệ sĩ nên có sự hỗ trợ, đồng hành của các chuyên gia về văn hóa, di sản. Thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã hỗ trợ các nghệ sĩ tìm hiểu, nghiên cứu sâu về mỹ thuật cổ và các bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại đây.
PV
Nguồn: https://www.congluan.vn/chiem-nguong-di-san-van-hoa-qua-goc-nhin-cua-hoa-si-duong-dai-post309177.html